06:00 23/01/2023

10.000 đồng của mẹ và chiếc phong bao lì xì dạy con biết nói cảm ơn

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Mỹ Lanh

Mẹ kể với tôi, mẹ đã được ông dạy cách nhận lì xì bằng cách đứng khép chân, thẳng lưng, đầu hơi cúi xuống và nhận bằng hai tay. Đây là cách nhận trân trọng nhất, thể hiện tấm lòng biết ơn với người tặng.

Ngày cận Tết, những giai điệu nhạc xuân, vài chiếc lá dong hoặc mùi hăng của hành muối cũng gợn lên trong tâm trí tôi những kỷ niệm thật đẹp. Ngoài việc được ăn bánh kẹo và có đồ chơi thì tôi đặc biệt thích Tết vì được cùng mẹ chuẩn bị những chiếc phong bao lì xì. 

Mẹ lúc nào cũng có một cuốn sổ ghi chép về việc cần chuẩn bị bao nhiêu chiếc lì xì và cần đổi bao nhiêu đồng tiền. Còn tôi, lúc đó đang học cấp một, cứ lẽo đẽo bám theo, ngồi lên chiếc xe đạp đi ra chợ cùng mẹ. 

Tôi thấy mẹ mua đồ là phụ mà đổi tiền của chủ quán là chính. Mẹ bảo với chủ quán là đổi cho mẹ mấy đồng có màu đỏ. Tôi nhớ là tờ 10.000 đồng và tờ 500 đồng thì có màu đỏ. Lẫn vào trong đó là những tờ xanh có mệnh giá 20.000 đồng và 5.000 đồng. 

Đến giao thừa, tôi cố thức đêm để được xem pháo hoa. Sau khi thắp hương ngoài trời, mẹ lấy trong túi những chiếc phong bao có màu đỏ chót và cho tôi lựa chọn. 

Tôi xoa hai bàn tay vào nhau và lẩm bẩm: “Úm ba la úm ba la”. Sau đó tôi rút một cái, vui quá là vui rồi chạy thoắt vào phòng. Trước khi mở, tôi đã ước trong chiếc phong bao là 20.000 đồng vì thấy mẹ đổi tiền có tờ này là to nhất. Cảm giác thật là mong chờ, hồi hộp. Tôi hé mở và thấy không phải màu xanh. Đó là tờ 10.000 đồng, màu đỏ chót, phẳng lì và thơm mùi tiền mới.

Tôi bắt đầu phụng phịu, chạy ra gặp mẹ rồi òa khóc bắt đền. Tôi nói mẹ không công bằng, đáng lẽ mẹ phải để tờ 20.000 đồng. Tiếng khóc giữa đêm của tôi bị lấn át bởi tiếng pháo nổ xen lẫn tiếng nhạc xuân trên tivi. Tôi không thể thắng nổi những âm thanh đó. Mẹ nhìn tôi rồi nói: “Con đợi nén hương cháy hết, mẹ hạ lễ rồi giải thích cho con”.

tiền lì xì
Những chiếc lì xì không chỉ là phong bao đựng tiền mà còn chứa đựng những câu chuyện của gia đình (Ảnh: NVCC, thiết kế: Hà Chi).

Nén hương đêm giao thừa cháy lâu quá nên cơn giận của tôi cũng tự nhiên biến đâu mất. Mẹ kể, thuở nhỏ, mẹ cũng như tôi, gia đình còn nghèo, mẹ chẳng được lì xì mà nếu được mẹ sẽ cất giữ thật kĩ, thỉnh thoảng mới mang ra nhìn và ngửi mùi thơm của nó. 

Mẹ bảo, tiền lì xì mang đến vía may mắn còn nếu dùng đến là mất hết vía. Hoặc nếu có thì dùng vào những mục đích có ý nghĩa như mua ba lô, mua sách vở,… Nếu số tiền ít quá thì gom tiền trong phong bao lì xì nhiều năm lại. 

Chỉ có dịp Tết, mọi người mới dùng đến tiền lì xì bởi vì cách trao tặng lì xì là nét đẹp với mong muốn người nhận sang năm mới có nhiều may mắn, sức khỏe và công việc thuận lợi. 

Vì thế, thường phong bao có màu sắc tươi sáng như đỏ và vàng. Đặc biệt, theo quan niệm, số tiền trong phong bao cũng thường là màu đỏ. Nếu không có tiền màu đỏ thì có tiền ở bên trong cũng được.

Nghe đến đây, tôi mới hiểu và chăm chú nghe mẹ kể tiếp. Mẹ đã được ông dạy cách nhận lì xì bằng cách đứng khép chân, thẳng lưng, đầu hơi cúi xuống và nhận bằng hai tay. Đây là cách nhận trân trọng nhất, thể hiện tấm lòng biết ơn với người tặng. Không những thế, mẹ còn cần nói lời cảm ơn kèm theo lời chúc tốt lành nữa. 

Nhưng vì mẹ không đứng thẳng lưng được nên ông đã hướng dẫn mẹ bằng cách hàng ngày đứng úp sát vào tường. Lúc này, tôi liền chạy ra đứng sát tường giống như trong câu chuyện của mẹ. Mẹ cười tươi và hứa sẽ dạy tôi cách nhận lì xì vào sáng ngày mai.

Bất giác, tôi băn khoăn hỏi mẹ: “Vì sao chỉ người lớn tặng lì xì cho trẻ, vậy thì những người lớn sẽ không có lì xì may mắn nữa phải không mẹ? Nếu thế thì người lớn mong chờ đến Tết làm gì nhỉ? Không được tặng lì xì thì Tết hết vui”. Mẹ ngước lên nhìn ảnh ông và nói: “Thuở xưa, nhà mình còn nghèo quá nên mẹ không có lì xì để tặng mọi người. Đáng lẽ ra, ai cũng được nhận lì xì trong dịp Tết con ạ”. 

00000Tien Lixi tr 88 - 89
Những chiếc lì xì không chỉ là phong bao đựng tiền mà còn chứa đựng những câu chuyện của gia đình (Ảnh: NVCC).

Lúc này, trong tôi có những cảm giác thật đẹp về chiếc lì xì. Không chỉ là những chiếc phong bao đựng tiền mà còn là những câu chuyện của gia đình. 

Tôi không còn trách mẹ vì số tiền trong phong bao ít ỏi. Ngày hôm sau, tôi xin mẹ vài chiếc để đi chúc ông bà, cô bác,... Tự lúc nào, tôi cũng không còn để ý trong phong bao có bao nhiêu tiền nữa.

Tôi bắt đầu học nói câu chúc nhưng tôi hay hồi hộp miệng sẽ nói lắp nên tôi đã viết những lời chúc rồi cho vào chiếc phong bao. Tôi nhớ như in câu chúc mà tôi viết nhiều nhất là: “Chúc mọi người mạnh khỏe”.

Ngẫm lại, tôi thấy thật trân quý những chiếc phong bao lì xì, bởi nó đã mang theo câu chuyện của quá khứ, đã dạy tôi ý nghĩa những lời chúc của hiện tại và chứa đựng niềm hy vọng cho năm mới nhiều tốt lành. 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận