09:12 07/08/2023

Tranh cãi nên hay không cho trẻ học tiếng Anh từ sớm?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Ngày nay, trẻ được tiếp xúc với tiếng Anh sớm vì nhiều phụ huynh cho rằng đây là thời điểm vàng mà trẻ tiếp thu ngôn ngữ một cách tự nhiên nhất và là bước đệm giúp trẻ tiếp thu tiếng Anh học thuật dễ dàng hơn trong tương lai.​​ Tuy nhiên, một nhà làm giáo dục lại cho rằng, trẻ em tại Việt Nam nên được học tiếng Việt thành thục, hoàn thiện kĩ năng trước.

Bùng nổ tranh cãi có nên cho trẻ học tiếng Anh từ nhỏ 

Mới đây, trong một hội nhóm giáo dục của các bậc phụ huynh trên mạng xã hội, một phụ huynh đặt câu hỏi: “Có nên cho con học tiếng Anh từ nhỏ hay không và làm cách nào để bên cạnh việc học tiếng Anh, con vẫn có thể duy trì việc rèn luyện tiếng Việt và không bị ảnh hưởng tới nền văn hóa của cha ông ta?”.

Chủ đề này đã nổ ra 2 luồng ý kiến trái chiều, một bộ phận các phụ huynh lo sợ việc tiếp xúc với tiếng Anh sớm có thể dẫn đến việc học tiếng Việt kém hoặc trẻ có xu hướng không còn muốn học tiếng Việt. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến không đồng tình khác cho rằng, tiếng Anh có vai trò quan trọng nhưng việc tiếp xúc tiếng Anh từ sớm cần có sự trợ đồng hành của các bậc phụ huynh mới có thể giúp con phát triển cân bằng các mặt.  

Chị Mai Anh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ vấn đề của mình: “Trước đây tôi ham cho con học tiếng Anh và cũng tìm hiểu về việc cho con tiếp xúc tiếng Anh từ sớm. Tuy nhiên, khi bé nhà tôi lên lớp 4, con học rất kém tiếng Việt, đọc chậm, viết chậm, nói không nhanh và hoạt ngôn như những bạn đồng trang lứa. Mặc dù hè về, ngày nào tôi cũng bắt con học tiếng Việt nhưng không cải thiện, tiếng Anh thì lại nhanh nhạy hơn”.

Sau khi tham khảo thông tin từ các bậc cha mẹ, vị phụ huynh này cho biết, để hạn chế vấn đề trên, chị chỉ chọn trong khung giờ cố định trong ngày cho con sử dụng tiếng Anh, bên cạnh đó tăng cường vận động với thiên nhiên, tương tác bằng tiếng Việt với các bạn nhỏ khác. Theo chị, các bậc cha mẹ không nên đặt nặng vấn đề học tiếng Anh, ngôn ngữ là một năng khiếu. Mấu chốt là phụ huynh nên quan sát kĩ con mình để có phương pháp giáo dục phù hợp, song ngữ có tốt hay không còn phụ thuộc vào người học. 

Đồng tình với ý kiến trên, chị Ngọc Anh - giáo viên dạy tiếng Anh tại một trường tiểu học tại Long Biên, Hà Nội nêu quan điểm: “Tôi thường xuyên tiếp xúc với một số bạn nhỏ nói tiếng Anh như gió, phát âm cực kỳ mượt mà, tự nhiên nhưng nói tiếng Việt thì cụt lủn, đôi khi câu cú còn lộn xộn và không có những từ ngữ cảm xúc đa dạng mà tiếng Việt có. Mặc dù giai đoạn dưới 6 tuổi cho con học ngôn ngữ mới sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, nhưng quả thật có rất ít bạn có thể đồng thời nói cả 2 thứ tiếng cân bằng như tiếng mẹ đẻ”.

“Tiếng Anh trẻ có thể học bất cứ lúc nào, nhưng tiếng Việt là công cụ để các con giao tiếp và bày tỏ tình cảm với ông bà, cha mẹ, kết nối xã hội. Hiện nay công nghệ thông tin phát triển, vấn đề ngôn ngữ sẽ không còn là rào cản lớn trong việc tiếp thu tri thức, nên đừng quá quan trọng tiếng Anh đến mức con không nói được tiếng Việt. Thời đại này quan trọng là tư duy - trí tuệ. Ngôn ngữ xếp hàng sau thôi”, chị bổ sung.

1
Thực trạng trẻ học tiếng Anh khi mới 3-4 tuổi hiện nay không còn quá xa lạ.

Tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến của các phụ huynh khác cho rằng, nguyên nhân của những vấn đề trên chính là do cách dạy và cách tiếp cận của phụ huynh. Trong thời đại 4.0, tiếng Anh có vai trò rất quan trọng, phụ huynh nên tìm cách giúp con cân bằng giữa thời gian tiếp xúc tiếng Anh và tiếng Việt, quan trọng nhất là để con hứng thú với cả 2 ngôn ngữ ngang nhau.

Chị Minh Ngọc (Hà Đông, Hà Nội) - phụ huynh có con nhỏ 3 tuổi chia sẻ: “Con mình sinh năm 2020, hiện tại đã đọc trơn tiếng Việt (xác nhận mặt chữ chỉ mất 0.7s) và tiếng Anh đồng đều. Nếu con học lệch phải xem lại nhiều nhất chính là phụ huynh. Nhưng nói đi nói lại, cho con tiếp cận ngoại ngữ rất phong phú, đa dạng cũng như kích thích chính xác tâm lý trẻ nhỏ. Sang đến tiếng Việt thì... kém thật từ chất lượng đến giáo cụ, hình ảnh”.

Đồng quan điểm với chị Ngọc, phụ huynh Duy Tùng (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Bạn nhỏ nhà tôi 2 tháng trước khi vào lớp 1 mới bắt đầu đi học chữ ở lớp cô chủ nhiệm tương lai, về nhà cố gắng mỗi ngày dành 10 phút bạn ấy tập đánh vần, ban đầu là sách cô, đến giờ này là truyện (mỗi ngày đọc được một đoạn). Giờ trộm vía đọc đã có tiến bộ hơn trước kia, mỗi ngày nhớ hơn 1 "tí. Dù vẫn chưa thể nhớ hết các vần, nhưng con học theo được lớp cô chủ nhiệm là tôi yên tâm, không cần cố ép. Ngoài ra, mỗi ngày con cũng luyện thêm một chút tiếng Anh trong thẻ GrapeSEED nữa, bạn ấy chưa giao tiếp được nhiều nhưng cũng là học khá ở lớp. Tôi cho con "đi chậm", không ham nhanh, cố gắng mỗi ngày một chút song ngữ. Chung quy lại là do phụ huynh chứ không phải do tiếng Anh”.

Bên cạnh đó, chị Liên Đoàn (Cầu Giấy, Hà Nội) lại cho rằng, tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến, dùng để giao tiếp, trao đổi thông tin với các quốc gia khác. Nếu cho con tiếp xúc với tiếng Anh sớm, con có thể sử dụng ngôn ngữ như tiếng mẹ đẻ, tư duy ngôn ngữ trực tiếp, phản xạ trực tiếp.

“Nhiều người bảo đến cấp 2, 3 học cũng được, thậm chí 80 tuổi học cũng được. Tuy nhiên, thay vì hiện giờ dành 30 phút mỗi ngày với các bạn nhỏ thì các bạn lớn phải học 3 buổi/tuần, vì phải dành thời gian cho các môn học, các hoạt động khác, chưa kể đến cần phải tăng cường tần suất học để cải thiện kỹ năng, tiếp thu nhiều kiến thức hơn. Trong khi các bạn đã có phản xạ ngôn ngữ từ bé đã có thể dành thời gian học các môn khác, và sử dụng thành thạo tiếng Anh như một công cụ để tiếp cận nhiều kiến thức hơn, thì những bạn học tiếng Anh muộn hơn lại phải san sẻ thời gian cho cả việc học thêm tiếng Anh”, phụ huynh này nói.

Phụ huynh nên ưu tiên cho con trẻ hoàn thiện việc học tiếng Việt trước

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, bà Nguyễn Hồng Trang - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Giáo dục và đào tạo Duy An - Anh ngữ Seti Classes cho biết: “Là một nhà làm giáo dục ngôn ngữ cho trẻ, từ hàng trăm học sinh của mình, tôi kết luận được là tiếng Việt là tiếng khó hơn, nên phải học trước. Quan trọng hơn cả khi phụ huynh là người Việt Nam, văn hoá nhiều đời đều chịu ảnh hưởng của những văn hoá Việt như kính trên nhường dưới, lễ phép với người lớn, tôn sư trọng đạo… thì con trẻ cũng cần phải hiểu được những đạo lý đó bằng tiếng Việt. Nếu thất bại ở điểm này, các bé sẽ lớn lên với nhiều nguy cơ tự cô lập bản thân ra khỏi xã hội của nước sở tại, do không có chung tiếng nói, do bản thân các bé có sự khác biệt văn hoá lớn với ông bà, cha mẹ mình, dẫn đến bố mẹ khó dạy con và con cảm thấy áp lực nặng nề về việc không ai hiểu mình”.

Bà Trang lấy ví dụ về vấn đề này từ chính trường hợp của gia đình mình: “Tôi là phụ huynh của hai em nhỏ là con lai Anh - Việt học song ngữ. Bé lớn sinh ra lúc cả gia đình vừa về Việt Nam, lúc đó tôi bị khủng hoảng ngôn ngữ ngược và phải làm quen lại với tiếng mẹ đẻ, chồng tôi thì hoàn toàn không nói được tiếng Việt, do đó gia đình chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh. Con lớn lên rất rụt rè, ghét phải trao đổi bằng tiếng Việt, chỉ hoạt bát khi nói tiếng Anh với bố. Khi con nói tiếng Việt thì rất ngắn gọn, bị nói ngược và dịch trực tiếp từ tiếng Anh sang. Mỗi khi chúng tôi muốn răn đe, dạy dỗ con theo những nguyên tắc của người Việt, thì chỉ đành bất lực vì nói gì con cũng không hiểu. Bản thân là người mẹ, tôi rất thất vọng vì không thể giúp con nói tiếng Việt tốt hơn. 

Bé thứ 2 thì trái ngược hoàn toàn anh trai, con ra đời trong bối cảnh gia đình đã sống ở Việt Nam được 5 năm, bố đã đi học tiếng Việt, mẹ sử dụng tốt cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, gia đình trao đổi linh hoạt 2 thứ tiếng. Bé lớn lên như một đứa trẻ Việt Nam bình thường, nói tiếng Việt vanh vách, đọc thơ hát múa các bài hát tiếng Việt. Lúc bé gần 2 tuổi thì bắt đầu nói tiếng Anh với bố, nói tiếng Việt với mẹ, hai ngôn ngữ chuẩn như nhau, cùng cấp độ như nhau, đặc biệt không nhầm lẫn hai tiếng, với ai nói chuyện bằng tiếng ấy”.

z4580844115054_b36aa94348789b20d651629d429f9282
"Đối với các em bé Việt Nam, sự phát triển ngôn ngữ mạnh mẽ nhất sẽ bắt đầu từ năm 5 tuổi, khi tiếng mẹ đẻ của em đã hoàn thiện", bà Nguyễn Hồng Trang cho hay.

Theo bà Trang, đối với các em bé Việt Nam, sự phát triển ngôn ngữ mạnh mẽ nhất sẽ bắt đầu từ năm 5 tuổi, khi đó trẻ mới bước vào học thuật chính thức theo khung chuẩn CEFR (tiêu chuẩn quốc tế để mô tả khả năng sử dụng ngôn ngữ). Bởi vì lúc này trẻ đã đủ phát triển khả năng tư duy, cũng như vốn kiến thức ngôn ngữ tiếng Việt nhất định, để có thể tiếp nhận được những khái niệm của một ngôn ngữ khác.

"Sau nhiều năm đào tạo học sinh từ 4 - 6 tuổi, tôi nhận ra mức độ phát triển của trẻ khi bắt đầu học năm 4 tuổi hoàn toàn giống với khi các bạn bắt đầu năm 5 tuổi, không có hiện tượng trẻ 4 tuổi học sớm hơn thì học nhanh hơn hay phát âm chuẩn hơn trẻ 5 tuổi. Trên thực tế, trẻ bắt đầu học tiếng Anh năm 5 tuổi thì nhạy bén hơn, tiếp thu nhanh hơn vì logic của các bạn đã phát triển đầy đủ để làm theo các hướng dẫn của giáo viên, còn trẻ 4 tuổi trở xuống, giáo viên cần rất nhiều thời gian để giúp các bạn tập trung vào nội dung bài. Vì vậy, việc học tiếng Anh (ở trung tâm hay các lớp học thêm) trước 5 tuổi khá là vô nghĩa", bà Trang nhấn mạnh.

Với chuyên môn của mình, bà cho rằng, để đạt được hiệu quả cao nhất trong việc đào tạo ngôn ngữ thứ 2 cho trẻ Việt Nam, trẻ 0 - 4 tuổi nên được học tiếng Việt thành thục, hoàn thiện kĩ năng tiếng Việt trước, tiếng Anh nên dừng ở mức làm quen 20 - 30 phút/ngày để các bé quen với âm thanh của ngôn ngữ đó trước.

“Nếu làm được như vậy thì trẻ sẽ thông thạo cả 2 ngôn ngữ qua các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, phát triển được cảm xúc và trí tuệ ở cả 2 ngôn ngữ”, bà Trang nói.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận