14:25 25/11/2022

Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em: Vì lợi ích tốt nhất của trẻ

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 tại Kỳ họp Quốc hội thứ Tư cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, số vụ cưỡng dâm trẻ em tăng 400%; số đối tượng vi phạm tăng 450%.

Con số trên chỉ là phần nhỏ so với thực tế vì rất nhiều nạn nhân đã không dám lên tiếng. Một số nhóm trẻ em có thể có nguy cơ bị xâm hại tình dục cao hơn. Đó là trẻ em di cư, trẻ em khuyết tật, trẻ lang thang kiếm sống bằng những nghề như đánh giày, bán báo, bán kẹo cao su, bán vé số hoặc làm giúp việc, trông trẻ hoặc làm việc trong các nhà hàng và quán bia/rượu.

Xem nhẹ việc hỗ trợ tâm lý

Từ công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng, chống tội phạm tình dục liên quan đến trẻ em cho thấy, hầu hết thủ phạm các vụ xâm hại tình dục trẻ em là người trẻ quen biết bao gồm cả họ hàng hoặc người thân trong gia đình, lợi dụng mối quan hệ thân thiết, dụ dỗ các em để thực hiện hành vi xâm hại. Một số trường hợp, cả nạn nhân và thủ phạm xâm hại tình dục đều còn rất trẻ.

Từ đầu năm 2022 đến nay, số vụ cưỡng dâm trẻ em tăng 400%; số đối tượng vi phạm tăng 450%
Từ đầu năm 2022 đến nay, số vụ cưỡng dâm trẻ em tăng 400%; số đối tượng vi phạm tăng 450%

Trong nhiều trường hợp, khi nỗi đau, căm giận quá lớn, khiến phụ huynh ngay lập tức tra hỏi đứa trẻ, bắt con nhớ lại, kể đi kể lại chuyện bị xâm hại đã vô tình khoét sâu thêm nỗi đau của nạn nhân, khiến trẻ bị tổn thương nhiều hơn. Thay vì hỗ trợ tâm lý cho trẻ, nhiều trường hợp đã vô tình gây tổn thương thêm cho trẻ khi đổ lỗi cho trẻ đề sự việc xâm hại xảy ra.

Ngoài ra, không hiếm gia đình gia đình biết trẻ bị xâm hại tình dục nhưng lưỡng lự trong cách giải quyết dẫn đến khai báo muộn, không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng nên vô hình chung đã tạo điều kiện để người thực hiện hành vi phạm tội có đủ thời gian xóa dấu vết. Có trường hợp các em còn rất nhỏ tuổi, không ý thức và hiểu được những hành vi đó có phải là tội phạm hay không nên có khi không nói lại cho người lớn biết là mình đã bị xâm hại; hoặc khi sự việc đã bị phát hiện thì chính các em cũng không biết hoặc không nhớ được chính xác những hành vi đã gây ra cho mình; hoặc một số em có thể sẽ cảm thấy xấu hồ mà không dám nói.

Đáng quan tâm hơn, tâm lý chung của gia đình nạn nhân và cả dư luận thường chỉ muốn nhanh chóng đưa tội phạm trả giá trước pháp luật. Còn việc chăm sóc, hồi phục tâm lý cho các em một cách đúng đắn, đầy đủ, khoa học lại chưa thực sự được thực hiện tốt. Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ tâm lý (bao gồm cả sơ cấp cứu tâm lý) cho trẻ là nạn nhân của xâm hại tình dục và gia đình của trẻ còn đang bị bỏ ngỏ.

Không chỉ hoàn thiện pháp luật

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Trẻ em năm 2016 có quy định trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em; tuy nhiên quy định còn chung chung, chưa có chế tài ràng buộc và trách nhiệm pháp lý phải chịu nếu không thực hiện đầy đủ. Mặt khác, theo quy định của luật này, thì 3 tội danh thuộc loại án xâm hại tình dục trẻ em được quy định tại các điều 145, 146, 147 chỉ áp dụng cho đối tượng “đủ 18 tuổi trở lên”, nên nếu đối tượng phạm tội là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội danh này; do vậy tính giáo dục, răn đe và ngăn ngừa tội phạm không cao.

Đơn cử, tại Điều 146, Bộ luật hình sự 2015 quy định “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Vậy nhưng, rất khó có được chứng cứ chứng minh. Trong các vụ dâm ô hiện nay, các cơ quan điều tra luôn đòi hỏi dấu vết vật chất để lại trên thân thể người bị hại thì mới tiến hành khởi tố bị can. Đối với các vụ dâm ô mà kẻ gây án chỉ tiếp xúc với bộ phận sinh dục của nạn nhân thì thường không để lại dấu vết. Đó cũng là một trong các những lý do khiến nạn nhân của dâm ô trẻ em không thể kêu cứu và không được giải quyết bằng pháp luật, điều đó dẫn đến loại tội phạm này bị chậm xử lý.

Truyền thông nâng cao nhận thức cho các em, cha, mẹ, người nuôi dưỡng về các nguy cơ, cách thức xử lý khi trẻ bị xâm hại
Truyền thông nâng cao nhận thức cho các em, cha, mẹ, người nuôi dưỡng về các nguy cơ, cách thức xử lý khi trẻ bị xâm hại

Theo quy trình giải quyết tin báo thì sau khi tiếp nhận tin báo về tội phạm, Cơ quan điều tra phải phân loại và tổ chức lấy lời khai ban đầu, xác minh, làm thủ tục giới thiệu đến cơ quan chuyên môn thăm khám, lấy mẫu, giám định,… Thời gian kéo dài trên dưới 1 tuần, có trường hợp lâu hơn. Trong khi đó, yêu cầu của việc thu thập mẫu tinh dịch, mẫu ADN để lại trên người và quần áo của nạn nhân hoặc ở hiện trường và giám định pháp y cần phải được tiến hành nhanh chóng, kịp thời.

Để có thể hỗ trợ và giảm thiểu sang chấn tâm lý cho trẻ bị xâm hại tình dục và gia đình các em, điều quan trọng là phải đặt nguyên tắc “vì lợi ích tốt nhất của trẻ” lên hàng đầu trong các can thiệp, trợ giúp. Từ góc độ này, có thể thấy bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng thân thiện hơn với trẻ em, giải quyết các can thiệp ban đầu nhanh chóng, thì các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ cơ sở về quyền trẻ em, tâm sinh lý trẻ em, văn bản pháp luật liên quan đến quyền trẻ em, cũng như kỹ năng làm việc với trẻ em cũng cần được chú trọng.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường tuyên truyền phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em cho trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc và cho người dân trong cộng đồng. Thông điệp truyền thông cần ngắn gọn, dễ hiểu, tránh làm trẻ em hoang mang, sợ sệt và cần nhấn mạnh đến “Không bao giờ là lỗi của trẻ em trong các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, ngay cả trong trường hợp trẻ em đồng thuận với kẻ xâm hại mình”.

Theo Đại biểu Nhân dân

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận