09:55 01/10/2024

Bé trai 5 tuổi rơi từ tầng 22 tử vong, chung cư cao cấp cũng không an toàn

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Trần Phương

Tại Hà Nội, không ít vụ trẻ em thiệt mạng vì rơi từ tầng cao xuống đất đang dấy lên những lo ngại về an toàn tại các khu chung cư.

Nhiều vụ việc đau lòng

Vụ việc mới nhất xảy ra sáng 30/9, tại một khu đô thị cao cấp tại phố Minh Khai, thuộc quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội, người dân bàng hoàng phát hiện một bé trai nằm bất động trước sảnh của tòa chung cư sau khi nghe thấy tiếng động mạnh. Nạn nhân được xác định là N.L.T.V., sinh năm 2019, sống tại tầng 22 của tòa nhà.

roi-chung-cu-15574114.jpeg[1]
Hiện trường nơi phát hiện thi thể cháu bé. Ảnh: CTV

Theo thông tin ban đầu, bé trai có thể đã rơi từ tầng cao xuống đất dẫn đến tử vong. Thời điểm xảy ra vụ việc, bố mẹ cháu bé không có nhà. Cơ quan công an đang điều tra để làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Đây không phải là sự cố đầu tiên, trước đó tờ Tuổi trẻ đưa tin vào tháng 1/2022, một bé trai rơi từ tầng 31 nhà T9 khu đô thị này xuống đất và tử vong. 

Vào tháng 3/2022, VOV đưa tin, một bé gái lúc đó 15 tuổi là học sinh lớp 9 cũng đã tử vong sau khi rơi từ tầng cao trong khu đô thị này.

Hiện tượng trẻ em rơi từ các chung cư đang là vấn đề báo động, khi liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc đau lòng. Các cơ quan chức năng khuyến cáo các gia đình cần tăng cường cảnh giác và đảm bảo an toàn, đặc biệt với các căn hộ ở tầng cao.

Các vụ tai nạn tương tự cũng xảy ra trong năm 2023. Vào tháng 5, một bé gái 4 tuổi đã rơi từ tầng 12 chung cư ở khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Bé gái không may rơi sau khi tỉnh dậy và bò ra lỗ bảo hiểm ở ban công do không có ai trông nom tại thời điểm đó. Bé đã được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Vụ việc gây rúng động cộng đồng và là hồi chuông cảnh tỉnh về việc đảm bảo an toàn tại các chung cư.

3461551311694979793840829
Hiện trường vụ bé gái 4 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư xuống đất tử vong. Ảnh: Phunuvietnam

Ngày 31/10/2023, một bé gái 12 tuổi ở chung cư Eco Green trên đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Trì, đã rơi từ tầng 34 xuống khu vực cầu thang tầng 7 và tử vong. Bố của bé phát hiện sự việc khi không thấy con gái sau khi đưa bé xuống sân để đi học​

Những vụ việc trẻ em rơi từ chung cư liên tiếp xảy ra đã gióng lên hồi chuông báo động về an toàn tại các khu đô thị. Không chỉ riêng tại Hà Nội, các vụ việc này đã trở thành vấn đề đáng lo ngại trong cả nước. Tình trạng thiếu biện pháp an toàn tại ban công, cửa sổ hay lỗ bảo hiểm trong các căn hộ chung cư đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Cần tăng cường nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ

Những vụ trẻ em rơi từ tầng cao chung cư đã làm dấy lên lo ngại về sự thiếu chú trọng trong việc giám sát trẻ em.

Thêm vào đó, thiết kế chung cư, nhất là ở các tầng cao, cần được cải tiến để đảm bảo các gia đình có thể kiểm soát và bảo vệ con em mình tốt hơn.

Các chuyên gia khuyến cáo rằng ngoài việc nâng cao ý thức của phụ huynh, cần có các biện pháp an toàn cụ thể như lắp đặt lưới chắn tại ban công và cửa sổ, cũng như tăng cường cảnh báo và giáo dục về những rủi ro khi trẻ em tiếp cận các khu vực nguy hiểm trong căn hộ.

Bày tỏ quan điểm tại cuộc Tọa đàm “Nhận diện tiêu chí chung cư an toàn và hạnh phúc cho trẻ em” do Tạp chí Trẻ em Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 8/2024, ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhận định, thời gian qua, với tốc độ phát triển kinh tế xã hội rất nhanh kéo theo nhu cầu chỗ ở tại các đô thị lớn tăng cao. Nhiều chung cư được xây dựng đã góp phần giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân, đặc biệt trẻ em đã có mái ấm tốt nhất để phát triển an toàn và lành mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vì tốc độ phát triển quá nhanh, hệ thống pháp luật không theo kịp để điều chỉnh sự hoạt động và quản lý của các chung cư từ khâu thiết kế đến khâu thi công, quản lý, hậu kiểm,.. khiến một số chung cư xuất hiện tình trạng mất an toàn, thậm chí xảy ra tai nạn thương tâm với trẻ nhỏ.

Ông Hà Đình Bốn nhấn mạnh 3 nguyên nhân chủ yếu, cụ thể: 

Thứ nhất, là từ phía gia đình, các bậc phụ huynh phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng nhưng thực tế là chưa có kỹ năng mềm, chưa quan tâm chặt chẽ, theo sát các con. Nhiều cha mẹ vẫn chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình dẫn đến tai nạn đáng tiếc xảy ra. Nếu vì miếng cơm manh áo, vì công việc mà bỏ bê, không chăm sóc con, chỉ một chút lơ là, vô tâm cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. 

Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định rõ ràng về các quyền của trẻ em, trong đó có quyền được bảo vệ, được chăm sóc và nuôi dưỡng. Đặc biệt là trẻ em dưới 6 tuổi, người chăm sóc luôn phải ở cạnh, không được để bỏ mặc các em nhỏ một mình bởi đây là đối tượng dễ bị tổn thương. Ở độ tuổi này, trẻ em chưa có đủ khả năng tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm tiềm ẩn trong cuộc sống hàng ngày.

Thứ hai, thiết kế chung cư về lan can, cửa phòng,... chưa đảm bảo về khoảng cách, thiết kế. Điều này chỉ ra, các nhà quản lý cần phải nghiên cứu, khoảng cách để cho các cháu không thể lách được người và leo ra ngoài được, cũng như đảm bảo an toàn cho lối đi riêng, cầu thang thoát hiểm luôn sẵn sàng để đảm phòng cháy chữa cháy.

Thứ ba, quy định pháp luật về Luật Xây dựng, Luật Trẻ em, Luật Nhà ở đã theo sát nhưng còn nhiều nội dung cần tiếp tục bổ sung trong tình hình mới. Một số chung cư vẫn chưa tuân theo quy chuẩn xây dựng, không đảm bảo diện tích khu vui chơi cho trẻ theo quy định.

Ngoài ra, một số dự án chủ đầu tư thi công không đúng như trong thiết kế chung cư, cắt xén, giảm diện tích khu vui chơi trong quá trình thi công. Một số người dân lợi dụng khu vực vui chơi để kinh doanh, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ em. Vai trò thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng khi các khu vui chơi bị chiếm dụng làm nơi gửi xe, kinh doanh… vẫn còn chậm trễ, chưa thực hiện tốt công tác quản lý. Việc thiếu khu vui chơi khiến trẻ em buộc phải ở nhà, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đáng tiếc.

Cũng tại tọa đàm, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nêu nhận định, chung cư hạnh phúc không nhất thiết phải quá rộng lớn hay sang trọng, mà quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn và đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của cuộc sống.

"Việt Nam đã áp dụng tiêu chuẩn không kém gì so với nước ngoài, thậm chí còn chi tiết và khắt khe hơn. Ví dụ, ở Việt Nam quy định công trình dưới 9 tầng lan can cao không được thấp hơn 1m, từ 9 tầng trở lên thì lan can phải cao hơn 1m4, trong khi ở Anh chỉ quy định là 1m1. Tại Anh, các khe hở lan can quy định là 100mm, nhưng Việt Nam quy định cụ thể hơn là phải nhỏ hơn 100mm để không đút vừa quả bóng trẻ con chơi, lan can không được chạy ngang, phải chạy đứng để trẻ con không leo trèo", ông Tùng dẫn quy định đồng thời cũng nêu thực tế là để có được chung cư hạnh phúc thì chính phụ huynh phải nâng cao ý thức tại các tòa nhà.

66a78619b8b01[1]
Cần nâng cao ý thức xã hội để đảm bảo an toàn cho các trẻ em tại các khu chung cư. Ảnh minh họa: LC

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ khi ông tham gia một số dự án phát triển đô thị, các quy định về tính an toàn cho trẻ em thực tế đã có, thí dụ để đảm bảo an toàn cho trẻ em, trong các tòa chung cư đã có quy định về chiều cao của lan can hay ban công,... tuy nhiên việc thực hiện có đạt được đúng mục tiêu như đã đề ra hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Thực tế, về mức độ an toàn của cả hệ thống đâu đó vẫn còn thiếu các quy định bắt buộc về việc tạo ra môi trường đáp ứng những điều kiện để trẻ có thể phát triển tốt nhất. Trong phát triển dự án, nhà ở, thực trạng vấn đề an toàn, thiếu những hướng dẫn trong việc đưa trẻ em vào là một nhóm đối tượng đặc biệt cần phải được hướng tới và quan tâm.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo cơ quan chức năng cần giám sát chặt trẽ các tòa nhà chung cư cần đảm bảo các thiết kế đảm bảo an toàn, như chiều cao lan can, khoảng cách giữa các thanh chắn, và các lỗ thoáng phải được thiết kế để tránh trẻ em dễ dàng leo qua.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận