06:39 04/04/2024

Bộ trưởng Trần Thị Thanh Thanh - Trọn đời cống hiến vì trẻ em Việt Nam

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Phú Bình

TS. Trần Thị Thanh Thanh là người đã đặt nền móng cho sự ra đời và hướng phát triển của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cống hiến cả cuộc đời cho công tác trẻ em.

Năm 2008, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội có chức năng bảo vệ Quyền Trẻ em – đó là Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, do TS. Trần Thị Thanh Thanh làm Chủ tịch Hội.

3
TS. Trần Thị Thanh Thanh - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam; nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; nguyên Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm với các em nhỏ.

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam là một tổ chức xã hội tập hợp, đoàn kết những cá nhân, tổ chức của Việt Nam có tâm huyết, tự nguyện hoạt động phấn đấu làm cho trẻ em được hưởng các quyền cơ bản; ngăn chặn mọi hành vi xâm hại quyền trẻ em theo quy định của pháp luật quốc gia và Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Việc thành lập Hội là thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới sự nghiệp giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, đáp ứng với nhu cầu của thực tiễn và là một bước phát triển quá trình xã hội hóa công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em và Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (đổi thành Luật Trẻ em từ năm 2016).

Ngày 11/08/2007, Ban Vận động thành lập Hội BVQTEVN tổ chức phiên họp thứ nhất tại Hà Nội với 32 đại biểu tham dự (Ảnh: HBVQTEVN).
Ngày 11/8/2007, Ban Vận động thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức phiên họp thứ nhất tại Hà Nội với 32 đại biểu tham dự.

TS. Trần Thị Thanh Thanh từng chia sẻ, với sứ mệnh cao cả là Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam của một tổ chức xã hội mới, dù Hội gặp phải rất nhiều khó khăn, phải tự làm hết mọi việc, khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhân sự, kinh phí hoạt động, vận hành bộ máy, về chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm công tác bảo vệ quyền trẻ em nhưng từ Chủ tịch, Phó Chủ tịch đến các cán bộ đều làm việc quên mình, dùng sức mạnh tinh thần, quyết tâm vượt lên tất cả, dần dần những khó khăn đều được tháo gỡ dần.

Là người đã đặt nền móng cho sự ra đời và hướng phát triển của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, TS. Trần Thị Thanh Thanh đã góp phần nâng tầm vị thế của Hội trong vận động chính sách, bảo vệ quyền trẻ em, được các đối tác trong nước và quốc tế đánh giá cao, nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và của cộng đồng xã hội.

anh-4
TS. Trần Thị Thanh Thanh tham dự Lễ trao giải, đấu giá các tác phẩm đoạt giải cuộc thi vẽ tranh “Ngôi nhà mơ ước” năm 2023 do Tạp chí Trẻ em Việt Nam tổ chức. (Ảnh: TS. Trần Thị Thanh Thanh chụp ảnh cùng “họa sĩ nhí” Như Quỳnh bên tác phẩm “Nhà rông yêu thương”.

Trả lời phỏng vấn của Tạp chí Trẻ em Việt Nam nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (2008 – 2023), TS. Trần Thị Thanh Thanh đã chia sẻ một vài kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo mà bà đã rút ra được sau những năm gắn bó với công tác Hội:

Thứ nhất, Hội phải thật sự tôn trọng, tập hợp trí tuệ từ những chuyên gia về công tác trẻ em, cũng như những người có hiểu biết, có tầm nhìn, trí tuệ về vấn đề quyền trẻ em, có kinh nghiệm vận động xã hội thực tế (cả trong và ngoài nước) nhằm soạn thảo Chiến lược xây dựng tổ chức và hoạt động của Hội trong từng thời kỳ ngắn hạn và dài hạn.

Thứ hai, trong chiến lược đó cần đặt mục tiêu phấn đấu rõ ràng trong từng giai đoạn: Ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Qua đó có thể vừa đáp ứng yêu cầu định hướng chiến lược, vừa có thể điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với sự thay đổi của tình hình thực tế.

Cuối cùng, cần có một số hội thảo cần thiết, để lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, lãnh đạo có kinh nghiệm quản lý của các Hội, những người có hiểu biết thực tế, quan tâm công tác trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em để đóng góp cho các dự thảo, làm cơ sở cho lãnh đạo ban thường vụ tiếp thu, quyết định điều chỉnh để có văn bản chính thức trình phê duyệt.

Trong chỉ đạo phải giữ nguyên tắc, định hướng theo chiến lược, điều lệ Hội, nhưng cũng phải linh hoạt, mềm dẻo để liên kết, phối hợp với các lực lượng xã hội, biết khơi dậy, khuyến khích được những sáng kiến trong Ban thường vụ, chấp hành, tập thể cán bộ văn phòng thường trực của Hội. Tranh thủ sự ủng hộ trong các tổ chức khác để đem lại lợi ích thiết thực cho trẻ em, góp phần bảo vệ được các quyền của trẻ em.

TS. Trần Thị Thanh Thanh từng là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (1987-1992); Trưởng Đại diện của Việt Nam tại Hội đồng chấp hành Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ở NewYork, Hoa Kỳ (1996-1998); Đại biểu Quốc hội khóa IX, X; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Việt Nam (1992 - 2002) và là Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (2008-2017).

Với rất nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, TS. Trần Thị Thanh Thanh đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng 2; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng giải thưởng Phụ nữ tài năng năm 2018; Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc trao tặng Kỷ niệm chương.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận