Bí quyết giúp bé ngủ ngon trong những ngày lễ Tết
Vào những dịp Tết, cha mẹ thường quan niệm trẻ con cũng như người lớn, có thể ngủ muộn hay thức muộn hơn một chút. Lịch trình sinh hoạt thay đổi khiến đồng hồ sinh học cũng thay đổi khiến trẻ mệt mỏi, hình thành nhiều thói quen xấu sau này. Đặc biệt, khiến trẻ khó trở về nhịp sống bình thường sau kỳ nghỉ lễ.
Vai trò của giấc ngủ cho sự phát triển toàn diện
Đối với trẻ em, giấc ngủ quan trọng như thức ăn và nước uống hàng ngày. Một giấc ngủ sâu rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ.
Ngủ không ngon giấc hoặc bị thiếu ngủ, sẽ khiến trẻ cáu gắt, quấy khóc, không tập trung, mệt mỏi. Nếu thường xuyên ở trong tình trạng trẻ này sẽ phát triển chậm hơn so với các trẻ khác và dĩ nhiên là sẽ không nhanh nhẹn, thông minh, hoạt bát và về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như thiếu hụt hormone tăng trưởng,...
Thiếu ngủ vào ban đêm cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động và tập trung vào ban ngày, dẫn đến các vấn đề về hành vi, đặc biệt là ảnh hưởng đến khả năng tập trung, ghi nhớ làm học lực giảm sút. Ngủ là thời điểm não bộ nạp lại năng lượng. Do vậy, một giấc ngủ sâu sẽ giúp tăng cường trí nhớ, độ tập trung và khả năng học tập của trẻ.
Trong các chuyến về quê hay đi du lịch, việc bắt bé ngủ đúng giờ và đủ giấc dường như trở thành chuyện bất khả thi. Nhưng nếu thiếu ngủ, bé sẽ trở nên “xấu tính”, quấy khóc và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn rất nhiều. Khi đó, những ngày Tết đầm ấm hay một chuyến du lịch vui vẻ có thể sẽ không còn diễn ra như bạn mong muốn nữa.
Những cách giúp trẻ ngủ đủ giấc
Để giúp trẻ có được những giấc ngủ ngon trong những ngày Tết, cha mẹ hãy thử thực hiện một số cách đơn giản dưới đây nhé:
Giữ cho bé cảm thấy an toàn như ở nhà: Cho bé có cảm giác như ở nhà kể cả khi đi du lịch hay về ở nhà ông bà, họ hàng trong những ngày lễ Tết. Hãy mang theo cho trẻ những đồ dùng quen thuộc gắn liền với giấc ngủ của bé.
Chọn nơi ngủ phù hợp với bé nhất có thể: Lựa chọn phòng ngủ phù hợp nhất có thể như: Nhà ông bà, họ hàng hay khách sạn nơi bạn nghỉ. Với các bé nhỏ, có thể mang theo xe đẩy, vừa có thể giảm bớt gánh nặng của cha mẹ trong việc bế bồng bé, vừa có thể giúp bé tranh thủ ngủ được khi bố mẹ đẩy bé đi dạo.
Cho bé hoạt động thật nhiều vào ban ngày: Hãy cho bé tham gia thật nhiều vào các hoạt động ngoài trời cùng với mọi người nhưng lưu ý nên tránh các hoạt động có tính chất hoạt động mạnh hoặc kích thích ngay trước khi đi ngủ, chẳng hạn như chạy nhảy, chơi đùa hoặc tập thể dục.
Các hoạt động ban ngày xoay quanh lịch trình ngủ: Đảm bảo thời gian biểu dành cho việc ngủ vẫn được thực hiện đầy đủ và chính xác kể cả vào các ngày lễ. Thói quen cần được hình thành và duy trì để không gây nhiễu loạn đồng hồ sinh học của trẻ, và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nếu có thể, nên để trẻ ngủ ít nhất một lần vào ban ngày.
Đảm bảo đủ thời gian ngủ tốt nhất có thể cho trẻ
Với những trẻ sơ sinh đến 5 tuổi thì giấc ngủ trong những ngày Tết rất quan trọng. Sau một ngày bận rộn đi chúc Tết họ hàng, đi chơi, không chỉ bé mà ngay cả người lớn đều rất mệt mỏi, nên việc cho bé đi ngủ đúng giờ là vô cùng cần thiết.
Việc đi ngủ muộn sẽ khiến cho trẻ ngủ không được sâu giấc, dễ trở mình ban đêm, thức dậy trễ vào sáng hôm sau và mệt mỏi, cáu kỉnh. Trong ngày, hãy tranh thủ thời gian để xắp xếp những giấc ngủ hoặc khoảng nghỉ ngơi ngắn cho cả bé và cha mẹ.
Trẻ ở lứa tuổi từ 6-15 cũng nên duy trì một thói quen ngủ gần giống với thường ngày, không nên cắt giảm quá nhiều thời gian ngủ của trẻ. Có thể đi ngủ trễ hơn một chút nhưng đừng quá muộn hoặc ngủ nướng nhiều quá vào ngày hôm sau.
Điều quan trọng là cha mẹ cần tính toán thời gian, linh động để sao cho con được ngủ đủ giấc nhất có thể. Như vậy sẽ dễ dàng đánh thức trẻ vào buổi sáng hôm sau và bắt đầu một ngày mới đi chơi Tết vui vẻ.
Hạn chế cho bé ngủ lúc di chuyển
Vào những ngày lễ Tết, việc phải di chuyển liên tục và vận động mạnh làm bé nhanh mệt và dễ ngủ quên trên xe khi đang di chuyển. Tuy nhiên, ngủ trong tình trạng mọi thứ không ổn định, chuyển động và lắc lư nhiều sẽ gây ảnh hưởng tới giấc ngủ của bé, khiến bé ngủ không sâu và khó ngủ lại khi đã tình dậy.
Thay vì để con ngủ trên xe, cha mẹ nên cố gắng nói chuyện, chơi với con để con không thiếp đi hoặc để bé ngủ đủ giấc trước khi đi chơi.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) đưa ra lời khuyên cho các em nhỏ mất ngủ hậu Covid-19
Giữ đúng lịch trình giấc ngủ: Mọi người thường thức rất khuya vào những ngày lễ Tết. Điều này sẽ khiến cơ lịch sinh học lệch đi, làm tình trạng mất ngủ, khó ngủ thêm tiến triển.
Việc tạo ra một thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ mỗi ngày sẽ vô cùng hiệu quả để chữa chứng mất ngủ, khó ngủ. Thời gian đi ngủ hằng ngày nên là trước 23h. Ngoài ra nên có gắng ngủ trưa trước 3h chiều và thời lượng nên dưới 30 phút.
Tiếp xúc với ánh nắng: Tiếp xúc với ánh sáng vào buổi sáng là việc vô cùng tốt cho nhịp sinh học, vậy nên cha mẹ hay cho trẻ tận hưởng một chút ánh sáng mặt trời để cải thiện tình trạng giấc ngủ.
Chế độ ăn uống, vệ sinh cá nhân:
- Uống đủ lượng nước mỗi ngày (từ 1,5 - 2 lít), bên cạnh đó nên bổ sung thêm các loại nước trái cây ép như: Dưa hấu, lê, cà chua.
- Ăn các thức ăn chứa nhiều chất xơ, đủ lượng protein, tinh bột, vitamin để phục hồi tối đa các mô bị tổn thương do Covid-19. Lượng thức ăn hàng ngày nên dễ tiêu, ăn vừa đủ không nên ăn no quá vì hệ tiêu hóa hậu Covid-19 còn yếu. Nên ăn thêm các loại hạt như lạc, đỗ, đậu (đậu đũa, đậu cô ve…)
- Buổi tối hạn chế uống nước, bởi vì uống nhiều nước có thể làm tỉnh giấc để đi tiểu đêm.
- Tắm rửa cho bé bằng nước ấm cũng là một biện pháp tốt để thư giãn, thoải mái tinh thần trước khi lên giường ngủ.
- Cố gắng tạo môi trường ngủ thích hợp như: Đủ tối, yên tĩnh, không quá nóng.
- Không nên cho bé ăn quá no hoặc những thứ khó tiêu, dễ làm bé thức dậy giữa đêm.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất