09:33 28/01/2023

2 điều trong lá thư bà ngoại gửi cháu gái khiến ai cũng ngậm ngùi xúc động

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Khánh Minh

Lá thư xúc động bà ngoại gửi cháu gái có đoạn viết: "Con có thể không chơi với ai đó nhưng đừng ghét ai cả. Nếu được, con có thể giúp một ai đó không tốt trở nên tốt đẹp, điều đó con nên làm".

Gửi Bảo Ngọc - Cua của bà!

Bảo Ngọc là cái tên mà mẹ con đã suy nghĩ từ khi mang thai con và đặt cho con. Bảo Ngọc là cái tên mang nhiều ý nghĩa. Ngọc là báu vật, là vật quý giá với mẹ con, thêm chữ Bảo là mẹ luôn bảo vệ, nâng niu.

Cua là tên bà đặt để gọi hàng ngày, mong con luôn gặp may mắn trong cuộc sống.

Bà viết thư cho Bảo Ngọc để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp đẽ, hạnh phúc của con với gia đình mình.

Bà muốn Bảo Ngọc biết rằng, ông bà luôn cảm nhận và chứng kiến sự cố gắng, trưởng thành của con mỗi ngày.

Bà thường bắt đầu ngày mới vào lúc 4h30 sáng. Con thường dậy sau bà một tiếng để chuẩn bị cho một ngày học mới.

cua bao ngoc
Bé Bảo Ngọc (Ảnh: GĐCC).

Cả nhà đều rất vui khi Bảo Ngọc tự giác làm được điều đó, không cần ai thúc giục. Nhiều khi bà còn lo lắng, khuyên con ngủ thêm chút nữa nhưng con không chịu, con đã nhỏ nhẹ nói: “Bà cho con ăn sáng ở nhà trước khi con đến lớp ạ”.

Động lực nào đã khiến con từ một đứa trẻ "ngủ nướng" mà giờ đây con thay đổi như vậy?

Cuối năm lớp một, con là một học sinh xếp học lực khá. Bà thấy con học như vậy đã tốt rồi, bà hài lòng và chỉ động viên con cố gắng tập trung, tự giác hơn trong học tập. Khi con bước vào lớp hai, hai bà cháu đã cùng nhau lên kế hoạch cho việc học của con. Con đã cải thiện kết quả học tập khiến bà quá đỗi bất ngờ.

Sau mỗi buổi học, cuối ngày về nhà, con ăn nhẹ một chút, tự tắm rửa và ngồi vào bàn học, hoàn thành luôn bài tập về nhà mà không cần đến ông bà nhắc. Ăn cơm tối xong, con lại đọc lại bài ở lớp và đọc tiếp bài mới vài ba lần.

Trước đây, con từng là một đứa trẻ bề bộn, khi con đi học về, dép một nơi, cặp một nơi. Nhưng giờ đây, mọi thứ tốt hơn rồi. Con sắp xếp áo quần ngăn nắp, sách vở gọn gàng, khi cần có thể tìm thấy dễ dàng, nhanh chóng.

Những thay đổi tích cực của con làm cả nhà ta hạnh phúc, ông bà rất vui, mẹ con tự hào về con.

hai ba chau
Hai bà cháu (Ảnh: GĐCC).

Bà không ép con phải học thật giỏi, chỉ mong con luôn duy trì được động lực học tập, cộng với sự sẻ chia của gia đình, người thân, bạn bè, con có một tuổi thơ, tuổi học trò đầy niềm vui và tiến bộ từng ngày.

Là người lớn, có lẽ ai cũng mong cầu con cháu mình lớn lên sẽ thành công. Nhưng thú thực bà không biết phải dạy con như thế nào. Bà nghĩ mỗi người đều có một lựa chọn cho cuộc sống của riêng mình. Vì vậy, con sẽ phải học hỏi và tự tìm ra con đường con đi.

Bà chỉ nhắn nhủ con hai điều:

Một là, con phải có lòng tin vào khả năng của mình, điều này bà thấy con có tiềm năng.

Từ nhỏ đến nay, con luôn kiên trì, nhẫn nại hoàn thành công việc mà con thích. Những trò chơi tham gia cùng bạn, với anh em, con đều hoà đồng, cố gắng.

Hai là, con hãy luôn yêu thương mọi người, đừng ghét ai, đừng tham lam. Nếu con chịu thiệt thòi một chút để người thân, bạn bè được vui vẻ, con nên làm.

Con là đứa trẻ có tấm lòng nhân hậu. Khi bà Phương - chị gái của bà xuống chơi, đi bằng xe đạp, con đã hỏi: “Bà Phương ơi, sao bà không đi bằng xe máy cho đỡ mệt”. Bà đùa, bà không có tiền mua xăng, con tưởng thật, con liền nói: “Mai sau con lớn, làm ra tiền, con sẽ mua cho bà”.

Con phải giữ lời hứa của mình nhé!

Khi ông bà mua đồ chơi, mua đồ dùng học tập cho con, con thường xin ông bà mua cho cả anh Tôm, anh Tép. Ông bà rất hạnh phúc khi con nghĩ được như vậy.

Con có thể không chơi với ai đó nhưng đừng ghét ai cả. Nếu được, con có thể giúp một ai đó không tốt trở nên tốt đẹp, điều đó con nên làm.

Khuya rồi, bà dừng bút đây. Ngắm con ngủ ngoan, bà hạnh phúc lắm!

Bà yêu Cua - Bảo Ngọc.

Bao Ngoc cua va soc
Bé Cua và em Sóc (Ảnh: GĐCC).

(Ghi theo lời chia sẻ của bà ngoại Ninh Giang)

Chuyên mục Tôi nói trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam là nơi bày tỏ quan điểm, để Trẻ em nói, Cha mẹ nói, Chuyên gia nói xung quanh các vấn đề của cuộc sống thường ngày. Độc giả hãy cùng gửi bài viết, tâm sự, video, podcast chia sẻ suy nghĩ về cho chúng tôi nhé, để cùng lan toả yêu thương đến với con trẻ.

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Gửi bài tại đây

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận