16:05 24/04/2024

Giáo viên mầm non ngồi lên người trẻ nhỏ sẽ bị xử lý thế nào?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Giáo viên mầm non lớp Tí Bo bạo hành trẻ đã được Cơ quan Công an mời lên làm việc. Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh xác nhận, đã đề nghị phường Linh Đông đình chỉ hoạt động của lớp mẫu giáo Tí Bo.

Tối 23/4, mạng xã hội xuất hiện đoạn video clip cảnh một người phụ nữ mặc bộ đồ màu xám được cho là giáo viên mầm non đã đè lên người một cháu bé. Người này bắt cháu bé há miệng ra để đưa đồ ăn vào miệng, mặc kệ cháu bé la hét hay phản kháng. Cùng lúc đó có nhiều cháu bé chứng kiến sự việc.

Cũng ở một đoạn video khác, người phụ nữ này dồn một cháu bé đến góc tường, đồng thời cầm một vật dụng đánh, tát vào đầu, mặt cháu bé. 

giao_vien
Giáo viên đè lên người học sinh nhét đồ ăn vào miệng (Ảnh: cắt từ clip).

Qua xác minh, vụ việc xảy ra tại lớp mẫu giáo Tí Bo thuộc địa bàn phường Linh Đông, TP.Thủ Đức. Lớp học có 9 trẻ độ tuổi từ 3-6 tuổi. Cơ sở này do UBND phường cấp phép hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Chủ tịch UBND phường Linh Đông, TP.Thủ Đức cho biết, vụ việc xảy ra vào ngày 11/4. Sáng nay, phường đã làm việc với chủ cơ sở, giáo viên của nhóm lớp Tí Bo. Phường đang làm báo cáo vụ việc và ra quyết định đình chỉ hoạt động của cơ sở.

Bà Loan cho biết thêm: "Sự việc xảy ra đã lâu nên tâm lý, sức khỏe của cháu bé trong video clip cũng ổn định, bình thường trở lại. Do đó, công tác xác minh, giám định gặp khó khăn. Hiện công an phường đã vào cuộc điều tra, xác minh và sẽ xử lý theo quy định của pháp luật".

Liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Thủ Đức cũng cho hay, nhóm lớp này sẽ bị đình chỉ hoạt động từ ngày mai.

Phụ huynh của em T.C. hiện đang học lớp Chồi của Lớp Mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, từ tuần trước, cô N. (là một người được phụ huynh nói là chủ lớp mẫu giáo này) thông báo đã đánh bé C., vì muốn ép cho bé ăn nhiều.

Ban đầu, phụ huynh nghĩ rằng, cô chỉ đánh vào tay, do trẻ có nghịch ngợm là chuyện bình thường. Tuy nhiên, hôm qua, khi phụ huynh em T.C. xem được video clip thì cảm thấy quá sốc, vì phụ huynh cho rằng đây là hành vi bạo hành, chứ không phải là dạy dỗ trẻ.

Sáng ngày 24/4, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận, đã đề nghị phường Linh Đông đình chỉ hoạt động của lớp mẫu giáo Tí Bo. Cơ quan công an địa phương đã vào cuộc, mời chủ Lớp Mẫu giáo Tí Bo, các giáo viên mầm non có liên quan lên làm việc.

Theo ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, đây là nhóm lớp và lớp mẫu giáo độc lập. Đơn vị cấp phép là địa phương. Quan điểm của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức cho biết rằng, không bao giờ chấp nhận hành vi bạo hành trẻ mầm non, và sẽ đề nghị đơn vị quản lý xử lý nghiêm để răn đe những trường hợp khác.

Đồng thời, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức cũng sẽ yêu cầu những lớp, nhóm lớp lân cận tiếp nhận trẻ vào học, khi lớp mẫu giáo này bị đình chỉ hoạt động.

Đối với trường hợp vi phạm này, sáng cùng ngày, bà Lương Thị Hồng Điệp – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sẽ có yêu cầu thành phố Thủ Đức báo cáo về vụ việc này. 

“Đây là hành động không thể chấp nhận đối với một giáo viên mầm non. Vấn đề này trong suốt thời gian qua, phòng quán triệt liên tục, nhắc nhở thường xuyên tuy nhiên vẫn vi phạm”- bà Điệp nhấn mạnh.

Trưởng phòng Giáo dục Mầm non chia sẻ, lớp mẫu giáo Tí Bo thuộc quản lý của địa phương do đó sự việc trên sẽ do địa phương xử lý theo chức trách nhiệm vụ. Sở cũng sẽ có văn bản chấn chỉnh về tình trạng này ở các nhóm lớp, lớp mẫu giáo độc lập, tư thục.

Chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt nam, Luật sư - TS. Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, những hành vi bạo hành trẻ em tùy theo mức độ vi phạm sẽ phải chịu xử lý theo chế tài của luật và các quy định dưới luật.

Theo Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

+ Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

+ Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

+ Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm nêu trên;

+ Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

Bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đã quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như: tội hành hạ người khác, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người khác, tội vô ý làm chết người, tội giết người. Cụ thể:

Đối với tội hành hạ người khác được quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

- Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;

+ Đối với 02 người trở lên.

Đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác được quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận