'Xử án' để giúp học sinh biết cách phòng tránh xâm hại
Phiên tòa giả định với tình huống thực tế, dễ hiểu, dễ tiếp cận với học sinh đã tạo được sự quan tâm nồng nhiệt của gần 1.000 em học sinh.
Ngày 16-12, tại Trường THCS Vĩnh Lộc B đã diễn ra phiên tòa giả định, xét xử vụ án “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”. Chương trình do Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, UBND huyện Bình Chánh và Trường THCS Vĩnh Lộc B phối hợp tổ chức.
Phiên tòa giả định là một trong những hoạt động trong dự án “Bảo vệ và ngăn ngừa lạm dụng trẻ em tại TP.HCM” được diễn ra thường xuyên nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh cũng như giáo viên và phụ huynh về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Nội dung phiên tòa giả định dựa trên một vụ án có thật đã được xét xử trên thực tế. Theo đó, Ngô Văn Đại (SN 1998, ngụ TP.HCM) là hàng xóm và là bạn của em HBN (SN 2008). Chiều 2-5, Đại xin phép chở N. đi dự sinh nhật bạn.
Xong tiệc, Đại chở N. đi hát karaoke. Khi mọi người đã về hết, Đại nói N. ở lại nói chuyện, rồi ôm hôn và sờ vào vùng kín của N. khoảng 15 phút. N. về kể lại sự việc với mẹ. Mẹ của N đến công an phường trình báo. Đại bị khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” theo khoản 1 Điều 146 BLHS, phạt 2 năm 6 tháng tù.
Theo dõi phiên tòa, học sinh hiểu được rằng hành vi của bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến quyền bất khả xâm phạm về tình dục đối với trẻ em. Hành vi của bị cáo để lại hậu quả tâm lý nặng nề cho bị hại, ảnh hưởng đến việc phát triển bình thường về tâm sinh lý của bị hại. Việc nghiêm trị bị cáo bằng một mức án tù có thời hạn thích hợp để đảm bảo công tác giáo dục riêng và ngăn ngừa chung trong xã hội.
Kết thúc phiên tòa, sân trường bùng nổ hơn khi Ls Trần Thị Ngọc Nữ cầm micro giao lưu, truyền đi các thông điệp phòng tránh xâm hại trẻ em.
“Nếu những người lạ đó rủ đi chơi, Đến nơi lạ, các em phải từ chối. Hết sức cảnh giác, báo ngay cho cha mẹ. Các em phải ghi nhớ 03 nguyên tắc vàng sau đây:
1. Cơ thể của các em là bất khả xâm phạm. Cơ thể các em là của các em. Không ai được xâm phạm.
2. Khi gặp người quen. Hay người lạ phải tránh xa 1 m.
3. Cách tự vệ tối ưu nhất, nhanh nhất khi xảy ra các trường hợp bị đe dọa sự an toàn là các em phải la lớn lên.
Nhiều bài học từ phiên tòa giả định
Qua phiên tòa này, em rút ra được nhiều kinh nghiệm cho bản thân như: Không đi với người lạ, không để ai đụng vào cơ thể mình…
Bên cạnh đó, em nhận thấy một số trường hợp chính những người quen của gia đình là người có các hành vi xâm hại. Chính sự thiếu quan tâm, thiếu cảnh giác mà trẻ bị xâm hại.
Trong phiên tòa hôm nay, em thấy may là hành vi xâm hại chỉ dừng lại sờ mó, chứ nếu tình tiết mà đi sâu hơn nữa thì hậu quả rất đau lòng.
Bạn KIM NGÂN (Lớp 8/6)
Thầy Phan Văn Chương - Hiệu trưởng trường THCS Vĩnh Lộc B: “Đây là lần đầu trường được phối hợp tổ chức phiên tòa giả định. Các em, cũng như các thầy cô được trang bị thêm kỹ năng, kiến thức về phòng chống xâm hại tình dục, các em cũng học được cách tự vệ đúng đắn. Tôi mong rằng sắp tới sẽ tổ chức thêm cho toàn trường. Về nội dung vụ án xét xử giả định, tôi thấy rất thực tế, mức độ truyền tải phù hợp, không gây hoang mang. Tôi rất bất ngờ về sự quan tâm hào hứng cũng như những suy nghĩ mà các em chia sẻ. Thời gian tới, tôi mong có thêm nhiều chương trình về giáo dục sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính".
“Hiện nay, thông tin tràn ngập trên Internet và các nền tảng mạng xã hội. Độ tuổi các em thì chưa thể đủ kiến thức để thẩm định nội dung. Do đó, chúng tôi rất cần những chương trình chính thống như hôm nay để định hướng rõ ràng hơn, trang bị kiến thức bổ ích cho các em” – Thầy Chương chia sẻ.
Theo PLO.VN
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất