Bạo hành trẻ mầm non: Vô cảm hay thiếu kỹ năng sư phạm?
Nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non liên tiếp xảy ra cho thấy những giáo viên này bộc lộ sự bất lực vì không có phương pháp sư phạm, không có tình yêu với con trẻ, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp.
Bạo lực từ những "người mẹ thứ 2" của trẻ
Mới đây, mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh một người phụ nữ lớp mầm non Tí Bo (thuộc địa bàn phường Linh Đông, TP.Thủ Đức, TP.HCM) đè lên người một cháu bé cưỡng ép phải ăn, trước sự chứng kiến của nhiều đứa trẻ khác.
Trong một đoạn video khác, người phụ nữ này dồn một cháu bé đến góc tường, đồng thời cầm một vật dụng đánh, tát vào đầu, mặt cháu bé.
Phụ huynh của em nhỏ cho biết, từ tuần trước, cô N. (là một người được phụ huynh nói là chủ lớp mẫu giáo này) thông báo đã đánh bé C., vì muốn ép cho bé ăn nhiều. Ban đầu, phụ huynh nghĩ rằng, cô chỉ đánh vào tay, do trẻ có nghịch ngợm là chuyện bình thường. Tuy nhiên, khi phụ huynh cháu C. xem được video clip thì cảm thấy quá sốc, vì đây là hành vi bạo hành chứ không phải là dạy trẻ.
Đáng nói, đây không phải là vụ việc giáo viên mầm non bạo hành học sinh duy nhất, chỉ cách đây khoảng 2 tuần, cộng đồng mạng rúng động với một đoạn video bạo hành em bé 1 tuổi xảy ra tại cơ sở mầm non tư thục Hoàng Oanh (địa chỉ tại thôn Quang Trung, xã Lạc Hồng, tỉnh Hưng Yên). Người phụ nữ được xác định trong clip là Kha Thị Tấm đã có hành vi đánh liên tục vào đầu của em bé, sau đó tiếp tục dùng dép đánh nhiều lần vào tay để ép bé ăn.
Mặc dù em bé sợ hãi, giãy giụa và khóc lớn, người phụ nữ vẫn tiếp tục hành vi bạo lực. Tại cơ quan công an, người phụ nữ có tên Kha Thị Tấm bước đầu đã thừa nhận hành vi tát vào mặt và dùng dép đánh vào tay bé như trong đoạn video lan truyền trên Facebook.
Đầu tháng 4/2024, một giáo viên mầm non tại quận 3, TP. Hồ Chí Minh vừa bị tạm đình chỉ đứng lớp vì đã đánh học sinh trong giờ ăn. Trên video trích xuất từ camera của trường mầm non vào cuối tháng 3 cho thấy, sau giờ ăn trưa, chỉ còn 2-3 em vẫn đang ngồi ở bàn ăn, giáo viên này đã ngồi ở góc khuất camera để đút cho học sinh còn lại.
Trong lúc đó, cô giáo đã liên tục có những hành động tác động trực tiếp vào học sinh, sau đó đứng dậy đi ra ngoài. Khoảng 1 phút sau giáo viên này trở lại và tiếp tục đánh học sinh này vào mặt, thậm chí dúi đầu khiến học sinh (có thể) ngã ngửa ra sau. Trong một video khác, khi cho một học sinh khác ăn, bé bị nôn và cô đã đè đầu cho bé ói vào tô thức ăn rồi đút tiếp cho học sinh này ăn.
Giữa tháng 05/2023, cô giáo một trường mầm non ở Biên Hòa, Đồng Nai đã bị đình chỉ vì đã tát bé trai 2 tuổi 31 cái trong lúc cho trẻ ăn trưa khiến gia đình vô cùng bức xúc.
Theo đó, khi phụ huynh của bé trai 2 tuổi này về nhà thì phát hiện có nhiều vết bầm trên trán và má của con. Sau khi gọi điện gặng hỏi, cô H. - giáo viên chủ nhiệm lớp 1 nhà trẻ thừa nhận đánh bé trai trong bữa ăn cùng ngày. Từ hình ảnh camera trích xuất từ nhà trường cho thấy, cô giáo này đã dùng tay tát, đánh khoảng 31 cái vào má, trán của cháu bé. Thời điểm cô H. bạo hành trẻ, một bảo mẫu khác cũng có mặt chứng kiến nhưng không có biện pháp ngăn chặn.
Rất nhiều các bậc cha mẹ bàng hoàng và phẫn nộ khi xem những đoạn video giáo viên mầm non bạo hành trẻ em lan truyền trên mạng xã hội này. Nhiều phụ huynh vô cùng bức xúc và e ngại rằng, con mình có thể là nạn nhân tiếp theo trong các vụ bạo hành nếu tình trạng các trường mầm non chỉ ồ ạt tuyển giáo viên không được đào tạo và không có chuyên môn về giáo dục, đặc biệt thiếu tình yêu thương với trẻ.
Anh Phạm Thiết Hùng - có con đang học mẫu giáo tại Hà Nội cho rằng, bạo hành sẽ để lại trong tâm hồn trẻ vết thương tâm lý suốt cả cuộc đời con người. Và nghiêm trọng hơn hết, bạo lực sẽ đẻ ra bạo lực, khi lớn lên nếu mọi việc trong cuộc sống xảy ra không đúng với ý muốn của trẻ, trong tiềm thức trẻ sẽ vô ý sử dụng bạo lực với những người xung quanh.
“Những người không có tình yêu thương trẻ em thì xin đừng chọn theo nghề giáo cao quý và nên tìm kiếm công việc khác nếu muốn việc nhẹ lương cao. Ngành giáo dục, nuôi, giữ và dạy trẻ không phải là nơi để bất kỳ người nào cũng có thể làm, chưa kể đến hành vi bạo hành của người coi giữ trẻ đã từng gây nên những cái chết thương tâm cho các em bé. Xã hội cần lên án mạnh mẽ những con người có hành vi trái quy định của pháp luật và đạo làm người này”, anh Hùng nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm của anh Hùng, chị Dương Thị Kim Mai - đang có con học tiểu học cho rằng, hành động phi nhân tính của các giáo viên này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ nhỏ trong quá trình hình thành nhân cách.
“Biết bao giờ mới hết những thông tin đau lòng về việc cô giáo mầm non bạo hành trẻ nhỏ. Ngành giáo dục và địa phương cần bắt buộc các cơ sở mầm non tư nhân, kể cả là cơ sở nhỏ, những người trông giữ trẻ phải được đào tạo mầm non bài bản, có chứng chỉ hành nghề. Biết rằng hành vi của họ xuất phát từ bản tính và đạo đức nhưng dù sao qua đào tạo bài bản họ vẫn giảm được phần nào những vụ bạo hành như thế này”, chị Mai nói và đề nghị: “Sở Giáo dục địa phương cần có sự quản lý theo dõi tất cả trường học, nhất là đối với trẻ mầm non và trẻ tiểu học, bằng cách kết nối qua camera của các trường để kịp thời chấn chỉnh, xử lý với các hành vi lệch chuẩn trong môi trường sư phạm".
Bạo hành trẻ em gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Ths. Nguyễn Thuý Uyên Phương - Chủ tịch Hội đồng Trường ICS nhận định, giáo viên có hành vi bạo lực gây ra nhiều hậu quả cho trẻ nhỏ, không chỉ là đau đớn về thân thể mà còn để lại những tổn thương về mặt tinh thần.
Trẻ em là nạn nhân của bạo hành sẽ cảm thấy sợ hãi, tự ti và hình thành cá tính phản kháng, nổi loạn. Việc thường xuyên sống trong môi trường bạo lực sẽ khiến trẻ tin rằng bạo lực là cách duy nhất để giải quyết vấn đề và những tổn thương thời thơ ấu sẽ đi theo trẻ kể cả khi trưởng thành.
Theo cô Uyên Phương, nguyên nhân những vụ việc bạo hành liên tiếp xảy ra là do nhiều giáo viên đâu đó vẫn lạm dụng và bóp méo quan điểm giáo dục “thương cho roi, cho vọt”.
Một nguyên nhân sâu xa khác có thể đến từ thực tế giáo viên mầm non là một nghề chịu áp lực lớn, chưa có đãi ngộ xứng đáng và không được tôn trọng như những giáo viên ở các cấp học khác. Một lớp học mầm non có rất nhiều trẻ có tính cách khác nhau, hơn nữa không phải phụ huynh nào cũng hợp tác và thông cảm, họ không chuẩn bị cho con ý thức tự lập mà đặt hết trách nhiệm đó lên người giáo viên. Do vậy, giáo viên chịu đựng sự ức chế và vô tình trút giận lên những đứa trẻ.
Giáo viên có nhiều cách để kỷ luật học sinh nhưng khó có thể chấp nhận cách sử dụng hành vi đánh đập, lăng mạ các em. Thay vào đó, người giáo viên nên giáo dục các em bằng sự kiên nhẫn và thuyết phục, khuyên răn, phối hợp với gia đình.
Với suy nghĩ khi trẻ không ăn đúng giờ, đúng bữa, đúng số lượng đã định thì phải nhồi nhét, ép trẻ ăn bằng được đã phản ánh rất đúng hạn chế của nhiều giáo viên hiện nay, thừa tiêu chuẩn nghiệp vụ, đạo đức tác phong sư phạm nhưng kỹ năng xử lý tình huống lại rất kém.
Những vụ việc giáo viên mầm non bạo hành về thể chất đối với trẻ em liên tiếp trong thời gian qua cũng có trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục, sử dụng hành vi bạo hành gây tổn thương đến thể chất và tinh thần của trẻ thể hiện sự yếu kém của cơ sở giáo dục trong công tác nâng cao kỹ năng sư phạm của tất cả các giáo viên.
Do đó, cô Uyên Phương đề nghị: “Nghề giáo viên mầm non nên được xếp vào là một trong những nghề có môi trường làm việc căng thẳng và chứa nhiều rủi ro, việc thiếu kỹ năng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ của giáo viên mầm non có thể gây ra những nguy hại khôn lường, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Do đó, nên coi nó là trách nhiệm của cả cộng đồng và giải quyết một cách triệt để”.
Ngành Giáo dục cần rốt ráo trong việc kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề trông trẻ tư thục, loại bỏ các giáo viên không đủ điều kiện, phải đưa ra những biện pháp nghiêm khắc giáo dục tư tưởng cho giáo viên để ngăn chặn những hành vi bạo lực học đường có thể xảy ra. Ngoài ra, tạo dựng một môi trường kỷ luật tích cực trong lớp học, gia đình và nhà trường thấu cảm, cùng kiến tạo mục tiêu hợp lý cho con.
Và cái gốc là nâng cao vị trí, vai trò của giáo dục mầm non trong hệ thống giáo dục. Chương trình đào tạo chính quy cần khắt khe hơn, chuẩn mực hơn. Bên cạnh việc đào tạo giáo viên mầm non về những kiến thức, kỹ năng để nuôi dạy trẻ thì nên đào tạo để họ có thể đương đầu và thích nghi với áp lực mỗi ngày. Ngoài ra, đảm bảo các chính sách dài hạn, tăng biên chế, tăng lương cho giáo viên mầm non để họ có thể yên tâm với nghề.
Giáo viên mầm non đánh học sinh sẽ bị kỷ luật
Theo Điều lệ Trường mầm non ban hành kèm Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT, trẻ em có quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp, quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với khả năng và nhu cầu của trẻ em.
Điều 31 Thông tư này nhấn mạnh, giáo viên mầm non không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể trẻ em.
Theo quy định tại Điều 28, nhiệm vụ của giáo viên mầm non là bảo vệ an toàn về thể chất, tinh thần và tính mạng của trẻ em trong thời gian trẻ em ở nhà trường. Đồng thời, thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo chương trình giáo dục mầm non…
Theo đó, giáo viên mầm non đánh học sinh là hành vi vi phạm Điều lệ trường mầm non, vi phạm đạo đức nhà giáo. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục công lập có thể phải chịu một trong các hình thức kỷ luật quy định tại Điều 52 Luật viên chức 2010: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức; Buộc thôi việc. Trong đó, hình thức kỷ luật cách chức chỉ áp dụng đối với viên chức quản lý.
Giáo viên mầm non đánh học sinh có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu hình sự
Mức phạt hành chính
Giáo viên đánh học sinh được coi là hành vi ngược đãi, xúc phạm thân thể người học.
Theo khoản 1 Điều 28 Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, hành vi xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng.
Như vậy, giáo viên mầm non đánh học sinh có thể bị phạt hành chính đến 10 triệu đồng.
Trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm, giáo viên mầm non đánh học sinh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích.
Căn cứ quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, giáo viên mầm non đánh học sinh mà gây thương tích dưới 11% cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích do thực hiện với người dưới 16 tuổi.
Mức phạt thấp nhất với Tội cố ý gây thương tích là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Các khung hình phạt tăng nặng của tội này được quy định như sau:
- Phạt tù từ 02 - 06 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%...
- Phạt tù từ 05 - 10 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Gây thương tích (trừ trường hợp làm biến dạn vùng mặt) hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%…
- Phạt tù từ 07 - 14 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm chết người; Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt mà tổn thương cơ thể 61% trở lên …
- Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân khi làm chết 02 người trở lên…
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất