10 thói quen tốt cho sức khoẻ cha mẹ nên dạy con
Trẻ em luôn tiếp thu thói quen từ bố mẹ của chúng - cả mặt tốt và xấu. Vậy nên cha mẹ hãy cho con trẻ những lời khuyên bổ ích về sức khỏe mà chúng có thể sẽ cần sau này.
Thói quen 1: Tạo ra bữa ăn nhiều màu sắc
Ăn các loại thực phẩm có màu sắc khác nhau không chỉ thú vị mà còn có lợi cho sức khỏe. Điều đó sẽ khiến con bạn hiểu được giá trị dinh dưỡng của việc ăn đa dạng các loại thực phẩm nhiều màu sắc trong chế độ ăn uống thông thường.
Nhưng điều đó không có nghĩa là mỗi bữa ăn cần phải có nhiều màu sắc. Bạn có thể kết hợp nhiều loại trái cây và rau củ có màu sắc khác nhau vào chế độ ăn uống của trẻ.
Thói quen 2: Không bỏ bữa sáng
Kiên trì với thói quen ăn uống đều đặn trong thời thơ ấu có thể giúp con bạn tiếp tục thói quen tốt này khi chúng lớn hơn.
Dạy chúng rằng, một bữa sáng lành mạnh sẽ:
- Khởi động bộ não và năng lượng của chúng.
- Giúp cơ thể mạnh khoẻ.
- Ngăn ngừa các bệnh mãn tính.
Trường Y Harvard xác nhận rằng, không ăn sáng tương quan với khả năng béo phì cao gấp 4 lần. Và lượng chất xơ trong nhiều loại ngũ cốc ăn sáng có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim. Tuy nhiên, hãy để ý đến hàm lượng đường.
Thói quen 3: Lựa chọn những hoạt động thể chất thú vị
Không phải trẻ em nào cũng thích thể thao. Một số đứa trẻ có thể sợ tập thể dục. Nhưng nếu chúng thấy bạn hoạt động và tìm thấy các hoạt động thể chất yêu thích, thì việc duy trì sức khỏe và hoạt động sẽ trở nên dễ dàng.
Nếu con bạn chưa tìm thấy môn thể thao yêu thích, hãy khuyến khích con tiếp tục cố gắng và chủ động. Cho con tham gia nhiều hoạt động thể chất như bơi lội, bắn cung hoặc thể dục dụng cụ,... và các con sẽ tìm thấy môn thể thao yêu thích.
Thói quen 4: Đừng suốt ngày chỉ ngồi xem TV
Hãy cùng bọn trẻ rời khỏi ghế sofa và ra ngoài. Theo báo cáo của phòng khám Mayo, những đứa trẻ xem tivi nhiều hơn một hoặc hai giờ mỗi ngày sẽ có nguy cơ mắc một số vấn đề về sức khỏe cao hơn, bao gồm:
- Thành tích kém ở trường.
- Khó khăn về hành vi, bao gồm các vấn đề về cảm xúc và xã hội và rối loạn chú ý.
- Béo phì hoặc thừa cân.
- Khó ngủ và không cảm thấy buồn ngủ.
- Ít thời gian để chơi.
Thói quen 5: Đọc sách mỗi ngày
Phát triển các kỹ năng đọc là một điều thiết yếu giúp con bạn thành công ở trường học và tại chỗ làm sau này.
Theo phòng khám Cleveland, kỹ năng đọc giúp xây dựng sự tự tin cho trẻ, mối quan hệ với cha mẹ và những người xung quanh, giúp ích cho sự thành công trong cuộc sống sau này.
Bạn nên biến việc đọc thành một hoạt động trong giờ giải trí và giờ đi ngủ của con mình. Phòng khám Cleveland cũng gợi ý rằng, việc đọc sách hàng ngày cho trẻ em có thể bắt đầu ngay từ 6 tháng tuổi.
Chọn những cuốn sách mà con bạn thích để chúng xem việc đọc như một thú vui hơn là một việc nhàm chán.
Thói quen 6: Uống nước lọc, không soda
Bạn hãy luôn nói với con mình: Nước tốt cho sức khỏe, nước ngọt không có lợi cho sức khỏe. Ngay cả khi con bạn không hiểu tất cả lý do tại sao ăn quá nhiều đường lại có hại cho chúng, bạn vẫn có thể giúp chúng hiểu những điều cơ bản.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), đường trong nước ngọt không cung cấp chất dinh dưỡng. Nó cũng bổ sung lượng calo quá nhiều dẫn đến các vấn đề về cân nặng. Mặt khác, nước là một hợp chất mà con người không thể sống thiếu.
Thói quen 7: Quan sát nhãn thực phẩm
Những đứa trẻ, đặc biệt là trẻ vị thành niên, có xu hướng để ý nhãn mác trên quần áo của chúng. Tương tự, hãy cho chúng thấy một loại nhãn khác quan trọng hơn đối với sức khỏe: Nhãn dinh dưỡng thực phẩm.
Bên cạnh đó, cha mẹ hãy chỉ cho trẻ nhãn chứa thông tin quan trọng về dinh dưỡng trên thực phẩm đóng gói yêu thích của chúng.
Để tránh bị bối rối, hãy tập trung vào một số thành phần chính của nhãn như số lượng trên mỗi khẩu phần: Calo, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, gam đường.
Thói quen 8: Thưởng thức bữa tối gia đình
Vì các thành viên trong gia đình luôn bận rộn, thật khó để có thời gian ngồi xuống và thưởng thức bữa ăn cùng nhau. Nhưng nó rất đáng để thử.
Theo Đại học Florida, nghiên cứu đã chỉ ra rằng chia sẻ bữa ăn gia đình có nghĩa là:
- Mối quan hệ gia đình trở nên gắn kết hơn.
- Trẻ em học được cách thích nghi tốt hơn.
- Mọi người ăn nhiều bữa ăn bổ dưỡng hơn.
- Trẻ em ít có khả năng bị béo phì hoặc thừa cân.
- Trẻ em ít có khả năng lạm dụng ma túy hoặc rượu.
Thói quen 9: Dành thời gian cho bạn bè
Theo nghiên cứu được công bố bởi Clinical Child and Family Psychology Review, tình bạn rất quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh của trẻ em trong độ tuổi đi học.
Chơi với bạn bè dạy cho trẻ các kỹ năng xã hội có giá trị như giao tiếp, hợp tác và giải quyết vấn đề. Bạn bè cũng có thể ảnh hưởng đến thành tích của con ở trường.
Hãy khuyến khích con bạn phát triển nhiều mối quan hệ bạn bè và thường xuyên chơi với các bạn. Điều đó sẽ trang bị cho chúng những kỹ năng sống cần thiết sau này.
Thói quen 10: Sống tích cực
Trẻ em rất dễ nản lòng khi mọi thứ không diễn ra theo cách mà chúng mong muốn. Vậy nên, cha mẹ hãy giúp các con của mình học cách kiên cường khi gặp thất bại bằng việc sống tích cực.
Theo nghiên cứu trong "Đánh giá tâm lý gia đình và trẻ em lâm sàng", trẻ em cũng như người lớn sẽ hưởng lợi từ việc suy nghĩ tích cực và các mối quan hệ lành mạnh.
Giúp con bạn phát triển sự tự tin và tư duy tích cực bằng cách nói với con rằng, các con luôn đáng yêu, có năng lực dù gặp phải bất cứ thử thách nào trong cuộc sống.
Theo Healthline
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất