Bộ Y tế cảnh báo về 14 sản phẩm siro ho bị cấm
Bộ Y tế mới đây đã ban hành Văn bản số 2349 BYT-QLD về việc cảnh báo đối với một số sản phẩm siro ho bị cấm sử dụng gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế.
Theo đó, Bộ Y tế đã nhận được Công điện của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cảnh báo các cơ quan chức năng thành viên của Interpol về việc hàng trăm trẻ em đã tử vong hoặc bị tổn thương thận cấp tính sau khi sử dụng 14 sản phẩm siro bị cấm ở một số quốc gia.
Thông tin từ Interpol, các sản phẩm này được sản xuất tại Ấn Độ và Indonesia có chứa Diethylene có thể dẫn đến tổn thương sức khỏe nghiêm trọng hoặc tử vong cho người sử dụng.
Theo rà soát của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược), 14 sản phẩm này chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam và cũng chưa được cấp giấy phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Do đó, để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế khẩn trương triển khai các hoạt động, cụ thể:
Phổ biến, thông báo cho các cơ sở y tế, cơ sở dược trên địa bàn, các khoa, phòng tại đơn vị biết về các thông tin cảnh báo đối với 14 sản phẩm siro ho nêu trên để khuyến cáo về tác hại nghiêm trọng nếu sử dụng sản phẩm và nghiêm cấm sử dụng.
Tăng cường tuyên truyền trên địa bàn và tại đơn vị về việc không sử dụng các thuốc không được cấp phép lưu hành, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh dược việc lưu hành các sản phẩm này nói riêng và các thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành nói chung trên thị trường.
Bộ Y tế cũng lưu ý, trường hợp phát hiện các sản phẩm này có lưu hành, tiến hành thu hồi, tiêu hủy và xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh dược theo quy định, tránh gây hại cho người sử dụng.
Kết quả kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm (nếu có), đề nghị Sở Y tế báo cáo về Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược).
Trước đó, tháng 10/2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng phát đi cảnh báo về 04 loại siro trị ho, cảm lạnh sản xuất tại Ấn Độ có thể liên quan đến vụ 66 trẻ em ở Gambia tử vong do tổn thương thận cấp. Các sản phẩm này gồm: Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup. Đây là các sản phẩm của Công ty Maiden Pharmaceuticals Ltd. có trụ sở tại New Delhi.
Kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm của 04 sản phẩm trên phát hiện lượng diethylene glycol và ethylene glycol ở mức "không thể chấp nhận được", có thể gây độc và dẫn đến tổn thương thận cấp tính.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất