09:53 04/04/2023

Đang có sự nhập nhèm giữa tổ chức tham quan du lịch và hoạt động trải nghiệm

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam

Sự nhập nhèm giữa việc tham quan du lịch và hoạt động trải nghiệm đã dẫn đến khá nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho học sinh khi tham gia các hoạt động này.

Cụm từ “Hoạt động trải nghiệm” cũng chỉ mới xuất hiện vài năm trở lại đây khi chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ra đời.

Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa, Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm cho biết, trong chương trình GDPT mới, hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12, các hoạt động giáo dục trải nghiệm bao gồm trên lớp và ngoài nhà trường. 

1222222
Một hoạt động trải nghiệm của học sinh tại trường (Ảnh tác giả)

Hoạt động trải nghiệm được hiểu là hoạt động giáo dục, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, từng cá nhân học sinh được tham gia trực tiếp vào các hoạt động khác nhau với tư cách là chủ thể của hoạt động, qua đó phát triển năng lực và phẩm chất của mỗi cá nhân mình.

Các hoạt động trải nghiệm được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như trò chơi, hội thi, diễn đàn, giao lưu, tham quan du lịch, sân khấu hóa, thể dục thể thao, câu lạc bộ,...

Tham quan du lịch chỉ là một trong nhiều hình thức của hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên, không ít trường học hiện nay, lại lấy tham quan du lịch làm hoạt động chính để bắt buộc giáo viên, học sinh phải tham gia như một hoạt động giáo dục chính khoá.

Sự nhập nhèm giữa tham quan du lịch và hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường đã dẫn đến khá nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho học sinh khi tham gia các hoạt động này.

Tham quan du lịch dưới danh nghĩa hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đến tính mạng

Chỉ trong vài ngày cuối tháng 3 đã có ít nhất 2 trường học xảy ra chuyện lùm xùm xung quanh câu chuyện học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường.

Điều này đã tạo tâm lý lo lắng, bất an cho phụ huynh, tạo áp lực cho cả giáo viên mỗi khi trường thông báo kế hoạch cho học sinh đi tham gia hoạt động trải nghiệm.

Đã có không ít những sự việc đau lòng liên quan đến hành trình những chuyến hoạt động trải nghiệm do nhà trường tổ chức.

Phải kể đến, năm 2021, Trường THPT Đông Anh đưa 896 học sinh lớp 10 và 11 đi hoạt động trải nghiệm tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ), 3 học sinh đã gặp nạn trong đó 1 em tử vong, 2 em bị thương nặng.

Cũng trong năm 2021, một học sinh lớp 4 Trường tiểu học Âu Dương Lân (TP HCM) tử vong ở Khu du lịch Đại Nam…[1]

Và gần đây nhất, vào ngày 28/3, việc mất an toàn thực phẩm khiến học sinh Trường Tiểu học Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) sau chuyến dã ngoại nhiều học sinh đã phải nhập viện với các triệu chứng ngộ độc thực phẩm. 

Có quy định nào bắt buộc nhà trường học phải tổ chức hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường, đi xa?

Cho tới thời điểm hiện tại khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai ở các cấp học đến năm thứ 3, cũng chưa có một văn bản cụ thể nào quy định các trường học phải tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm ngoài trường học dưới hình thức tham quan du lịch.

Bởi, theo quy định thì hoạt động trải nghiệm có thể tổ chức tại nhiều địa điểm khác nhau ở trong hoặc ngoài nhà trường.

Đó có thể là lớp học, ở phòng đa năng, ở sân trường, hay ở viện bảo tàng, các di tích lịch sử và văn hóa, các danh lam thắng cảnh, cơ sở sản xuất,… hoặc ở các địa điểm khác bên ngoài trường học có liên quan đến chủ đề hoạt động do nhà trường chọn.

Và ngay như địa phương người viết, các trường học phần lớn đều tổ chức cho học sinh được hoạt động trải nghiệm vào các tiết chào cờ đầu tuần với các hoạt động ngoại khoá theo từng chủ điểm như An toàn giao thông, Tết quê, Ngày Tết quê em, Tìm hiểu lịch sử, về nguồn…hoặc thăm quan một số di tích lịch sử tại địa phương.

Quan trọng nhất, một số địa phương thời gian qua đã có văn bản cấm các trường lợi dụng việc hoạt động trải nghiệm để tổ chức đi tham quan, du lịch. Tuy nhiên, quan trọng nhất cơ sở nào để phân định rõ ràng 2 hoạt động này thì lại chưa hề có. Rõ ràng, du lịch tham quan nhiều nguy cơ gây mât an toàn. Vì, số lượng thầy cô giáo ít không thể đủ để quản các em học sinh bởi các em đều có sự hiếu động. Thầy cô có dặn dò cẩn thận nhưng việc các em có nhớ và làm theo hay không lại là chuyện khác.

Có nhiều hình thức trải nghiệm nhưng nhiều trường lại chọn tham quan du lịch?

Có rất nhiều hình thức giúp học sinh trải nghiệm, tuy nhiên không ít trường học lại chọn cho các em hình thức tham quan du lịch.

Mới đây, một trường trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh dự định tổ chức cho học sinh chuyến tham quan du lịch dưới danh nghĩa một hoạt động trải nghiệm.

Câu chuyện sẽ không có gì nếu như không rò rỉ tin nhắn được cho là của hiệu trưởng gửi cho giáo viên.

Trong tin nhắn có viết: "Đây là logo dán trên xe và băng rôn toàn đoàn để chụp hình. Nói là không bắt buộc để phụ huynh họ khỏi phàn nàn và làm phiền, rồi thưa kiện không hay. Nhưng đây không phải là chuyến tham quan bình thường mà là một buổi học ngoại khóa của môn giáo dục địa phương.

Giáo viên chủ nhiệm bằng mọi giá phải cho lớp tham gia đầy đủ (trừ những phụ huynh nào họ kiếm chuyện thì thôi). Bên du lịch họ sẽ mời một xe là 2 giáo viên cùng đi và gởi lại cho giáo viên chủ nhiệm là 10.000 đồng/học sinh. Lớp nào sĩ số đi ít quá thầy (hiệu trưởng) sẽ xem xét đánh giá đối với giáo viên chủ nhiệm trong quý 2".

Rõ ràng những dòng tin nhắn đã bộc lộ 3 vấn đề gây bức xúc trong dư luận và đội ngũ nhà giáo:

Thứ nhất là tiền bồi dưỡng trích lại cho giáo viên 10 ngàn đồng/học sinh. Thứ hai là bắt buộc giáo viên phải tìm mọi cách vận động học sinh tham gia buổi dã ngoại. Thứ ba là nếu không thực hiện tốt sẽ đánh vào điểm thi đua của nhà giáo.

Nhiều người thắc mắc: Chỉ là hoạt động trải nghiệm thì nhà trường có thể chọn hình thức khác trong rất nhiều hình thức để học sinh trải nghiệm mà vẫn mang lại hiệu quả cao. Nhưng cớ sao cứ phải là tham quan du lịch?

Vì sao hiệu trưởng lại nhất quyết dùng “biện pháp mạnh” với giáo viên như thế? Vì chuyến tham quan du lịch cần thiết hay vì một nguyên nhân nào khác?. Những băn khoăn này cần phải được làm rõ và có sự chấn chỉnh kịp thời để hoạt động trải nghiệm không bị lợi dụng biến tướng.

Theo Phan Tuyết 

Giáo dục Việt Nam 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận