Dạy con về tiền lì xì: Bí quyết từ ống tre xưa đến lời khuyên vàng của chuyên gia
Theo các chuyên gia, thay vì giữ hộ hay áp đặt cách sử dụng, việc trao quyền tự quản lý tiền mừng tuổi cho con dưới sự đồng hành của cha mẹ không chỉ giúp trẻ hiểu giá trị đồng tiền mà còn cảm nhận được sự tôn trọng, từ đó hình thành ý thức trách nhiệm và những giá trị sống tốt đẹp.
Bài viết này thuộc chuyên đề Cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con
Với chuyên đề "Cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con", Tạp chí Trẻ em Việt Nam hy vọng mang đến cho độc giả những góc nhìn nhân văn, đa chiều xung quanh câu chuyện lì xì ngày Tết.
LTS: Mỗi dịp Tết đến, chủ đề cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Một số cha mẹ cho rằng, việc giữ tiền có thể giúp đảm bảo an toàn tài sản, thậm chí được dùng chi tiêu cho các việc của cá nhân hoặc gia đình. Ở chiều ngược lại, cũng có nhiều cha mẹ lại nhấn mạnh tính quan trọng của việc khuyến khích tính tự lập, trách nhiệm tài chính cho trẻ và không giữ tiền lì xì của con.
Với mong muốn có thêm nhiều góc nhìn đa chiều, tìm ra các giải pháp phù hợp cho chủ đề gây nhiều tranh cãi những năm vừa qua, Tạp chí Trẻ em Việt Nam khởi đăng tuyến bài "Cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con?".
Trân trọng gửi tới quý độc giả!
“Thu hết tiền lì xì có thể gây tổn thương tâm lý cho trẻ”
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, ThS. Chuyên gia tâm lý Lưu Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Tâm lý giáo dục Xanh (Green Edu) chia sẻ, nhiều năm trước đây, cha mẹ ít để ý tới tiền lì xì của con cái bởi số tiền lì xì trẻ nhận được thường không nhiều. Thế nhưng, với sự phát triển kinh tế xã hội trong những năm gần đây và mong muốn thắt chặt các mối quan hệ, số tiền lì xì đã tăng vọt, thậm chí có trường hợp trẻ được mừng tuổi lên đến hàng chục triệu đồng.
Lúc này các bậc cha mẹ có xu hướng sẽ giữ cho trẻ số tiền mừng tuổi này. Bởi họ không tin tưởng vào khả năng quản lý tài chính của trẻ, sợ rằng các em sẽ chi tiêu hoang phí, chơi bời, hay sa vào các tệ nạn xã hội,.. Đặc biệt, nhiều cha mẹ cho rằng, tiền mừng tuổi của con chính là khoản mà mình đã “đầu tư”. Do vậy, cha mẹ thường nói với con rằng, để cha mẹ “cầm hộ”, nhưng thực tế rất ít khi cha mẹ cho con sử dụng số tiền đó.
Chuyên gia tâm lý Lưu Văn Tuấn cho rằng, hành động cha mẹ thu tiền lì xì của con có thể gây tổn thương tâm lý cho trẻ. Bởi tiền lì xì là món quà riêng mà trẻ được nhận từ người lớn. Việc bị tước đoạt món quà này khiến trẻ cảm thấy hụt hẫng, chán nản và dần mất đi sự tin tưởng vào cha mẹ, từ đó nảy sinh tâm lý muốn tự bảo vệ và giữ gìn tài sản của mình.
Do vậy, theo chuyên gia tâm lý Lưu Văn Tuấn, cha mẹ nên giúp trẻ hình thành thói quen tự quản lý tiền mừng tuổi sớm, bởi đây là một cách giáo dục tài chính hiệu quả, giúp trẻ hình thành hai kỹ năng quan trọng.
Thứ nhất, trẻ sẽ học được cách tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, biết đầu tư và chịu trách nhiệm với các quyết định của mình. Đặc biệt, trẻ còn biết cách trân quý tiền bạc, sức lao động của cha mẹ và không tiêu xài hoang phí. Những kỹ năng này sẽ là nền tảng vững chắc cho tương lai tài chính độc lập và thành công của trẻ.
Thứ hai, việc tự quản lý tiền mừng tuổi còn giúp trẻ phát triển kỹ năng chịu trách nhiệm. Trẻ sẽ phải chịu trách nhiệm với các quyết định chi tiêu của mình, học hỏi từ những sai lầm như làm rơi hay mất tiền. Những bài học này giúp trẻ nâng cao ý thức trách nhiệm với tài sản cá nhân, với bản thân và thúc đẩy sự học hỏi, tiến bộ.
“Tôi cho rằng, cách hiệu quả nhất để dạy trẻ tiết kiệm và chi tiêu hợp lý là thông qua trải nghiệm thực tế. Cha mẹ hãy giao cho trẻ một khoản tiền phù hợp với độ tuổi và nhận thức, hướng dẫn trẻ cách sử dụng số tiền đó cho các mục đích cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định và cách bảo quản tiền.
Ví dụ, cho trẻ 70.000 đồng mỗi tuần để chi tiêu cho việc học tập hoặc ăn vặt, và giải thích rõ ràng, nếu tiêu hết thì sẽ không có thêm”, chuyên gia tâm lý Lưu Văn Tuấn đưa ra lời khuyên.
Giáo dục kỹ năng quản lý tài chính cho trẻ từ sớm
Theo Chuyên gia tâm lý Hồng Hương - Thường trực tại Thư viện lưu trú thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, khi cha mẹ giữ tiền mừng tuổi của con mà không rõ ràng, minh bạch, trẻ có xu hướng đề phòng, giấu giếm, không muốn hợp tác với cha mẹ. Điều này dẫn đến sự mất lòng tin giữa cha mẹ và con cái, từ đó trẻ cũng sẽ không tiếp nhận những lời dạy bảo từ cha mẹ và có thể gây ra hệ lụy là trẻ không xác định được quyền sở hữu của mình, dẫn đến sự mông lung và thiếu tự tin trong cuộc sống.
Vai trò của cha mẹ không chỉ là nuôi dưỡng mà còn là giáo dục con cái, đặc biệt là về quản lý tài chính. Nếu trẻ có tiền mà không được hướng dẫn sử dụng đúng cách, chúng sẽ dễ dàng hình thành thói quen tiêu xài hoang phí.
Trước đây, nhiều cha mẹ coi tiền lì xì của con như một khoản thu bù đắp cho những chi phí lì xì của gia đình. Nhưng hiện nay, phần lớn các bậc cha mẹ đã nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục tài chính cho con từ sớm. Do đó, họ thường cùng con thảo luận về cách sử dụng tiền lì xì, nhằm giúp con học cách tiết kiệm, chi tiêu hợp lý và có trách nhiệm với tiền bạc.
Khi cha mẹ trao quyền tự quản lý tiền mừng tuổi cho con và đồng hành hướng dẫn, trẻ sẽ học được giá trị của sự tôn trọng, đồng thời cảm nhận được lòng biết ơn đối với văn hóa mừng tuổi và cảm thấy an toàn, tin tưởng khi ở bên cha mẹ. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để cha mẹ có thể nhẹ nhàng chia sẻ với con về giá trị sống, tầm nhìn tương lai và những nét đẹp văn hóa truyền thống một cách tự nhiên và gần gũi thông qua những cuộc trò chuyện cởi mở.
Đặc biệt, tùy vào từng giai đoạn phát triển của con, cha mẹ có thể áp dụng các hình thức quản lý tài chính khác nhau như cho con tiết kiệm bằng heo đất, hộp đựng tiền, hoặc khi con lớn hơn có thể mở tài khoản ngân hàng. Quan trọng hơn cả là sự đồng hành của cha mẹ thông qua việc thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với con về cách con đang sử dụng tiền. Việc lập kế hoạch tài chính cá nhân cho con cũng là một cách tốt để giúp con quản lý tiền bạc một cách rõ ràng và chính xác.
Từ chiếc ống tiết kiệm bằng tre thời xưa đến két sắt thời nay: Cùng con tiết kiệm, cùng con chi tiêu
Chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, ông xuất thân từ một gia đình thuần nông, không kinh doanh buôn bán nhưng ngay từ nhỏ, ông đã được những đồng tiền xu mừng tuổi vào ngày Tết từ bố mẹ và họ hàng.
Những đồng tiền này tuy được gọi bằng nhiều tên khác nhau, như "tiền mừng tuổi", "tiền phát vốn" và "tiền mở hàng" nhưng đều thể hiện ý nghĩa chúc mừng năm mới, chúc người nhận thêm một tuổi mới mạnh khỏe, may mắn và thuận lợi. Điều này cho thấy phong tục mừng tuổi đã là một nét văn hóa lâu đời và phổ biến trong xã hội Việt Nam. Dù sau này tên gọi "tiền lì xì" trở nên phổ biến hơn nhưng ý nghĩa tốt đẹp của phong tục mừng tuổi vẫn được bảo tồn, giữ gìn và trao truyền qua các thế hệ.
Từ xưa, mỗi đứa trẻ trong nhà đều được bố mẹ tự tay làm cho một ống tiết kiệm bằng tre được thiết kế đặc biệt với miệng là rãnh cưa chéo, giúp dễ dàng bỏ tiền xu vào mà không bị rơi ra. Số tiền tiết kiệm này được bố mẹ giữ gìn và chỉ được sử dụng vào cuối năm. Khi đó, bố mẹ sẽ cùng con bàn bạc và lên kế hoạch chi tiêu hợp lý, sau đó làm một ống tiết kiệm mới. Nhờ vậy, trẻ không thể tự ý lấy tiền để tiêu xài vào những việc như đánh đáo, chơi "thả đỉa ba ba" hay mua quà vặt.
"Hiện nay nhiều gia đình vẫn mua cho trẻ những con lợn đất, hộp hay két sắt nhỏ xinh để đựng tiền tiết kiệm. Mỗi khi nhận được nhuận bút, tôi đều chia một phần nhỏ và bí mật bỏ vào đó cho cháu. Đến cuối năm, cả gia đình sẽ cùng nhau vui vẻ "kiểm kê" số tiền và hướng dẫn cháu cách sử dụng hợp lý. Tôi cho rằng, đây là một phương pháp tuyệt vời và dạy trẻ cách trân trọng giá trị đồng tiền và sử dụng chúng một cách khôn ngoan, thay vì tiêu xài phung phí”, ông Vĩ nêu quan điểm.
Bằng cách này, chúng ta sẽ vừa tạo niềm vui cho trẻ, vừa trang bị cho con, cháu những kỹ năng sống quan trọng như tiết kiệm, trân trọng đồng tiền và quản lý tài chính từ sớm.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất