12:20 12/12/2022

Cơ hội được đi học của trẻ em khuyết tật còn thấp

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An (t/h)

Cơ hội được đi học của trẻ em khuyết tật thấp hơn nhiều so với trẻ em không khuyết tật. Ở các cấp học cao hơn thì cơ hội đi học của trẻ khuyết tật càng thấp hơn. Chưa đầy 1/3 người khuyết tật có việc làm.

Đó là nội dung được chia sẻ tại Hội thảo cung cấp dịch vụ về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng do Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức mới đây.

hoi-thao1
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HNM

Tại Hội thảo, Cục trưởng Cục trẻ em Bộ LĐTB&XH Đặng Hoa Nam cho biết, hiện nay, theo kết quả khảo sát của Tổng cục thống kê cả nước Việt Nam có khoảng 6,2 triệu NKT chiếm 7% dân số 2 tuổi trở lên. 1,5 triệu TECHCĐB trong đó có 671.659 trẻ em khuyết tật từ 2-17 tuổi (theo báo cáo Điều tra quốc gia người khuyết tật của TCTK).

Tỷ lệ trẻ em bị khuyết tật theo tuổi: 2-17 tuổi: 2,79 % ; 2-4 tuổi; 2,74 % . Tỷ lệ người khuyết tật sống trong hộ nghèo đa chiều (17,8%) có hơn tỷ lệ người không khuyết tật sống trong hộ nghèo đa chiều là (13,9%).

Theo bà Vũ Thị Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, cơ hội được đi học của trẻ em khuyết tật thấp hơn nhiều so với trẻ em không khuyết tật. Ở các cấp học cao hơn thì cơ hội đi học của trẻ khuyết tật càng thấp hơn. Chưa đầy 1/3 người khuyết tật có việc làm. Tỷ lệ người 15 tuổi trở lên không khuyết tật cao gấp 2,5 lần (82,4%) Tỷ lệ người khuyết tật 15 tuổi trở lên có việc làm (31,7%).

“Người khuyết tật được đào tạo nghề chỉ chiếm 7,25% trong khi đó người không khuyết tật được đào tạo nghề là 21,93%. Tương tự, tỷ lệ người khuyết tật và không khuyết tật từ 15 tuổi trở lên có việc làm chỉ chiếm 31,7%.

Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em khuyết tật từ 01-5 có thẻ BHYT là 97%. 91,5% người khuyết tật bị ốm/ bệnh, chấn thương hoặc có sử dụng dịch vụ y tế trong vòng 12 tháng. 90,6% trạm y tế giáo dục, phổ biến kiến thức về chăm sóc giáo dục cho người khuyết tật; 88,3% trạm y tế có tài liệu theo dõi người khuyết tật.

Theo bà Hoa, chỉ có 2% trường tiểu học và THCS có thiết kế phù hợp với học sinh khuyết tật và khoảng 1/7 trường có một giáo viên được đào tạo về dạy trẻ em khuyết tật.

Bà Anjanette Saguisag - Trưởng chương trình chính sách xã hội và quản trị, Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, một mục tiêu chính trong công tác phối hợp của UNICEF và Cục Trẻ em là đánh giá sự tiếp cận của những dịch vụ hỗ trợ cho trẻ khuyết tật, từ đó đưa ra những chính sách phù hợp, thu thập dữ liệu, cùng nhau hành động vì một tương lai hòa nhập, thực hiện Công ước về quyền của người khuyết tật.

UNICEF cũng đã tổ chức các buổi đào tạo và hàng loạt hội thảo tham vấn về xây dựng năng lực cho các tổ chức và các nhà hoạch định chính sách để thực hiện tuân thủ Công ước về quyền của người khuyết tật và mục tiêu phát triển bền vững toàn diện, tạo ra một xã hội hòa nhập, không để bất kỳ trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

Trong thời gian tới, bà Vũ Thị Kim Hoa cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, kiến thức kỹ năng về chăm sóc trẻ em khuyết tật cho các cấp, các ngành, cộng đồng, ưu tiên cho mẹ người chăm sóc trẻ em khuyết tật. Hoàn thiện bộ tài liệu truyền thông chuẩn về chăm sóc trẻ em khuyết tật, hỗ trợ trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Phối hợp với các ngành, các tổ chức quốc tế, UNICEF nghiên cứu rà soát các dịch vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật, các chính sách hỗ trợ trẻ em khuyết tật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Hoàn thiện hướng dẫn gói dịch vụ chăm sóc trẻ em khuyết tật và mô hình mạng lưới kết nối dịch vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em để phổ biến nhân rộng. Hoàn thiện hướng dẫn quy trình kết nối dịch vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận