22:19 19/12/2022

12 học sinh nhận giải Nhất Sơ đồ Tư duy Việt Nam và đón nhận kỷ vật của Tony Buzan

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Phương Nhung

12 học sinh ở 12 khối lớp đã được trao giải cá nhân cuộc thi Sơ đồ Tư duy - Vietnam Mindmap Championship 2022. Trong khuôn khổ cuộc thi cũng diễn ra Lễ đón nhận kỷ vật của “cha đẻ” Sơ đồ tư duy - cố GS. Tony Buzan.

Ngày 18/12, 104 học sinh từ khối từ lớp 1 đến lớp 12 lọt vào vòng chung kết cuộc thi Sơ đồ Tư duy - Vietnam Mindmap Championship 2022, giải cá nhân đã có mặt tại trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TPHCM) tham dự vòng thi cuối cùng.

Vòng thi nhằm tìm ra các nhà vô địch và đại diện cho Việt Nam tham dự các giải đấu Sơ đồ Tư duy trong nước, quốc tế thời gian tới. Chung cuộc, 12 học sinh ở 12 khối lớp đã được trao giải cá nhân.

Trước đó, với thể thức “Vẽ Sơ đồ Tư duy dựa trên nội dung một chủ đề hoặc bài học trong sách giáo khoa do Ban Tổ chức đưa ra”, trong 26 tuần thi, Ban Tổ chức đã nhận được 7.717 bài dự thi trên toàn quốc của các em học sinh tất cả các khối lớp. 

00004hoc sinh
12 quán quân của Vietnam Mindmap Championship 2022 (Ảnh: Ban Tổ chức).

Giải Nhất cuộc thi gồm 12 thí sinh ở 12 khối lớp

Em Hoàng Minh Nhật, giải Nhất - Khối lớp 1.

Em Nguyễn Võ Thảo Viên, giải Nhất - Khối lớp 2.

Em Phạm Hồng Anh, giải Nhất - Khối lớp 3.

Em Bùi Thị Thanh Tâm, giải Nhất - Khối lớp 4.

Em Bạch Tuệ Anh, giải Nhất - Khối lớp 5.

Em Phạm Xuân Hòa, giải Nhất - Khối lớp 6.

Em Hoàng Nguyên Kha, giải Nhất - Khối lớp 7.

Em Đỗ Lê Anh Thư, giải Nhất - Khối lớp 8.

Em Võ Thị Thụy Hoa giải Nhất - Khối lớp 9.

Em Nguyễn Thùy Dương giải Nhất - Khối lớp 10.

Em Vũ Thị Trà My, giải Nhất - Khối lớp 11.

Em Bùi Thị Ngọc Bình, giải Nhất - Khối lớp 12.

Bên cạnh giải cá nhân được tổ chức theo hình thức cuộc thi Sơ đồ Tư duy Thế giới, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tổ chức cuộc thi về Sơ đồ Tư duy dành cho đội nhóm với hình thức game show truyền hình.

Cuộc thi đồng đội trên truyền hình gồm 3 phần: Nhớ siêu tốc, Vẽ siêu nhanh và Mindmap siêu đỉnh được thiết kế dựa trên các kỹ thuật ghi nhớ, kỹ thuật chuyển đổi thông tin thành hình ảnh, kỹ thuật vẽ Mindmap…

Ở vòng thi này, các đội đăng ký theo trường, mỗi đội gồm có 3 thành viên thuộc khối Tiểu học. Năm nay, cuộc thi đồng đội đã thu hút 569 trường đến từ gần 45 tỉnh thành trên toàn quốc, nhiều tỉnh thành có số đội đăng ký tham gia vòng sơ loại đông đảo là Nam Định, Đà Nẵng, Bến Tre, Thái Bình, Quảng Ngãi... 48 đội tuyển lọt vào vòng ghi hình và trải qua các trận thi đấu vòng loại và bán kết để xác định 3 đội vào Chung kết xếp hạng Nhất - Nhì - Ba.

00003hoc sinh
Đội Sáng Tạo 1 - Tiểu học Hành Thịnh, Quảng Ngãi giành ngôi vô địch Giải Đồng Đội (Ảnh: Ban Tổ chức).

Kết quả chung cuộc giải đồng đội: Đội Bright Stars đến từ thành phố Hải Phòng (giải Ba), đội tuyển Dừa Xiêm - Tiểu học Số 1 Hoài Châu Bắc, Bình Định (giải Nhì), đội Sáng Tạo 1 - Tiểu học Hành Thịnh, Quảng Ngãi  (giải vô địch).

Là người đã dày công mang các cuộc thi Siêu trí nhớ và Sơ đồ Tư duy Thế giới về Việt Nam 6 năm qua, Kỷ lục gia Siêu trí nhớ Thế giới Nguyễn Phùng Phong - Chủ tịch Tổ chức Mindmap Việt Nam, Huân chương Giáo dục Người đồng hành Thiên Nga Trắng được Hoàng gia Ba Lan trao tặng cho biết: “Chất lượng bài thi của thí sinh năm nay khá vượt trội. Các em đã vượt xa mong đợi của các thành viên trong Ban Tổ chức. Các bài thi đều cho thấy sự sáng tạo của thí sinh Việt Nam trong việc tạo ra những sơ đồ tư duy hiệu quả”.

Đồng hành cùng cuộc thi Sơ đồ Tư duy - Vietnam Mindmap Championship 2022, bà Nhật Hoa - Phó Trưởng ban Khoa Giáo Đài Truyền hình Việt Nam, đại diện Kênh truyền hình Giáo dục Quốc gia VTV7, chia sẻ: “Việc ứng dụng sáng tạo phương pháp Mindmap kết hợp với tư duy mới mẻ của các em học sinh tiểu học đã tạo nên những bài thuyết trình hấp dẫn với những chủ đề độc đáo như: Bắt nạt học đường - Tự vệ hay im lặng? Vì sao chúng ta phải tắm? Các bạn hiểu như thế nào về quyền được bày tỏ ý kiến của mình? Những điều bố mẹ làm khiến chúng mình hạnh phúc? Những điều các bạn muốn thay đổi về trường học”.

00007hoc sinh
Các thí sinh tham gia cuộc thi (Ảnh: Ban Tổ chức).

Dưới góc nhìn đổi mới phương pháp dạy và học trong việc triển khai áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Quản lý Giáo dục chia sẻ: "Những câu chuyện của các giáo viên và học sinh trên toàn quốc chia sẻ về kinh nghiệm áp dụng hiệu quả phương pháp sơ đồ tư duy trong dạy học đã thu hút sự chú ý của nhiều giáo viên khác trên cả nước. Từ các thầy cô ở Hà Nội, TPHCM đến những thầy cô ở Hà Giang, Vĩnh Long… đều có những cách áp dụng rất thú vị và sáng tạo nhằm làm cho bài giảng hấp dẫn học sinh hơn”.

Thí sinh Hoàng Minh Châu (Thái Nguyên), thí sinh lọt vào vòng chung kết toàn quốc khối lớp 7 với thành tích nhất 4 tuần (7, 8, 15 và 16) bật mí bí quyết học tập từ Sơ đồ tư duy: “Việc tìm từ khoá là quan trọng nhất vì nó sẽ quyết định nội dung của bài học, sau đó là tìm những hình ảnh minh hoạ liên quan đến nội dung trên sách báo hoặc mạng xã hội mà mình thích thú, hấp dẫn. Sau cùng, em sẽ tập vẽ mỗi ngày, vẽ bằng cả 2 tay để tối ưu sự sáng tạo của não trái và não phải để rèn luyện khả năng tóm tắt các kiến thức đã học ở trên lớp”.

Tuy nhiên, Minh Châu cũng cho biết, việc vẽ sơ đồ tư duy đẹp chỉ là phần bề ngoài, quan trọng là bằng sơ đồ tư duy giúp em học tập rất hiệu quả, sáng tạo mà vẫn có thêm thời gian học đàn piano và các môn ngoại khóa khác.

Sử dụng Sơ đồ tư duy vào việc giảng dạy ở trên lớp, cô Phạm Thị Vân, giáo viên tiểu học của trường Tiểu học Thăng Long Kidsmart (Hà Nội) cho biết, học sinh khá hào hứng mỗi khi cô trình bày những hình ảnh của bài học qua sơ đồ tư duy lên bảng.

Trong khuôn khổ cuộc thi Sơ đồ Tư duy được tổ chức tại Việt Nam năm 2022 cũng diễn ra Lễ đón nhận kỷ vật của “cha đẻ” Sơ đồ tư duy - cố GS. Tony Buzan từ GS. Marek Kasperski đến Tổ chức Mindmap Việt Nam.

00000hoc sinh
Lễ đón nhận kỷ vật đặc biệt của cố GS. Tony Buzan từ GS. Marek Kasperski (Ảnh: Ban Tổ chức).

Một trong số những kỷ vật đặc biệt nhất được GS. Marek Kasperski tận tay đem về Việt Nam chính là chiếc máy đánh chữ đã gắn bó cùng cố GS. Tony Buzan trong suốt hành trình sự nghiệp. Từ chiếc máy này, ông đã phác thảo ra hàng chục quyển sách về tư duy và phương pháp học tập, đặc biệt là “Use your head” (Tên tiếng Việt: Sử dụng trí tuệ của bạn).

Cũng trong buổi lễ, Tổ chức Mindmap Việt Nam đã đề xuất chọn ngày mất của Chủ tịch Tony Buzan, ngày 13/4 hàng năm là “Ngày Tony Buzan” để tưởng nhớ và tri ân cống hiến của GS.Tony Buzan trong sự nghiệp nghiên cứu và phát triển phương pháp kích hoạt não bộ. Dịp này, Tổ chức Mindmap Việt Nam đề xuất khởi tạo “Quỹ Tony Buzan” để sử dụng hoạt động lan tỏa về siêu trí nhớ và sơ đồ tư duy trên toàn cầu.

Anthony "Tony" Peter Buzan (1942 - 2019) là một tác giả, nhà tâm lý và là cha đẻ phương pháp tư duy Mindmap (Sơ đồ Tư duy) vào năm 1968. Là tác giả của 92 đầu sách, được dịch ra trên 30 thứ tiếng, xuất bản trên 125 quốc gia và là diễn giả hàng đầu thế giới về não bộ. Sơ đồ Tư duy (Mind map) do ông sáng tạo đã thay đổi hoàn toàn phương pháp ghi chú truyền thống.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận