08:00 14/03/2023

TS. BS Lê Minh Trác - 'Cuộc đua phi thường' đưa các em bé sinh non bên bờ vực sinh tử trở về vòng tay cha mẹ

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Con đường đưa những em bé sinh non chỉ nặng từ 400 - 500 gram từ lồng kính trở về với vòng tay cha mẹ của bác sĩ Trác là cuộc chiến đầy cam go, thử thách và thấm đẫm tình yêu thương.

Bài viết này thuộc chuyên đề Tự hào chiến sĩ áo trắng

Hướng tới kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2023), Tạp chí Trẻ em Việt Nam thực hiện chuyên đề “Tự hào chiến sĩ áo trắng”, nhằm tôn vinh những y bác sĩ giỏi, tận tâm, cống hiến; tập thể bệnh viện, cơ sở, trung tâm khám chữa bệnh

Xem thêm

Như bao ngày bình thường khác, TS. BS Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương luôn chân luôn tay, tất bật với công việc. Cuộc phỏng vấn của chúng tôi bị ngắt quãng nhiều lần khi liên tục có những bệnh nhi, người nhà bệnh nhi, nhân viên y tế đang chờ ông...

Tất bật nhiều lúc quên ăn, quên ngủ, nhưng ông vẫn luôn nở nụ cười hiền hậu với mọi người, tiếp thêm tinh thần cho người nhà các em bé sinh non bằng chính sự tận tâm, lạc quan và cách nói chuyện ân cần pha lẫn sự dí dỏm của mình.

ĐỘNG LỰC LỚN NHẤT LÀ
NHÌN
BỆNH NHI KHOẺ LÊN TỪNG NGÀY

Emagazine - Tạp chí Trẻ em Việt Nam

Theo TS. BS Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đa số trẻ sinh non đều có vấn đề bệnh lý, cần điều trị bằng thuốc hoặc phải thực hiện các thủ thuật để cứu sống trẻ. Chính vì thế, khi vừa chào đời, các bé có một thiệt thòi là không được mẹ nằm cạnh bên, ôm ấp vỗ về. 

Những trẻ sơ sinh có bệnh lý, trẻ sinh cực non phải nằm trong phòng hồi sức, chăm sóc đặc biệt. Trẻ sinh càng non thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất và để lại các di chứng càng cao. 

Chia sẻ với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam về ký ức ca sinh non nhẹ cân nhất tại bệnh viện, bác sĩ Trác cho hay, bác vẫn nhớ như in một em bé sinh non chỉ nặng 400 gram - đây là em bé thấp cân nhất Việt Nam được cứu sống, là một kỳ tích trong ngành điều trị sơ sinh, nhất là với trẻ non tháng.

“Từ đứa trẻ sinh non chỉ nặng 400 gram lọt thỏm trong lòng bàn tay, sau hơn 3 tháng cháu bé được chăm sóc đã hồi sinh kỳ diệu. Bé bị chướng bụng, khó tiêu, lại là ca sinh non nên càng phải được theo dõi kỹ để tránh mọi nguy cơ nhiễm trùng”, bác sĩ hồi tưởng lại. 

Ông kể, sau khi sinh ra đứa trẻ, người mẹ đã về nhà ngay lập tức vì không nghĩ là con mình còn hi vọng sống. Đến lúc bệnh viện thông báo người mẹ đến để ấp da kề da và cho con tập bú, tập ăn người mẹ này đã oà lên nức nở vì không giấu được giọt nước mắt xúc động. 

Thời điểm em bé được sinh ra là trong thời kỳ đỉnh cao của Covid-19, mẹ và gia đình bé không thể từ Nghệ An ra Hà Nội. 

"Vượt qua mọi khó khăn, em bé đã tăng cân, phát triển tốt. Đến khi bé lên được 1.800 gram, chúng tôi đã trao con về với gia đình. Khi cháu bé bước sang sinh nhật một tuổi cũng đã quay lại bệnh viện để gửi lời cảm ơn đến các y bác sĩ”, bác sĩ vui vẻ kể lại.

%22Cuộc đua phi thường%22 đưa các em bé sinh non bên bờ vực sinh tử trở về vòng tay cha mẹ 1

Bác sĩ Trác cho biết, với trường hợp trẻ sinh non lại nhẹ cân như trên nếu không được các bác sĩ chăm sóc toàn diện bằng các chiến lược rất khắt khe, cẩn trọng, tỉ mỉ, an toàn… bé phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Trong đó có nguy cơ suy hô hấp, xuất huyết, đặc biệt nguy hiểm là xuất huyết não hoặc xuất huyết phổi, dễ viêm ruột gây hoại tử, nhiễm trùng sơ sinh, rối loạn chuyển hóa, vàng da, tan máu, thiếu máu. 

Thậm chí, em bé có thể gặp phải một trong các nguy cơ muộn hơn như: Bại não hoặc tàn tật giảm vận động, tăng động giảm chú ý, xơ phổi, bệnh lý võng mạc do sinh non, nguy cơ đột tử, rối loạn tăng trưởng, đái đường, cao huyết áp…

Bác sĩ cho hay, bệnh lý ở trẻ sơ sinh rất phức tạp, lại thường diễn tiến nhanh, trở nặng cũng nhanh. Thế nên, quá trình theo dõi, điều trị và chăm sóc bé của các y bác sĩ luôn vất vả hơn bình thường.

CHĂM SÓC CÁC EM BÉ SINH NON:
MUÔN VÀN THÁCH THỨC

Emagazine - Tạp chí Trẻ em Việt Nam

Mỗi tháng, bệnh viện có khoảng 20 - 30 trẻ sơ sinh nặng 500 gram, theo bác sĩ Trác đánh giá, chăm sóc và điều trị cho các em bé dưới 1 kg rất phức tạp, cực kỳ khó vì nhiều rủi ro như rối loạn chuyển hoá, hạ nhiệt độ cơ thể, thủng ruột, viêm võng mạc,...

“Hiện tại, tỷ lệ tử vong của các bệnh nhi sinh non tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương cân nặng từ 1kg - 1,5 kg là 7%, trên 1,5 kg tỷ lệ tử vong khoảng 3%, từ 500 gram - 900 gram, tỷ lệ tử vong là 30%. Tuy nhiên, mỗi năm bệnh viện có khoảng 500 - 600 trẻ dưới 1 kg, điều đó tương đương với việc có khoảng hơn 200 trẻ tử vong”, bác sĩ Trác thông tin.

Theo TS. BS Trác, ngành sơ sinh không hề dễ, vì để cứu sống một trẻ sinh non, đặc biệt nhẹ cân, thì ngay từ những giây đầu đời đã phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bác sĩ sản khoa, bác sĩ gây mê hồi sức và bác sĩ sơ sinh để kịp thời xử trí. Vì thế, khi các bé sinh non nhẹ cân ra đời đã phải có một bác sĩ của Trung tâm túc trực cùng bác sĩ sản khoa để đón bé, đảm bảo cho bé được giữ ấm, chống nhiễm trùng.

TS. BS Trác cho hay, những em bé cực kỳ non tháng, thấp cân, mọi bộ phận của trẻ đều rất nhỏ, toàn bộ chân từ đùi đến bàn chân của trẻ chỉ bé bằng ngón tay út người trưởng thành nên mạch máu của các bé cực kỳ nhỏ, khiến cho việc nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch vô cùng gian truân.

Có mặt tại khu vực chăm sóc các bé sinh non dưới 1 kg ở Trung tâm, sẽ phần nào cảm nhận được điều TS. Trác nói. Các em bé sơ sinh nhỏ xíu nằm trong những chiếc lồng ấp, quanh người chằng chịt các loại dây nhỏ như sợi cước, nối với máy thở, máy truyền, máy theo dõi monitor, dây truyền dịch,...

Tất cả các phòng ở Trung tâm được thực hiện chống nhiễm trùng nhiều tầng, vì đây là vấn đề then chốt của điều trị cho các bé sơ sinh non tháng nhẹ cân. Trước khi vào làm nhiệm vụ, các nhân viên đều phải tuân thủ yêu cầu vô trùng, từ sử dụng quần áo tiệt trùng đến sát trùng rửa tay.

Không chỉ dụng cụ, trang thiết bị y tế được sát trùng thường xuyên, mà các phòng điều trị cũng phải được sát trùng tổng thể 4-6 tuần/lần, cùng hệ thống máy tiệt khuẩn không khí các phòng. Người nhà các bé cũng phải cách ly và chỉ được thăm theo giờ, mà vẫn phải đi bốt, đeo khẩu trang, sát trùng tay.

MẸ CẦN GIỮ CHO MÌNH SỰ LẠC QUAN

Emagazine - Tạp chí Trẻ em Việt Nam

Với 20 năm trong nghề, ông vẫn nhớ như in lần đầu tiên nuôi sống cặp song sinh chỉ nặng 500 gram, chào đời ở tuần thai thứ 25 từ cơ thể người mẹ mắc Covid-19. Theo đó, ngày 16/5, hai bé song sinh, con của sản phụ L.T.V (sinh năm 1996, ở Hà Nội) chào đời ở tuần thứ 25.

Hai bé song sinh (1 trai, 1 gái) cân nặng 500 gram/bé, là một thách thức trong việc chăm sóc và điều trị. Bố mẹ của hai bé cũng không hy vọng nhiều vào sự sống của hai con, họ thấy bất lực và đành phó mặc cho các y bác sĩ chăm sóc hằng ngày.

Tuy nhiên, các bác sĩ Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh đã nỗ lực tìm sự sống cho 2 bé sơ sinh non tháng bằng việc áp dụng các kỹ thuật cao trong chăm sóc và điều trị.

Sau gần 3,5 tháng chăm sóc và nuôi dưỡng, ngày trở về với gia đình, 2 bé đã ổn định sức khoẻ, một bé nặng 3,6 kg, một bé nặng 3,1 kg. Khi được 3 tháng hiệu chỉnh, các cháu đều có thể lẫy lật được và phát triển các hành vi khác trong phạm vi bình thường.

Đây không phải trường hợp hiếm hoi các em bé sinh non và cực non phải đấu tranh giành lấy sự sống khi mới chào đời. Nhiều em chỉ nặng mấy trăm gram, phải nằm trong lồng ấp, xung quanh là dây nối với các loại máy móc, thiết bị. Tuy phải cách xa vòng tay mẹ nhưng các bé đã hồi phục từ sự nâng niu, chăm chút từng giây từng phút của những “thầy thuốc” mặc blouse trắng. 

a một em bé sinh non bên bờ vực sinh tử trở về vòng tay cha mẹ là hạnh phúc và động lực lớn nhất mà bác sĩ sơ sinh chúng tôi theo đuổi, bác sĩ Trác nói.

Những chiếc lồng kính dù ấm áp, an toàn cũng không thể thay thế vòng tay yêu thương của cha mẹ. Không chỉ điều trị bệnh lý, tâm lý mẹ và bé cũng được bác sĩ quan tâm.

Theo bác sĩ Trác, phải xa mẹ từ khi mới sinh, đôi khi em bé sinh non sẽ thiếu sự gắn kết với mẹ trong những ngày đầu đời. Mặt khác, xa con, lo cho con cũng khiến các mẹ dễ rơi vào trầm cảm. Do đó, cần xây dựng sự gắn kết mẹ - con từ lúc ở bệnh viện.

Thay vì cách ly hoàn toàn, bệnh viện chú trọng tạo điều kiện cho mẹ tiếp xúc với con sớm. Các bác sĩ cũng tư vấn tâm lý, sắp xếp cho mẹ vào thăm con thường xuyên, trò chuyện, tương tác với bé.

“Để đảm bảo cho con trưởng thành khỏe mạnh, người mẹ chăm con phải có sức khoẻ, phải giữ tinh thần thoải mái, lạc quan để truyền niềm tin, truyền lửa cho con đấu tranh với bệnh tật, ngoài ra mẹ cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để có sữa mẹ cho con”, bác sĩ Trác nhấn mạnh.

Người mẹ cũng được hướng dẫn cách chăm sóc da kề da cho con trong phòng nuôi đặc biệt để bé được truyền hơi ấm từ mẹ. Mẹ hít thở kích thích em bé thở theo, hỗ trợ hô hấp, giúp bé ổn định nhịp tim, giảm các cơn ngừng thở, tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt hơn, đồng thời hỗ trợ tích cực cho sự phát triển não bộ của bé…

KHÔNG YÊU THƯƠNG NGƯỜI BỆNH,
KHÔNG THỂ THÀNH BÁC SĨ GIỎI

Emagazine - Tạp chí Trẻ em Việt Nam

Kể về mối nhân duyên đến với bệnh viện Phụ sản Trung ương, bác sĩ Trác tâm sự, cách đây 30 năm, khi còn đang học chương trình phổ thông, ông đã nuôi dưỡng một niềm đam mê với ngành y và quyết tâm thi vào trường Đại học Y Hà Nội.

Sau 4 năm theo học tại trường, ông nhận ra mình có niềm yêu thích và đam mê trở thành bác sĩ chuyên khoa Nhi. Sau quãng thời gian 10 năm học dài đằng đẵng tại đây, ông đã tốt nghiệp bác sĩ Nội trú Nhi và ở lại trường làm giảng viên của bộ môn Nhi.

Nhận thấy trình độ chuyên môn, tay nghề và bằng cấp của ông, trong một cuộc gặp gỡ với GS. TS. BS Trần Đình Long - một người thầy giáo dạy bộ môn Nhi tại trường đã gợi ý: “Bệnh viện Phụ sản Trung ương có khoa Sơ sinh và đang tuyển bác sĩ phụ sản” và đề cập bác sĩ Trác về để hỗ trợ giảng dạy phát triển.

Năm 2003, bác sĩ Trác chuyển về công tác ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Với 20 năm gắn bó tại đây, ông đã đóng góp trí tuệ, sức lực cùng tập thể thầy thuốc và cán bộ công nhân viên xây dựng bệnh viện ngày một lớn mạnh về quy mô và chất lượng. Bệnh viện Phụ sản Trung ương hiện là cơ sở đầu ngành của chuyên ngành phụ sản, sinh đẻ kế hoạch và sơ sinh.

Mặc dù vất vả, áp lực nhưng những lúc trong guồng công việc như vậy, bác sĩ Trác lại cảm thấy bản thân sống có ích hơn cho các thai phụ và bệnh nhi, cho cộng đồng. Và chính suy nghĩ tích cực đó đã trở thành động lực giúp bác luôn phấn đấu và cố gắng nhiều hơn nữa trong công việc...

Gác lại những vất vả của bản thân, ông cùng các điều dưỡng, nhân viên y tế trong Trung tâm đều cảm thấy mọi khó khăn, hi sinh của mình như được bù đắp khi thấy những trẻ sơ sinh được khỏe mạnh trở về trong vòng tay của gia đình.

Với những nỗ lực vượt bậc cùng sự tận tâm của từng thầy thuốc ở Trung tâm, giờ đây, việc chăm sóc và điều trị các bé sinh non, nặng 500 gram đã trở thành thường quy ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tạo cơ hội sống cho nhiều em bé.

Những kết quả trong việc điều trị, chăm sóc trẻ sơ sinh đặc biệt nhẹ cân, non tháng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương đặc biệt có ý nghĩa, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình, nhất là những gia đình hiếm muộn. Từ đó, tạo dựng được lòng tin của người bệnh với các thầy thuốc.

Hà Nội, tháng 3/2023

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận