09:30 12/05/2025

Xử lý trường hợp kinh doanh thực phẩm chức năng cho trẻ không rõ nguồn gốc

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Quốc Anh

Kinh doanh thực phẩm chức năng mà không biết là giả thì có bị xử phạt không? Kinh doanh thực phẩm chức năng cho trẻ không rõ nguồn gốc sẽ bị xử lý như thế nào?


Xử lý trường hợp kinh doanh thực phẩm chức năng cho trẻ không rõ nguồn gốc
Trả lời bởi
LS Ngô Thế Hiệp

Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định về những trường hợp không bị xử phạt hành chính, cụ thể quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau đây:

(i) Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;

(ii) Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;

(iii) Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;

(iv) Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;

(v) Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật này.

Như vậy, đối với việc bán thực phẩm chức năng mà không biết đó là hàng giả không thuộc vào một trong các trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, người bán vẫn bị xử phạt vi phạm.

tpcn
Công an Thanh Hóa thu giữ thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả. Ảnh: IT

Tuy vậy, trường hợp người bán có thể chứng minh được rằng hành vi bán hàng giả là do bên sản xuất và bên cung cấp thực phẩm chức năng cố tình che giấu về thực phẩm chức năng giả và với trình độ chuyên môn của mình không thể phân biệt được đâu là hàng giả đâu là hàng thật thì sẽ xem xét khi xử phạt hành chính.

Về trường hợp kinh doanh thực phẩm chức năng cho trẻ em không rõ nguồn gốc, căn cứ theo quy định tại điểm c Khoản 1 và các quy định từ Khoản 2 đến Khoản 11 và điểm a khoản 12 Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, đối với hành vi vi phạm về thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm không rõ nguồn gốc sẽ xử phạt, cụ thể mức phạt tương ứng với giá trị hàng hóa vi phạm như sau:

(i) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng.

(ii) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đến dưới 3.000.000 đồng.

(iii) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.

(iv) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.

(v) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.

(vi) Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.

(vii) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 40.000.000 đồng.

6ty(viii) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

(ix) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng.

(x) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

(xi) Phạt tiền từ 80.000 000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 4 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định số 17/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền theo quy định tại Mục 1.2 là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện.

Đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền đã nêu trên.

Căn cứ khoản 14 Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người đối với hành vi kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định nêu đã nêu trên.

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Tạp chí Trẻ em Việt Nam, số 82 ngõ 116, phố Nhân Hòa, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Email: toasoantevn@gmail.com

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận