10:18 06/11/2022

'Thời nay nuôi dạy con khó quá': Chuyên gia mách bí quyết cân bằng kỷ luật và yêu thương

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Cha mẹ học rất nhiều từ phổ thông tới đại học nhưng hầu như không ai được học qua lớp làm cha mẹ nên gặp khó khăn trong việc nuôi dạy con là bình thường. Vậy làm thế nào để cha mẹ tránh 'nuông chiều tiêu cực' khiến con trở thành đứa trẻ hư?

Thời gian gần đây chúng tôi liên tục nhận được những chia sẻ của các bà mẹ than thở về việc con cái phá bĩnh, dựa dẫm hoặc chê bai cha mẹ, thậm chí còn cho rằng cha mẹ mình kém cỏi nên gia đình nghèo khó. Nguồn cơn của mọi việc đa phần xuất phát từ hành vi bao bọc, nuông chiều con vô điều kiện.

Phóng viên Infonet đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện - Đơn vị Tâm lý - Bệnh viện Nhi đồng TPHCM về vấn đề này.

Ranh giới giữa thương yêu và nuông chiều rất mong manh, quan điểm của anh về cách chăm sóc con kiểu “nuông chiều cực đoan” hiện nay như thế nào?

Nuôi con là một thách thức không nhỏ, nhất là trong giai đoạn nhiều dịch bệnh như hiện nay. Tuy nhiên, chăm sóc và giáo dục con lại là một thử thách khó khăn hơn rất nhiều. Làm sao giữ được các kỷ luật trong gia đình để giúp con nên người nhưng đồng thời cũng cho trẻ cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ?

Trong cuộc sống, mọi vấn đề nếu chúng ta cực đoan đều không tốt. Quá khắt khe, áp dụng kỷ luật triệt để, thậm chí dùng bạo lực trong giáo dục là một truyền thống nhiều gia đình vẫn áp dụng. Ngược lại ở cực kia, nhiều phụ huynh chiều chuộng con và sẵn sàng cung phụng, đáp ứng mọi đòi hỏi của trẻ. Ở cực nào cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhân cách, tinh thần của trẻ.

Có một mô hình giáo dục con cái được Maccoby và Martin đưa ra vào năm 1983 có thể giúp phụ huynh định hướng trong việc lựa chọn phong cách làm cha mẹ của mình. Trong đó, hai yếu tố chính của giáo dục là Kỷ luật - kiểm soát và Yêu thương - chăm sóc.

Khi cha mẹ quá bận rộn hoặc không thể hiện diện để kiểm soát lẫn chăm sóc con mình thì sẽ tạo thành kiểu phụ huynh bỏ mặc con. Trẻ sẽ không cảm nhận được vai trò của cha mẹ và ít cảm thấy mình được yêu thương. Những đứa trẻ bị bỏ mặc sẽ dần hình thành ý thức giá trị bản thân thấp kém, thiếu khả năng giới hạn và tự kiểm soát, ít cảm nhận được hạnh phúc.

Nếu cha mẹ chỉ có kỷ luật - kiểm soát mà không thể hiện sự chăm sóc sẽ hình thành phong cách giáo dục độc đoán. Các gia đình sẽ có kỷ luật khắc nghiệt, cứng nhắc. Đứa trẻ sẽ nhanh chóng nghe lời vì sợ bị trừng phạt nhưng có nguy cơ chỉ vâng lời vì sợ hãi, lo lắng. Khi lớn lên, trẻ khó có khả năng tự ra quyết định và hay hung hăng, gây hấn với người khác.

Ngược lại nếu cha mẹ luôn chiều chuộng, đáp ứng mọi mong đợi của con mà không đặt ra giới hạn, luật lệ nào sẽ làm cho trẻ khó tuân theo các quy tắc chung của gia đình, trường học và xã hội. Trẻ có nguy cơ gặp các vấn đề vì vi phạm kỷ luật, thậm chí có biểu hiện hỗn láo, phản ứng tiêu cực khi không được vừa ý.

Cách giáo dục con được cho là tối ưu là cân bằng giữa kỷ luật - kiểm soát và sự thể hiện yêu thương - chăm sóc. Trẻ sẽ cảm nhận mình được tôn trọng, yêu thương từ bố mẹ. Bố mẹ đưa ra khung giới hạn nhưng cũng thể hiện sự nâng đỡ, khuyến khích. Trẻ tuân theo các quy tắc gia đình một cách chủ động chứ không phải vâng lời vì sợ hãi.

Chuyên gia Vương Nguyễn Toàn Thiện.
Chuyên gia Vương Nguyễn Toàn Thiện.

Có những gia đình nuôi con theo kiểu "dân chủ" nhưng màu sắc dân chủ không hề có, đứa trẻ lại nghĩ mình là "trung tâm của vũ trụ" luôn đòi quyền trẻ em ở trong nhà. Việc cho con tự chủ cần hiểu như thế nào cho đúng?

‘Dân chủ’ trong giáo dục cần được hiểu đúng và áp dụng phù hợp. Cha mẹ rất cần khuyến khích trẻ thể hiện ý kiến và tôn trọng ý kiến của trẻ. Tuy nhiên, trẻ cũng cần học được cách tôn trọng ý kiến của cha mẹ và hiểu thứ bậc, lớp lang trong hệ thống gia đình.

Cha mẹ và con cái nên đối thoại cùng nhau trong các quyết định của gia đình. Cha mẹ có thể lắng nghe và phân tích cho con thấy những lợi ích, nguy cơ trong ý kiến của con và cả nhà cùng quyết định.

Cha mẹ cũng cần phân biệt mong muốn và nhu cầu của con. Trẻ có những nhu cầu phải được đáp ứng như nhu cầu ăn uống, áo mặc, nhu cầu được đi học, được yêu thương… Nhưng có những thứ là mong muốn con cần để cuộc sống thêm tiện nghi.

Ví dụ nhu cầu là liên lạc với cha mẹ, kết nối internet để học tập, giải trí nhưng một số trẻ có mong muốn đổi điện thoại đời mới, đắt tiền. Nhu cầu đi lại, bảo vệ bàn chân cần phải được đáp ứng nhưng có trẻ lại có mong muốn mang giày hiệu, mua rất nhiều giày để thể hiện đẳng cấp… Cha mẹ nên dạy trẻ hiểu giá trị của lao động, và ý nghĩa của sự chờ đợi.

Thưa chuyên gia, trên các diễn đàn làm cha mẹ, nhiều bà mẹ than “thời nay làm mẹ khó quá”, "cha mẹ phải thay đổi vì con"... Anh có thể chia sẻ về “chìa khóa” giáo dục con cái đúng đắn như thế nào trong xã hội muôn vàn cám dỗ hiện nay?

Chúng ta học 12 năm để hoàn thành chương trình phổ thông, học 4 năm ở bậc đại học, 6 năm để làm bác sĩ, kỹ sư… nhưng chúng ta chưa ai có cơ hội học làm cha, làm mẹ một ngày nào cả. Vì vậy, việc nhiều phụ huynh cảm thấy ‘làm cha mẹ khó quá’ là điều hết sức bình thường.

"Chìa khóa" giáo dục là khi chúng ta đủ khiêm tốn để nhìn nhận cách giáo dục của mình đang bất ổn, chưa phù hợp với con cái và dám can đảm thay đổi. Chúng ta có rất nhiều cơ hội tiếp cận với các tài liệu, kiến thức về nuôi dạy con. Với tình thương dành cho con cái, sự kiên nhẫn, phụ huynh hoàn toàn có thể thành công trong việc giáo dục con cái.

Xin cảm ơn anh!

Theo Infonet

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận