Con thích quà gì nhất trên đời, đó chính là thời gian của bố
Một đứa trẻ có nhiều thời gian ở cùng bố, sẽ càng tự tin hơn khi lớn lên. Ở Thuỵ Điển, các ông bố xin nghỉ trung bình 144 ngày (4,5 tháng) để... ở nhà chăm con và chăm rất giỏi.
Một nghiên cứu được xuất bản năm 2006 của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Mỹ cho biết, với trẻ sơ sinh, những đứa trẻ được bố quan tâm nhiều sẽ có được sự an toàn về tình cảm, tự tin khám phá môi trường xung quanh.
Việc thiếu vắng người bố trong cuộc sống sẽ khiến đứa con tăng nguy cơ mắc các căn bệnh nguy hiểm sau này.
Theo đó, 5.000 người trẻ tuổi không sống chung cùng bố đã bị tổn hại telomeres - những mảnh DNA quan trọng bảo vệ tế bào. Những người không được gặp bố thường xuyên do bố mẹ ly dị thì độ dài của telomeres giảm 14%. Trong khi đó, nếu người bố mất sẽ làm telomeres của con giảm 16%. Telomeres rút ngắn có sự liên hệ với việc lão hóa sớm và ung thư.
Một đứa trẻ có nhiều thời gian ở cùng bố, sẽ càng tự tin hơn khi lớn lên. Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania vào năm 2012 đã theo sát 200 gia đình và nhận thấy, những đứa trẻ được chơi cùng với bố nhiều "có thể phát triển tổng thể giá trị bản thân cao hơn vì cha của họ vượt ra những kỳ vọng của xã hội để dành hết mọi chú ý cho con".
Những ông bố nghỉ làm để chăm con
Điều này nghe có vẻ lạ lẫm ở Việt Nam nhưng không còn xa lạ ở Thuỵ Điển khi các ông bố xin nghỉ trung bình 144 ngày (4,5 tháng) để... ở nhà chăm con và chăm rất giỏi.
"Latte Papas" là danh từ gọi chung những ông bố này, một tay đẩy xe của con, một tay cầm cốc cà phê latte để nhâm nhi.
Không làm thêm giờ, không “tăng ca” quán nhậu, bố cùng nấu ăn và ăn tối với cả nhà.
Thời gian làm việc linh động theo lịch sinh hoạt của con, nhiều ông bố đi làm từ 7h sáng và về lúc 4h chiều. Công ty sau 4h thường vắng hoe bóng nam giới.
Về sớm, thay vì “tăng ca” ở quán nhậu, các ông bố ở Thuỵ Điển thích về nhà, nấu ăn và nướng bánh mì. Vì thế, có rất nhiều thời gian để cả gia đình cùng ăn tối mỗi ngày, cũng như dành thời gian cho con cái và làm việc nhà sau bữa ăn.
Con ốm, bố cũng xin nghỉ phép chăm con
Ở Thụy Điển, bên cạnh hệ thống nghỉ thai sản, còn có một hệ thống cho phép cha mẹ chăm sóc con cái sau khi mẹ đi làm trở lại, tới 120 ngày một năm cho đến khi đứa trẻ 12 tuổi và trả 80% tiền lương.
Khi con bị ốm, giữa bố mẹ, ai có thể tiện sắp xếp công việc hơn sẽ xin nghỉ ở nhà trông con ốm.
Vào mùa đông khi dịch cảm cúm lan rộng, không hiếm những ông bố nghỉ hết lần nọ đến lần kia, có khi tới 2 tuần/tháng. Nhưng không lo sếp mắng, đồng nghiệp kêu vì ai cũng như vậy cả.
Bố, người cùng chăm con ngày nay là một anh hùng sẽ mở ra tương lai đất nước ngày sau.
Tại sao Thuỵ Điển được coi là quốc gia có môi trường lý tưởng để nuôi dạy trẻ em? Câu trả lời là, ngoài hệ thống xã hội vững chắc, quan trọng là ý tưởng "ưu tiên trẻ em” thấm vào mỗi người.
Quay lại phương Đông, có thể bạn không biết nhưng ở Nhật, trước khi Covid-19 làm mưa làm gió, truyền thông xứ anh đào có phen bận rộn với một trường hợp “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử chăm con.
Vào năm 2020, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Shinjiro Koizumi xin nghỉ ở nhà chăm con 15 ngày. Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết, ông Shinjiro Koizumi, 38 tuổi, nghỉ phép để chăm sóc con mới sinh nhằm làm gương cho các ông bố đang đi làm ở nước này.
Cho dù môi trường xã hội tốt đến đâu, chăm sóc trẻ em không hề đơn giản nếu chỉ nhìn bằng mắt mà thiếu đi đôi tay thực hành. Các ông bố ở Việt Nam chắc chắn cũng sẽ sẵn sàng chìa tay ra với thiên thần bé nhỏ của mình, để các con trở thành người hùng mở ra tương lai đất nước?
Hãy cùng lan toả phong trào bố dành thời gian với con nhé các bố mẹ!
Ghi theo chia sẻ của mẹ Ngô Hồng Giang (hiện đang sống tại Stockholm, Thuỵ Điển)
Chuyên mục Tôi nói trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam là nơi bày tỏ quan điểm, để Trẻ em nói, Cha mẹ nói, Chuyên gia nói xung quanh các vấn đề của cuộc sống thường ngày. Độc giả hãy cùng gửi bài viết, tâm sự, video, podcast chia sẻ suy nghĩ về cho chúng tôi nhé, để cùng lan toả yêu thương đến với con trẻ.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm Tạp chí Trẻ em Việt Nam. Gửi bài tại đây
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất