Những ca cấp cứu bệnh nhi 'ngàn cân treo sợi tóc' trong ký ức PGĐ Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Xuyên
“Niềm vui của bệnh nhân là niềm vui của chính mình. Cuộc sống hàng ngày còn khó khăn nhưng phải tự hào về ngành mình đã chọn, về công việc mà bệnh nhân đã tin tưởng. Hãy làm tốt những gì mình có thể và không hổ thẹn với lương tâm”, bác sĩ Trần Trí Bình, PGĐ Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Xuyên chia sẻ.
Bài viết này thuộc chuyên đề Tự hào chiến sĩ áo trắng
Hướng tới kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2023), Tạp chí Trẻ em Việt Nam thực hiện chuyên đề “Tự hào chiến sĩ áo trắng”, nhằm tôn vinh những y bác sĩ giỏi, tận tâm, cống hiến; tập thể bệnh viện, cơ sở, trung tâm khám chữa bệnh
PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Trần Trí Bình - Phó Giám đốc (PGĐ) Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Xuyên, Hà Nội về những câu chuyện nghề. Trước đó, ông đã từng có thời gian giữ chức vụ Trưởng khoa Nhi tại bệnh viện.
"Có những bệnh nhi hoàn cảnh rất thương tâm"
PGĐ Trần Trí Bình cho biết, hiện tại, Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Xuyên đang khám và điều trị cho người dân huyện Phú Xuyên (Hà Nội) và các bệnh nhi ở tỉnh Hà Nam, Hưng Yên sang. Khoa Nhi là khoa đông nhất bệnh viện, gồm 46 giường và kèm một phòng khám riêng. 46 giường luôn chật kín, bệnh nhân nhi rất đông.
Với chỉ đạo của Ban Giám Đốc, Đảng ủy, Khoa Nhi đã thực hiện tốt công tác chữa bệnh. Hiện tại, bệnh viện có 4 bác sĩ nhi khoa, một bác sĩ chuyên khoa cấp II, một Thạc sĩ nhi khoa và 2 bác sĩ đa khoa, một bác sĩ hiện đang đi học chuyên khoa cấp I tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Bệnh viện luôn cố gắng mở rộng để có thể phát triển hơn nữa.
Hiện tại Khoa Nhi tại bệnh viện có thể cấp cứu một số ca thông thường như: Bệnh nhân sơ sinh sau đẻ, trẻ suy hô hấp, khó thở, co giật, trẻ bị viêm phổi, mất nước nặng,...
“Nhân lực Khoa Nhi tại bệnh viện vẫn còn hơi ít, nếu có thêm bác sĩ, chúng tôi có thể điều trị thêm cho các bệnh nhi mắc các bệnh về: Tim mạch, hô hấp, sơ sinh, chuyên khoa về tiêu hóa, dị ứng”, bác sĩ Trần Trí Bình tâm sự.
Chia sẻ về những khó khăn, bác sĩ Bình cũng cho biết thêm: “Bên cạnh nhân lực, hiện nay trang thiết bị cũng là một yếu tố khó khăn tại bệnh viện. Khoa Nhi muốn làm nhiều hơn nữa, muốn làm tốt hơn nữa nhưng vấn đề mua sắm trang thiết bị còn gặp khó khăn vì không có nhà tài trợ hay nguồn cung để mua máy móc.
Ví dụ như máy thở NCPAP để hỗ trợ bệnh nhân suy hô hấp, khó thở do bị viêm phổi, họ rất cần hỗ trợ của loại máy đó. Khi có máy điều trị bệnh nhân sẽ nhanh khỏi, đỡ mệt và không phải trị liệu nhiều”.
Thêm vào đó vấn đề cấp cứu sơ sinh, tư vấn sơ sinh để các bà mẹ có thể yên tâm ở bệnh viện. Đó cũng là vấn đề khó khăn.
PGĐ Trần Trí Bình cho biết, Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Xuyên cũng đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều em gia đình bố mẹ ly hôn hoặc có trường hợp bố mất, mẹ cháu bị tàn tật, ông bà nuôi cháu từ bé. Có một số bệnh nhi hoàn cảnh rất thương tâm, khi tới bệnh viện quần áo cũ, rách rưới, đồ ăn cũng không có. Một số bệnh nhân hoàn cảnh như vậy khi đến bệnh viện may mắn có bảo hiểm nên không mất tiền và được Nhà nước chi trả viện phí.
“Trẻ em dưới 6 tuổi, có quyền trẻ em được khám chữa bệnh miễn phí, hoặc những trường hợp khó khăn đó các bác sĩ cũng sẽ báo với Tổ công tác xã hội của bệnh viện. Bệnh viện có quỹ riêng để tài trợ cho các cháu trong quá trình điều trị”, bác sĩ Bình cung cấp thông tin.
Những ca bệnh "ngàn cân treo sợi tóc" và niềm xúc động vỡ oà khi cứu sống bệnh nhân
Trong suốt thời gian công tác, bác sĩ Bình đã trải qua biết bao kỉ niệm khó quên. Ông bộc bạch: “Tôi đã theo nghề hơn 20 năm chuyên về nhi, nhiều ca bệnh chứng kiến khiến tôi đến giờ còn day dứt. Tôi đã chữa trị thành công cho nhiều bệnh nhân nhưng cũng có một số ít ca bệnh để lại di chứng”.
Theo lời bác sĩ Bình, ông đã chứng kiến một ca đêm do ông trực người mẹ khi sinh, em bé bị ngạt, gia đình bệnh nhân đến muộn, thai to quá, lúc vào viện không thể mổ kịp nữa.
Hay có trường hợp bé sinh ra bị suy hô hấp, cấp cứu 10 phút mới tỉnh lại. Khi bác sĩ Bình cấp cứu, da bệnh nhân trắng bệch, tím tái tưởng không qua khỏi nhưng ông vẫn cố gắng ép tim, đặt nội quản, điều trị thuốc vì “còn nước, còn tát”. Sau khi cấp cứu, bé mới bắt đầu có thể thở và khóc lên thành tiếng.
“Niềm vui của tôi là đã cứu được bé nhưng đáng buồn bé bị thiếu oxy não dẫn đến bại não. Bại não khiến cháu thỉnh thoảng lên cơn động kinh, viêm phổi tái diễn liên tục. Chất lượng cuộc sống rất kém”, bác sĩ Bình xúc động tâm sự.
Hay trường hợp, bà cho cháu ăn bột, ăn xong để cháu nằm, bé ăn xong nôn trớ, bị viêm phổi, hít vào, khi cấp cứu bé tím ngắt toàn thân, bác sĩ Bình cũng đã cấp cứu thành công nhưng bé cũng mắc di chứng là bại não.
Chia sẻ về trường hợp có em bé bị sốt liên tục từ dịp Tết, bác sĩ cho biết, bé sốt 40 độ không hạ sốt, khi đưa bé đến khi chụp phổi, phổi của cháu đã tổn thương toàn bộ và khả năng có thể tử vong.
Bác sĩ Bình nhận định: “Khi cha mẹ không chú ý, không điều trị tốt hay không được tư vấn kĩ, ngay từ ban đầu không được cấp cứu kịp thời thì hậu quả sẽ vô cùng đáng thương, làm khổ chất lượng cuộc sống của trẻ và cả gia đình”.
Có bé ở Bắc Giang, gia đình có 2 bé gái và cháu là con út, cháu được 12 tháng khi vào viện bị tiêu chảy, truyền dịch xong, cháu co giật và mắc di chứng bại não, trước đó sức khỏe cháu cũng yếu hay đau ốm.
“Thỉnh thoảng các bé vẫn lên khám, tôi luôn động viên gia đình đến khám trực tiếp để các bác sĩ giải quyết mọi vấn đề. Chúng tôi luôn điều trị tốt nhất và chia sẻ phần nào để gia đình vơi đi nỗi buồn, những áp lực trong cuộc sống”, ông Bình cho hay.
Cũng đã có nhiều ca bệnh các bác sĩ tại bệnh viện đã cấp cứu thành công. Có cháu bé bị hóc dị vật, cháu đang bị viêm phế quản điều trị tại bệnh viện, bà cháu tới thăm cho cháu ăn dưa hấu, cháu ho bị sặc vào phổi. Cháu tím ngắt luôn tại chỗ. Gia đình lo lắng gọi bác sĩ nhưng rất may các bác sĩ đã xác định được do cháu bị hóc dị vật, cấp cứu đúng cách và may mắn cháu đã qua khỏi.
Hay có trường hợp, nửa đêm người nhà bệnh nhân gọi điện con của họ chơi đồ chơi rồi ho sặc sụa, người tím ngắt, bác sĩ cũng xác định trẻ bị hóc dị vật và tư vấn, hướng người nhà cách sơ cứu để bé qua khỏi.
Trong các ca bệnh được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Xuyên cũng đã có những ca bệnh phức tạp, phải chuyển lên tuyến trên.
Bác sĩ Bình kể lại trường hợp của cháu bé 7 tháng tuổi, cháu khỏe mạnh bình thường, trước đó cháu chỉ sốt nhẹ khoảng 37,5 độ, cháu có nôn trớ một chút, không mất nước. Khi vào viện, cháu bị sốt thường không ăn được, buồn nôn và gia đình có nói khi đi ăn cỗ bé có ăn gì đó và bác sĩ đã nhận định bé có khả năng bị viêm dạ dày ruột.
Nhưng chỉ sau đó một ngày, diễn biến bệnh thay đổi rất nhanh, chỉ trong vòng 1-2 tiếng khi chụp phổi về cháu đang bình thường rồi chuyển qua tím ngắt. Khi khám nhịp tim cháu rất nhanh, bác sĩ đã nghĩ tới cháu bị viêm cơ tim.
Viêm cơ tim là bệnh nặng, khả năng tử vong cao nếu không phát hiện kịp thời. Bác sĩ nhanh chóng cho cháu thở oxy và gọi điện liên hệ Bệnh viện Nhi Trung ương. Khi đến Bệnh viện Nhi Trung ương cháu phải thở ECMO và lọc máu. May mắn cháu bé đã sống.
“Tuy nhiên đã có trường hợp đáng buồn, chúng tôi đã trực tiếp khám điều trị và trực tiếp chứng kiến. Cháu cũng tình trạng viêm cơ tim, khi cháu quá mệt, da xanh tái khi tới viện cơ thể cảm giác đã ngừng hoàn toàn. Các bác sĩ đã cố gắng ép tim, vội vàng cho cháu thở ổng, chuyển cháu lên bệnh viện Bạch Mai. Khi lên đến nơi được mấy phút, không may cháu đã tử vong”, bác sĩ Bình nhớ lại.
Bác sĩ Bình hy vọng trong tương lai, bệnh viện sẽ phát triển về chuyên khoa nhi nhiều hơn, thành lập khoa Nhi có đầy đủ chuyên khoa: Tim mạch, hô hấp, đơn nguyên sơ sinh, đơn nguyên cấp cứu chỉ phục vụ các bệnh nhân nhi.
Bên cạnh đó, ông hy vọng có thể bổ sung thêm nhiều nhân lực được đào tạo chuyên sâu về nhi khoa. Để làm được điều đó, cần sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị, đó là điều quan trọng.
“Chúng tôi có rất nhiều việc muốn làm và phát triển hơn nữa để bệnh nhân là người hưởng lợi, hạn chế quá trình chuyển viện. Tôi không muốn bệnh nhân phải chuyển viện, chúng tôi rất tâm huyết và muốn điều trị cho bệnh nhân khỏi bệnh”, bác sĩ Bình tâm sự.
Ông muốn liên kết với một số bệnh viện đầu ngành về nhi khoa để khi khó khăn hai bên cùng trao đổi và chuyển tuyến. Bên cạnh đó là đào tạo, nâng cấp và chuyển giao kỹ thuật nhiều hơn để phát triển mạnh, trở thành điểm mũi nhọn về nhi khoa ở huyện Phú Xuyên.
Bác sĩ Bình cho biết, hiện tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Xuyên có liên kết với Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chỉ đạo tuyến về vấn đề nhi khoa. Chỉ đạo tuyến nghĩa là hướng dẫn, chỉ đạo những việc liên quan tới chuyên môn thuộc về chuyên ngành.
Phía Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật, phương tiện, hội chẩn bệnh nhân, hoặc bệnh viện gặp khó khăn gì về điều trị và khám bệnh sẽ về chỉ đạo, cùng phối hợp để làm tốt công việc.
“Đó là đam mê ăn sâu vào máu, nhìn thấy bệnh nhân là không chịu được, phải làm”
Đối với các bác sĩ công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Xuyên, theo bác sĩ Bình, điều đầu tiên cần có là tình yêu với quê hương. Đã có nhiều bác sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II, Thạc sĩ, khi ra trường có nhiều cơ hội nhưng với tình yêu quê hương, họ trở về đây làm việc.
Các bác sĩ rất tâm huyết, miệt mài với công việc, không quản ngày đêm, thậm chí quên ăn quên ngủ. Những bác sĩ trẻ rất ham học hỏi, có bao nhiêu bệnh nhân cũng đều khám và chữa bệnh, miễn sao bệnh nhân khỏi bệnh.
“Đó là đam mê ăn sâu vào máu, nhìn thấy bệnh nhân là không chịu được, phải làm”, bác sĩ Bình nói.
Bác sĩ Bình cho biết, trong bối cảnh các bệnh viện hiện khó khăn chung, các bác sĩ rất thấu hiểu tất cả các bệnh viện phải tự chủ. Vất vả nhưng phải cố gắng.
Tâm sự về tình yêu nghề, bác sĩ Bình xúc động: “Chúng tôi làm tất cả vì đam mê, nhiệt huyết, mục đích để bệnh nhân khỏi bệnh. Niềm vui của bệnh nhân là niềm vui của chính mình. Cuộc sống hàng ngày còn khó khăn nhưng phải tự hào về ngành mình đã chọn, về công việc mà bệnh nhân đã tin tưởng. Hãy làm tốt những gì mình có thể và không hổ thẹn với lương tâm”.
Bác sĩ Bình chia sẻ thêm, Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Xuyên có nhiều hoạt động, chương trình đãi ngộ, quan tâm tới con em các bác sĩ, cán bộ... đang công tác tại đây.
Ngày 1/6 hàng năm, bệnh viện luôn có những phần quà dành cho các cháu. Rằm Trung thu cũng sẽ tổ chức phá cỗ cho các cháu tại hội trường bệnh viện. Hoạt động do Đoàn Thanh niên tổ chức, kinh phí do bệnh viện đảm đương. Các cháu được phát quà, giao lưu, cảm thấy rất vui. Đây là hoạt động được bệnh viện duy trì nhiều năm qua.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất