An Giang phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục
Sở GD&ĐT An Giang yêu cầu 100% cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch cụ thể về việc tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho học sinh.
Sở GD&ĐT An Giang đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện công tác phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục.
Theo đó, cùng với sự hỗ trợ, phối hợp của các tổ chức, cá nhân, sự ủng hộ của cộng đồng, việc triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh và địa phương đối với công tác giáo dục nói chung và công tác giáo dục đạo đức, lối sống, phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục nói riêng đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Học sinh được tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đã góp phần ngăn chặn các hiện tượng gây gổ, dẫn tới đánh nhau…
Bên cạnh mặt tích cực, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng học sinh đánh nhau, quay clip, đưa lên mạng xã hội, trong đó có sự tham gia của các đối tượng bên ngoài nhà trường. Nguyên nhân chủ yếu là do những tác động tiêu cực, bạo lực của internet, mạng xã hội; giáo dục trong một số gia đình chưa thực sự lành mạnh, nhiều bậc cha mẹ còn khoán trắng việc quản lý, giáo dục con em cho nhà trường; sự thay đổi về tâm sinh lý của học sinh…
Sở GD&ĐT An Giang đã yêu cầu các đơn vị giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, yêu cầu 100% cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch cụ thể về việc tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho học sinh.
Ngành giáo dục phối hợp với ngành chức năng địa phương (công an, tư pháp, hội - đoàn…) tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về tình hình trật tự an toàn xã hội tại địa phương, các hành vi ứng xử không lành mạnh; phối hợp xử lý các tình huống bạo lực học đường, xâm hại trẻ, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật; nêu gương người tốt việc tốt, cách làm hay, thiết thực… tối thiểu 1 lần/học kỳ.
Yêu cầu các đơn vị trực thuộc tổ chức cho giáo viên, học sinh và phụ huynh ký cam kết thực hiện nội quy trường, lớp, chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, quyền trẻ em và phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội... Cam kết thực hiện các quy định về phòng, chống bạo lực học đường, bạo hành, xâm hại trẻ em.
Ngoài ra, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tổ chức sinh hoạt các chuyên đề về kỹ năng tham gia giao thông, hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm trong các tình huống (thiên tai, cháy nổ, kỹ năng tự vệ cho học sinh)...
Củng cố, thành lập các câu lạc bộ thể dục - thể thao, câu lạc bộ giáo dục kỹ năng sống trong trường học. Bên cạnh đó, yêu cầu đội ngũ nhà giáo nêu cao tính gương mẫu về lối sống, đạo đức, tác phong ở mọi lúc, mọi nơi; chú ý hành vi ứng xử, lời nói, hành động phù hợp môi trường sư phạm, giữ vững kỷ cương trường học.
Đồng thời yêu cầu các đơn vị tuyên dương các gương điển hình, gương sáng về đạo đức nhà giáo; định kỳ tổ chức các hoạt động tôn vinh các nhà giáo và điển hình tiên tiến.
Thường xuyên thực hiện tốt công tác tự kiểm tra tại đơn vị; trao đổi thông tin kịp thời về các vụ việc bạo lực học đường, xâm hại, bạo hành trẻ em, vi phạm đạo đức nhà giáo. Từ đó, xử lý nghiêm minh, kịp thời, theo đúng quy định và nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo đơn vị, các tổ chức liên quan trong trường học.
Bên cạnh nỗ lực của nhà trường và các ngành chức năng, vai trò của gia đình rất quan trọng. Cha mẹ không chỉ theo dõi kết quả học tập của con mà phải quan tâm các em nghĩ gì, làm gì, cách xử sự của con với bạn bè. Các em học sinh cần nêu cao ý thức rèn luyện, tìm hiểu và nâng cao nhận thức về trách nhiệm hành động cũng như hậu quả của bạo lực.
Ngoài ra, trong quá trình giáo dục, nhà trường cần chủ động trao đổi thông tin với gia đình học sinh cũng như chính quyền địa phương để nắm bắt biểu hiện của học sinh, phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường để có phương án xử lý phù hợp.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất