Cả nước có hơn 3.900 trẻ em bị xâm hại trong 2 năm
Theo Bộ Công an, giai đoạn 2021-2022, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên toàn quốc đã phát hiện 3.748 vụ, với 4.354 đối tượng, xâm hại 3.907 trẻ em.
Chiều 7/12, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi (Kế hoạch số 506) giai đoạn 2021-2025.
Báo cáo kết quả 02 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 506 của Bộ Công an nêu rõ, trong thời gian qua, về tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên toàn quốc đã phát hiện 3.748 vụ, với 4.354 đối tượng, xâm hại 3.907 trẻ em.
Trong đó, hiếp dâm trẻ em: 1.193 vụ/1.260 đối tượng/xâm hại 1.218 em; cưỡng dâm trẻ em: 29 vụ/30 đối tượng/xâm hại 29 em; giao cấu với trẻ em: 1.362 vụ/1.369 đối tượng/xâm hại 1.364 em; cố ý gây thương tích với trẻ em: 232 vụ/566 đối tượng/xâm hại 247 em…
Về người chưa thành niên vi phạm pháp luật, toàn quốc phát hiện 8.227 vụ, với 16.649 đối tượng, trong đó 15.568 đối tượng nam, 1.081 đối tượng nữ. So với cùng kỳ giai đoạn 2019-2020 giảm 200 vụ = 2,4% (8.227/8.427 vụ). Trong đó, giết người: 173 vụ/358 đối tượng; các hành vi liên quan đến xâm hại tình dục: 246 vụ/283 đối tượng; cướp tài sản: 242 vụ/560 đối tượng; cố ý gây thương tích: 1.511 vụ/4.014 đối tượng…
Trong 2 năm qua, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thành lập, đưa vào sử dụng 33 mô hình Phòng Điều tra thân thiện trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi; chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mới 19 mô hình, duy trì 05 mô hình “Phòng ngừa xâm hại trẻ em, phòng ngừa người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật tại cộng đồng” tại 11 địa phương, để kèm cặp, giáo dục, chấp hành pháp luật cho gần 2.300 em.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo kế hoạch 506 các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai hàng năm, đã ban hành và triển khai trên 2.000 kế hoạch chuyên đề phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi; phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện gắn với nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, chương trình phát triển kinh tế, xã hội, đổi mới công tác vận động phong trào đảm bảo ANTT tại địa bàn cơ sở.
Căn cứ tình hình thực tiễn, các giải pháp phối hợp phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng đã được các đơn vị thành viên BCĐ khẩn trương triển khai, xây dựng kế hoạch phối hợp đấu tranh với tội phạm lợi dụng không gian mạng để xâm hại trẻ em.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ, thời gian tới, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm liên quan đến người dưới 18 tuổi còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phi truyền thống như lợi dụng không gian mạng để xâm hại trẻ em, trẻ em bị tổn thương do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, cư trú ở vùng sâu, vùng xa… Đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh, các yếu tố tác động trên là thách thức với các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ trẻ em, do đó yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật luôn phải “đi trước một bước” trong phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất