Từ vụ giao con, nhận về tro cốt: Bao nhiêu trẻ từng bị gửi vào... cửa tử?
Không chỉ sự việc bố mẹ gửi con đi chữa bệnh, nhận về hũ tro cốt vừa xảy ra ở Huế, trước đó đã từng có rất nhiều vụ việc trẻ vô tình bị đưa vào... cửa tử.
Theo thông tin tố cáo của anh N.H.N ở Huế, gia đình đã gửi con trai 3 tuổi chậm nói cho ông L.M.Q. ở Lâm Đồng, người nhận nuôi dạy, điều trị trẻ chậm phát triển, trẻ tự kỷ.
Ông Q. đưa ra "liệu trình" 2 - 3 năm điều trị nội trú tại TP Bảo Lộc, Lâm Đồng để "chữa khỏi bệnh" cho cháu bé, với chi phí 200 triệu đồng/tháng, gia đình phải ứng trước 600 triệu đồng.
Theo thông tin ban đầu, mọi trao đổi, giao dịch, kể cả khi gia đình anh N. giao con cho ông Q. đều diễn ra qua mạng xã hội hoặc tại khách sạn. Anh N. và gia đình chưa từng đến cơ sở nơi con mình sẽ được chăm sóc, chỉ nghe ông Q. giới thiệu là một khu biệt thự có hồ bơi và cả ê kíp chăm sóc riêng dành cho con, gồm tài xế, đầu bếp, trợ lý chăm sóc...
Đầu tháng 3/2022, anh N. giao con cho ông Q. Nhưng chỉ hơn 3 tuần sau, gia đình bàng hoàng khi nhận từ tay người này hũ tro cốt của con.
Sự việc tưởng như khó tin nhưng thực tế, không chỉ gia đình anh N. rơi vào cảnh "giao trứng cho ác". Những năm qua, có không ít vụ việc đau lòng đã xảy ra với mô-típ cha mẹ gửi con trúng... cửa tử.
Một ngày cuối tháng 5 vừa qua trở thành ngày đau thương suốt cuộc đời chị S.H.V., quê Sóc Trăng, tạm trú ở Bình Tân, TPHCM. Sáng hôm đó, chị V. giao con gái mới một tuổi cho người họ hàng tên Trang, 21 tuổi, ở gần nhà trông giữ như thường ngày.
Chỉ khoảng hai tiếng sau, người mẹ hớt hải quay lại khi nghe tin con gái bị ho, ọc sữa, có dấu hiệu tím tái. Khi được đưa vào viện cấp cứu, bé gái đã tử vong...
Công an vào cuộc điều tra, xác định cháu bị đa chấn thương ở vùng bụng, dập gan, dập phổi, có dấu hiệu bị bạo hành. Đến lúc này, cô giữ trẻ thừa nhận, bực tức vì cháu bé ho và ói sữa nhiều lần nên đã đánh nhiều lần vào vùng bụng của cháu.
Thực tế, cháu bé được người mẹ gửi cho Trang chăm sóc khoảng 6 tháng trước khi xảy ra sự việc. Thời gian gửi cháu cho Trang, trên người bé xuất hiện một số vết thương ở tay, chân, mặt, lỗ tai... Nhiều người khuyên bà mẹ gửi bé vào nhà trẻ để được chăm sóc tốt hơn nhưng điều kiện kinh tế khó khăn, chị lần lữa mãi.
Cũng ở Lâm Đồng, mới đây, Công an TP Đà Lạt đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với Huỳnh Thị Thanh Hằng (26 tuổi) và Vương Ngọc Thảo Vy (27 tuổi). Hai bảo mẫu này bị bắt tạm giam để điều tra vụ việc cháu C.T. L. (2 tuổi) bị bạo hành dẫn đến chấn thương sọ não, dập phổi.
Theo điều tra ban đầu của công an, đầu năm 2022, chị C.T.Th. cùng con gái 2 tuổi là bé C.T.L. từ Đắk Lắk đến TP Đà Lạt sinh sống. Người mẹ gửi con cho một người phụ nữ trông nom và người này lại giao cháu cho Vương Ngọc Thảo Vy và Huỳnh Thị Thanh Hằng chăm sóc.
Giữa tháng 7, bé được bệnh viện tiếp nhận trong tình trạng bị chấn thương sọ não, tụ máu não và dập phổi với một cái tên giả. Chỉ đến khi tình trạng nguy kịch của em được thông báo, người giữ trẻ mới khai thật tên, thông tin của bệnh nhi và mẹ.
Làm việc với công an sau đó, hai bảo mẫu khai nhận đã nhiều lần đánh cháu bé.
Xa hơn nữa, ít năm trước, nhiều phụ huynh gửi con vào cơ sở giáo dục hòa nhập Tâm Việt ở Hà Nội bàng hoàng, sửng sốt khi biết được sự thật phía trong trung tâm "Huấn luyện trẻ tự kỷ thành nghệ sĩ, kỷ lục gia"; "Nơi duy nhất trên thế giới điều trị được trẻ tự kỷ tuổi dậy thì" này.
Sự thực là ở đó, trẻ không những phải trải qua những phương pháp huấn luyện hà khắc chưa được kiểm chứng, gây thương tích mà còn bị chửi bới, đánh đập.
Đau lòng nhất là trường hợp gia đình gửi con vào đây và chỉ hơn một tháng sau phải nhận về thi thể tím tái của con.
Sau sự việc, trung tâm Tâm Việt phải chấm dứt hoạt động tiếp nhận, nuôi, dạy kỹ năng cho trẻ tự kỷ. Dù vậy, nỗi đau với nhiều gia đình từng gửi con ở đây vẫn không thể xóa mờ.
Gửi con đến một nơi nào đó để được chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị... ai có thể nghĩ có ngày phải đón con trong trạng thái bị bạo hành, đánh đập, thậm chí là mất cả mạng.
Gửi con, mỗi người một hoàn cảnh. Như chị V. là vì kinh tế khó khăn, cứ "lần lữa", kể cả khi đã phát hiện con có thương tích. Còn gia đình anh N.H.N, có tiền để đóng hàng trăm triệu đồng nhưng thiếu tỉnh táo, cẩn trọng nên giao con cho "lang băm", khi chưa có thông tin kiểm chứng, thậm chí thăm thú nơi nuôi dạy con, vì nỗi kì vọng "con khỏi bệnh".
Vô tình gửi con vào chỗ chết, nỗi đau, sự trả giá thực sự khủng khiếp với người làm cha mẹ. Hai chữ "gửi con" nghe thật nhẹ mà nặng tựa cả đời. Khi trao con cho bất kỳ ai là bố mẹ đang gửi cả trách nhiệm của người sinh thành, gửi cả tính mạng, cuộc đời của con...
Để tránh được những sự việc thương tâm, bên cạnh trách nhiệm, sự hiểu biết của phụ huynh, rất cần sự hỗ trợ của một hệ thống chăm sóc trẻ nhỏ được đảm bảo, kiểm chứng, thứ vốn đang thiếu khuyết hiện nay.
Theo Dân trí
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất