00:00 10/02/2024

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam: “Ưu tiên nguồn lực cho trẻ em, hành động thiết thực chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em”

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hoài Linh

Trong cuộc trò chuyện với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam nhấn mạnh mục tiêu trong năm 2024 ở lĩnh vực trẻ em. Đây sẽ là một năm bứt phá với nhiều chuyển biến tích cực, bùng nổ.

Dấu mốc quan trọng trong lộ trình thực hiện các mục tiêu về trẻ em

Kính thưa Cục trưởng, ông có thể điểm lại những kết quả, hoạt động nổi bật trong lĩnh vực trẻ em năm 2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) nói chung và Cục Trẻ em nói riêng?

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) (Ảnh: Hà Chi).
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) (Ảnh: Hà Chi).

Cục trưởng Đặng Hoa Nam: 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đây cũng là năm cần đánh giá giữa nhiệm kỳ về việc thực hiện các chương trình, đề án về trẻ em được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Năm 2023 cũng là năm trẻ em được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ưu tiên, dành sự quan tâm đặc biệt. Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí ủy viên Bộ chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đi nhiều địa phương, thăm hỏi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em miền núi, dân tộc thiểu số, vùng kinh tế xã hội còn khó khăn; tham dự, lắng nghe ý kiến trẻ em, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại các sự kiện quan trọng.

Năm 2023, mặc dù kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 và những biến cố của thế giới, nhiều vấn đề xã hội phát sinh nhưng trẻ em vẫn được quan tâm bảo đảm các quyền và ưu tiên giải quyết các vấn đề tác động đến các em.  Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em”.

Năm 2023, đã có hơn 7 triệu trẻ em được tặng quà nhân dịp Tết Trung thu, với số tiền hơn 470 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước trên 70 tỷ đồng. Ngân sách vận động được trên 400 tỷ đồng từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã vận động, hỗ trợ 22.916 trẻ em với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng nhân dịp Tết Trung thu và năm học mới 2023 - 2024. Cục Trẻ em đã phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai hỗ trợ gói đồ ấm cho trẻ em tại 16 tỉnh/thành phố với tổng kinh phí 5 tỷ đồng (tương đương với 10.000 gói đồ ấm cho trẻ em).

Cũng trong năm 2023, công tác tuyên truyền, phổ biến tiếp tục được đẩy mạnh. Theo đó, Cục Trẻ em đã phối hợp thực hiện sản xuất, phát sóng 50 chương trình truyền hình Vì trẻ em (650 phút phát sóng) phát trên kênh VTV1 và 47 chương trình “Chuyện nhà” (2.115 phút) phát trên mạng xã hội Facebook, YouTube; 50 tin, 26 phóng sự về hoạt động của lãnh đạo Bộ, các sự kiện của ngành. Phối hợp với Hiệp hội An toàn thông tin tổ chức thành công cuộc thi online “Học sinh với an toàn thông tin 2023” dành cho học sinh THCS trên toàn quốc. Cuộc thi thu hút 740.250 thí sinh của 5.417 trường, thuộc 63 tỉnh, thành phố tham dự.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà tặng quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn (Ảnh: KT&ĐT).
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà tặng quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn (Ảnh: KT&ĐT).

Bên cạnh những kết quả đạt được, Cục trưởng có thể chia sẻ những khó khăn, hạn chế tồn đọng trong quá trình triển khai, thực hiện các hoạt động liên quan đến vấn đề trẻ em trong năm qua?

Cục trưởng Đặng Hoa Nam: Trong năm qua, lĩnh vực trẻ em tuy có nhiều thay đổi tích cực song vẫn còn một số thách thức, hạn chế nhất định. Thực tế có thể thấy tình hình trẻ em và việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em tiếp tục chịu ảnh hưởng của vấn đề dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, chênh lệch giàu nghèo, vấn đề thất nghiệp và di cư, hội nhập quốc tế.

Tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp với nhiều nguy cơ tiềm ẩn, làm gia tăng xâm hại trẻ em, nhất là bạo lực trẻ em trong gia đình, bạo lực với trẻ em nhỏ tuổi, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Tình hình trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật có chiều hướng diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn manh động, liều lĩnh; hình thành băng nhóm kín thông qua mạng xã hội kêu gọi thành viên để giải quyết các mâu thuẫn hoặc chống trả lực lượng chức năng,... Tỷ lệ trẻ em bị đuối nước giảm chậm, còn ở mức cao do môi trường sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em.

Nhân lực quản lý Nhà nước về thực hiện quyền trẻ em và cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở nhiều địa phương thiếu và yếu, nhất là cấp xã. Nhiều địa phương bố trí ngân sách cho công tác trẻ em qua ngành LĐ-TB&XH thấp nên đã không triển khai được các giải pháp, mô hình can thiệp giải quyết các vấn đề về trẻ em tồn tại dai dẳng nói chung cũng như không đáp ứng yêu cầu tối thiểu việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về trẻ em của ngành LĐ-TB&XH nói riêng.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH chụp ảnh lưu niệm cùng 188 em nhỏ tiêu biểu tại Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII năm 2023 (Ảnh: Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Thuận).
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH chụp ảnh lưu niệm cùng 188 em nhỏ tiêu biểu tại Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII năm 2023 (Ảnh: Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Thuận).

Bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025

Trước những vấn đề còn tồn đọng, Bộ LĐ-TB&XH đã có những hoạt động như thế nào để cải thiện công tác bảo vệ trẻ em?

Cục trưởng Đặng Hoa Nam: Kết quả đáng ghi nhận năm 2023 của Bộ LĐ - TB&XH ở công tác tham mưu chủ trương, đường lối của Đảng và không ngừng hoàn thiện thể chế bảo đảm quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em. Ban cán sự Đảng của Bộ đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện việc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20- CT/TW năm 2012 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới và trình

Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 28- CT/TW năm 2023 về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đánh giá hiện trạng về sức khỏe tâm thần của trẻ em và việc chăm sóc trẻ em mồ côi, đặc biệt sau dịch Covid 19 và dự báo những tác động đến trẻ em trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1591/QĐ-TTg ngày 08 tháng 12 năm 2023 về chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023 – 2030. Với chương trình này, nhiều giải pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em và trẻ em mồ côi sẽ được triển khai đồng bộ và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Cùng với việc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn, điều phối, đôn đốc việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em, Bộ cũng chú trọng công tác kiểm tra liên ngành, kiểm tra, đánh giá chuyên đề, thanh tra thường xuyên việc thực hiện pháp luật, chính sách về trẻ em. Chủ trì, phối hợp tổ chức lồng ghép các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra chuyên đề, rà soát, đánh giá tại 30 tỉnh, thành phố về tình hình thực hiện Luật Trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; việc triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại theo quy định của Nghị định số 56/NĐ-CP và tình hình triển khai thực hiện các chương trình, đề án về trẻ em. Đặc biệt, trong năm 2023, với vai trò là cơ quan giúp việc cho Thường trực Ủy ban quốc gia về trẻ em, Cục Trẻ em tham mưu tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tình hình thực hiện Luật Trẻ em và quyền trẻ em năm 2023 tại 6 tỉnh.

Cục trưởng có thể cho biết định hướng, phương hướng hoạt động, kế hoạch thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em trong năm 2024?

Cục trưởng Đặng Hoa Nam: 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh nước ta phải chịu hậu quả nặng nề, lâu dài của dịch bệnh Covid-19 và những biến động, biến cố quốc tế. Các  giải pháp, mô hình can thiệp đã đề ra phải được thực hiện quyết liệt, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho trẻ em nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 về trẻ em. Vấn đề hiện nay là cần phải tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em. Tiếp tục chủ động giải quyết các vấn đề về trẻ em, cả những vấn đề tồn tại dai dẳng và mới phát sinh, chú trọng việc phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, bảo vệ tính mạng, sức khỏe trẻ em từ sớm, từ xa.

Năm 2023, Cục Trẻ em đã chủ trì, phối hợp tổ chức 7 hội nghị, một sự kiện, 19 hội thảo với sự tham gia của đại diện của một số bộ, ngành,tổ chức, địa phương, cơ quan truyền thông; hơn 40 lớp tập huấn cho gần 2.000 lượt cán bộ về công tác trẻ em.

Tiếp tục đẩy mạnh, phát huy quyền tham gia của trẻ em nhằm đảm bảo việc thực hiện các quyền của trẻ em cũng như tăng cường hiệu quả thực hiện khi chính trẻ em được thực sự tham gia các vấn đề về trẻ em.

Tiếp tục tăng cường và đổi mới việc truyền thông, giáo dục, vận động gia đình và toàn xã hội xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em. Bên cạnh đó, Nhà nước phải phát triển hệ thống dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em có sự lồng ghép, phối hợp giữa các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội; ưu tiên hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Cốt lõi của mọi giải pháp vẫn là bố trí hợp lý nguồn lực địa phương, cả về tài chính và nhân lực để thực hiện cho được các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, mô hình can thiệp trong các chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em, đặc biệt về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em.

Đẩy mạnh phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai kết nối liên thông cơ sở dữ liệu trẻ em với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên phạm vi toàn quốc; tiếp tục theo dõi, thống kê tình hình trẻ em, tình hình xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích trẻ em và tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quyền trẻ em.

Phát huy, đẩy mạnh công tác tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế về quyền trẻ em, tăng cường sự hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế đa phương, song phương về bảo đảm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em.

Để thực hiện phương châm được Bộ Chính trị yêu cầu trong Chỉ thị số 28 - CT/TW “bảo đảm trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển”, trọng tâm và phương châm hành động của năm 2024 và những năm tiếp theo trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em là: ƯU TIÊN NGUỒN LỰC CHO TRẺ EM, HÀNH ĐỘNG THIẾT THỰC CHĂM SÓC, GIÁO DỤC, BẢO VỆ TRẺ EM.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận