Từ vụ "gửi con chữa bệnh, nhận về hũ tro cốt": Có nên tách trẻ tự kỷ ra khỏi gia đình để cho đi chữa bệnh hoặc học tập?
"Tách biệt trẻ ra khỏi môi trường gia đình để đến ở hẳn nơi chữa bệnh, can thiệp với mong muốn con mình khỏi bệnh xem ra còn có hại cho trẻ" - ThS Nguyễn Hà Ly - Giám đốc Trung tâm Giáo dục kỹ năng cho trẻ có nhu cầu đặc biệt Akari (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho hay.
Cho trẻ sớm rời khỏi gia đình là sai lầm
Những ngày qua, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm đến vụ việc "Gửi con đi chữa bệnh, nhận về hũ tro cốt" xảy ra tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng mà báo chí đã nêu. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng làm rõ, song chia sẻ với chúng tôi, nhiều độc giả, phụ huynh không khỏi lo lắng và đặt ra câu hỏi có nên đưa trẻ chậm phát triển, tự kỷ cách ly hoàn toàn với gia đình đi chữa bệnh hoặc can thiệp tại các cơ sở hay không, nhất là với những cháu còn bé?...
Là người chăm sóc, giáo dục cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển… trong suốt 15 năm qua, ThS Nguyễn Hà Ly (chuyên ngành Giáo dục đặc biệt) - Giám đốc Trung tâm Giáo dục kỹ năng cho trẻ có nhu cầu đặc biệt Akari (Quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi cảm thấy bàng hoàng, xót xa đối với trường hợp cháu bé trong vụ việc xảy ra tại Lâm Đồng. Theo tôi, việc tách trẻ tự kỷ ra khỏi gia đình, người thân để đi chữa bệnh, học tập là không nên".
Trẻ ở độ tuổi can thiệp sớm (0 - 6 tuổi) cần được phát triển mạnh mẽ mối quan hệ tương tác với bố mẹ, các thành viên trong gia đình, giúp cho trẻ hình thành tính cách, cách thức ứng xử của trẻ với mọi người xung quanh. Đây là giai đoạn phát triển rất quan trọng của trẻ, bởi ở giai đoạn này trẻ sẽ được nuôi dưỡng, phát triển tình cảm, cảm xúc của mình. Tách biệt trẻ ra khỏi môi trường gia đình để đến ở nơi chữa bệnh, can thiệp với mong muốn con mình khỏi bệnh xem ra còn có hại cho trẻ.
"Trẻ tách khỏi hoàn toàn môi trường an toàn tới cơ sở nội trú sẽ phát sinh nhiều cảm xúc tiêu cực, hoảng loạn khi vào nơi xa lạ. Ở tuổi nhỏ, kỹ năng sống của trẻ còn chưa hoàn thiện, cần đến sự chăm sóc từ gia đình, người thân. Tôi hoàn toàn phản đối cách thức tách biệt trẻ khỏi gia đình để can thiệp nội trú trong giai đoạn trẻ còn non nớt, chưa tự lập được như thế này" - ThS Hà Ly nhấn mạnh.
Là giáo viên nhiều kinh nghiệm, ThS Hà Ly cho rằng, để có thể can thiệp hoặc giáo dục trẻ tự kỷ thì người làm công tác can thiệp cho trẻ ngoài chuyên môn, nghiệp vụ cần phải học hỏi, trau dồi rất nhiều về đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, hiểu rõ sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ ở từng giai đoạn phát triển là một phần không thể thiếu để từ đó đưa ra những bài học, kế hoạch mục tiêu phù hợp với trẻ.
Phải có tấm lòng yêu thương trẻ, kiên nhẫn, vì các em mắc hội chứng tự kỷ gặp khó khăn trong giao tiếp, diễn đạt mong muốn với người khác… Vậy nên phải kiên nhẫn, lắng nghe, dành thời gian cho các em để thấu hiểu những đứa trẻ đó.
Cha mẹ hãy là người sáng suốt trong lựa chọn
Từ kinh nghiệm làm việc ở Trung tâm Akari, ThS Nguyễn Hà Ly cho biết, hiện tại chị làm việc với các trẻ thanh thiếu niên có em mắc hội chứng tự kỷ, có em mắc hội chứng tăng động giảm tập trung, có em chậm phát triển trí tuệ, em gặp khó khăn trong học tập… Bản thân ThS Nguyễn Hà Ly cho hay, chị luôn coi đó là những đứa trẻ "đặc biệt", khi chúng ta đối xử với các trẻ bình đẳng như nhau thì mới có cách thức ứng xử phù hợp. Những đứa trẻ "đặc biệt" thì cần nhiều thời gian hơn trong việc học những thứ đơn giản như đánh răng, rửa mặt… Chúng ta coi đó là khó khăn, có những trẻ phải hỗ trợ, hướng dẫn từng bước một, theo mức độ hỗ trợ thể chất toàn phần hoặc chỉ hỗ trợ bằng lời hay mô phỏng động tác…
Khi dạy trẻ, quan trọng nhất là sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình. Thông qua trao đổi với gia đình, nắm bắt thông tin, nhu cầu, kỳ vọng của bố mẹ để kết hợp các yếu tố với nhau trong việc can thiệp cho trẻ. Các con đều học tất cả các việc đơn giản như: Biết uống nước, biết rửa bát, làm các công việc nhỏ trong gia đình, thậm chí ngay cả phân biệt quần áo mặt trái - mặt phải… Giáo viên và phụ huynh phải nỗ lực rất nhiều để giúp trẻ hoàn thiện các kỹ năng. Vì vậy nếu trẻ chỉ học ở trường mà thiếu đi sự quan tâm, rèn giũa ở nhà sẽ là một thiếu sót lớn.
Chia sẻ kinh nghiệm tới các phụ huynh, ThS Hà Ly cho hay, ở giai đoạn can thiệp sớm, cha mẹ cần sáng suốt lựa chọn cơ sở can thiệp cho trẻ trong bối cảnh hiện nay có vô số các cơ sở can thiệp khác nhau. Lựa chọn Trung tâm, cơ sở uy tín được cấp phép hoạt động. Ở Trung tâm Akari, để tiếp nhận một học sinh mới sẽ phải trải qua các quy trình từ đánh giá, tư vấn đến học trải nghiệm…, khi đó phụ huynh sẽ được hướng dẫn đưa con đến để đánh giá, cho con trải nghiệm môi trường học tập để xem con có thích hay không, gia đình được tham quan mô hình học.., trên cơ sở đó trao đổi với phụ huynh các vấn đề của con để có thể lựa chọn được một môi trường học phù hợp tốt nhất cho con.
Khi phát hiện ra các dấu hiệu bất thường của con trong giai đoạn con từ 12 tháng tuổi, nhiều phụ huynh đã đưa con đi thăm khám tại các bệnh viện, cơ sở y tế hoặc các trung tâm can thiệp. Do đó, phụ huynh nên tìm hiểu các thông tin về các cơ sở thăm khám, điều trị trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nhóm công khai, tham gia các lớp học hướng dẫn cha mẹ can thiệp sớm cho con tại nhà để có kiến thức, kỹ năng làm việc với con. Tìm hiểu các trường, trung tâm có mức học phí phù hợp, có thể nhận hỗ trợ giảm chi phí tại các trung tâm, các tổ chức thiện nguyện…
"Khi tiếp nhận bất kể một chương trình trị liệu nào, gia đình cần tham khảo ý kiến từ nhiều nguồn khác nhau hoặc từ những người có kiến thức, chuyên môn đủ tin cậy, nếu thấy cơ sở có dấu hiệu nghi ngờ nào hoặc không minh bạch về quá trình chữa trị, can thiệp cho con thì cha mẹ cần hết sức tỉnh táo…" - Ths Nguyễn Hà Ly đưa ra lời khuyên.
Theo giadinh.suckhoedoisong.vn
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất