Dạy con tôn trọng người khuyết tật
Trẻ con thường sợ hãi hoặc có thái độ, hành vi thiếu tôn trọng người khuyết tật vì trẻ thiếu hiểu biết. Là cha mẹ, bạn hãy giúp con hiểu đúng về người khuyết tật và biết cảm thông, giúp đỡ để những người kém may mắn có thể hòa nhập cộng đồng.
Lớp của Bi hôm nay có một bạn học sinh mới. Bạn ấy nhiều hơn các bạn trong lớp 1 tuổi và có một chiếc chân giả. Cô giáo nói, chân bạn bị như thế sau một tai nạn giao thông. Có lần, Bi thấy người bạn có chiếc chân giả bị mấy anh lớp trên bắt nạt, họ cố tình giật cặp sách của bạn để xem bạn có thể chạy theo lấy lại cặp được không. Nhìn mắt bạn ngân ngấn lệ vì bất lực, Bi rất thương bạn, nhưng không biết phải làm sao để giúp. Bi cũng rất sợ lại gần chiếc chân giả vì nhìn nó kỳ kỳ. Phải làm sao để Bi không còn sợ người khuyết tật và dám đứng lên bảo vệ người bạn kém may mắn của mình đây?!
6 nguyên tắc cha mẹ có thể tham khảo để dạy con tôn trọng người khuyết tật
1. Nói với con về người khuyết tật
Ðừng đợi đến khi con hỏi, bạn mới trả lời, hãy chủ động nói cho con hiểu “thế nào là người khuyết tật”.
Con người, không phải ai cũng may mắn có một cơ thể lành lặn. Một số trẻ em khi sinh ra đã bị khuyết tật, một số người khuyết tật do bệnh tật hoặc do chiến tranh, do tai nạn giao thông, tai nạn lao động... Dù vì bất cứ lý do gì thì người khuyết tật cũng sẽ gặp ít nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, do đó, họ rất cần được mọi người yêu thương, tôn trọng cũng như chia sẻ và giúp đỡ.
2. Cảm thông với người khuyết tật
Một số người mặc cảm về khuyết tật trên cơ thể mình nên đôi khi họ nhìn nhận cuộc sống thiếu tích cực, dẫn tới có những hành động cực đoan thái quá. Khi gặp những người này, chúng ta cần thông cảm và tránh làm họ bị tổn thương hơn nữa.
Trẻ em không nên chỉ nhìn thấy những khiếm khuyết của người khuyết tật, bởi có rất nhiều người khuyết tật giàu nghị lực và tài năng đã làm được nhiều điều vô cùng lớn lao, đáng để những người bình thường thán phục, học hỏi và trân trọng.
3. Cho con tham gia các chương trình của người khuyết tật
Nhiều trẻ em cảm thấy sợ hãi khi gặp người khuyết tật. Ðể trẻ không sợ tiếp xúc với người khuyết tật, bạn có thể rủ con cùng tham gia các chương trình của người khuyết tật. Ví dụ, tới một triển lãm tranh hay một buổi hòa nhạc do người khuyết tật đứng ra tổ chức chẳng hạn. Hành động này giúp trẻ hiểu hơn về người khuyết tật và nhận thấy người khuyết tật dù bị khuyết tật về cơ thể nhưng trí tuệ và ý chí vẫn hết sức kiên cường và mạnh mẽ.
4. Khuyến khích trẻ làm tình nguyện viên
Với những trẻ lớn hơn, bạn có thể khuyến khích con tham gia các hoạt động thiện nguyện để giúp đỡ người khuyết tật. Ví dụ, con có thể cùng bạn tổ chức lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em khuyết tật hoặc giúp đỡ người khuyết tật khi sang đường hoặc làm các thủ tục hành chính tại các điểm công cộng…
5. Lên án những hành vi công kích hay bắt nạt người khuyết tật
Người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em khuyết tật là đối tượng yếu thế trong xã hội nên rất dễ bị người khác bắt nạt hoặc xúc phạm. Bạn cần dạy con biết lên tiếng bảo vệ người khuyết tật, sẵn sàng lên án những hành vi bắt nạt người khuyết tật. Ðồng thời, trẻ cũng nên nói chuyện với bạn bè, những người xung quanh để mọi người cùng hiểu đúng về người khuyết tật, từ đó có thái độ và hành vi cư xử đúng mực đối với người khuyết tật.
6. Cha mẹ hãy làm gương cho con
Ðừng bao giờ để con cái thấy bạn đối xử hoặc có thái độ không tốt đối với người khuyết tật. Ðó cũng là cách giúp con bạn biết yêu quý và tôn trọng người khuyết tật hơn.
Theo Vì Trẻ em
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất