Tranh luận cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con, luật quy định ra sao?
Cha mẹ có quyền giữ tiền lì xì của con hay không, con bao nhiêu tuổi được tự giữ tiền lì xì...? Những câu hỏi mang tính pháp lý về tiền mừng tuổi đã được Luật sư Đào Thị Bích Hường chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam.
Bài viết này thuộc chuyên đề Bố mẹ có nên giữ tiền mừng tuổi của con?
LTS: Mỗi dịp Tết đến, chủ đề cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Một số cha mẹ cho rằng, việc giữ tiền có thể giúp đảm bảo an toàn tài sản, thậm chí được dùng chi tiêu cho các việc của cá nhân hoặc gia đình. Ở chiều ngược lại, cũng có nhiều cha mẹ lại nhấn mạnh tính quan trọng của việc khuyến khích tính tự lập, trách nhiệm tài chính cho trẻ và không giữ tiền lì xì của con.
Với mong muốn có thêm nhiều góc nhìn đa chiều, tìm ra các giải pháp phù hợp cho chủ đề gây nhiều tranh cãi những năm vừa qua, Tạp chí Trẻ em Việt Nam khởi đăng tuyến bài "Cha mẹ có nên giữ tiền lì xì của con?".
Trân trọng gửi tới quý độc giả!
Tết Nguyên Đán - thời điểm đoàn viên và gửi trao yêu thương, cũng là dịp các phong tục truyền thống như lì xì được gìn giữ qua bao thế hệ. Việc lì xì cho trẻ em hiện nay không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa may mắn mà còn gợi lên nhiều câu hỏi về mặt giáo dục, ý thức quản lý tài chính và các vấn đề pháp lý liên quan.
Để tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa và những khía cạnh pháp lý xoay quanh việc lì xì cho trẻ em, làm sao để giữ gìn nét đẹp của tục lệ này mà vẫn đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Đào Thị Bích Hường thuộc Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền Trẻ em Việt Nam.
Cha mẹ có quyền giữ tiền lì xì của con hay không?
Thưa Luật sư, theo quy định của pháp luật Việt Nam, tiền lì xì mà trẻ em nhận được có thuộc quyền sở hữu của trẻ không?
Luật sư Đào Thị Bích Hường: Tiền lì xì mà trẻ em nhận được thuộc quyền sở hữu của trẻ và đó là tài sản riêng của trẻ, được pháp luật bảo vệ.
Pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ các quyền trẻ em trong đó có quyền có tài sản, quyền định đoạt tài sản và quyền tham gia các quan hệ dân sự. Theo đó, trẻ em sinh ra có quyền được nhận thừa kế, quyền được nhận tặng cho tài sản, được sở hữu tài sản dựa trên các căn cứ pháp luật.
Điều 20 Luật Trẻ em năm 2016 quy định về quyền tài sản của trẻ em như sau: "Trẻ em có quyền sở hữu, thừa kế và các quyền khác đối với tài sản theo quy định của pháp luật”.
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tại Khoản 1 Điều 75 cũng quy định: (i) Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con; (ii) Con từ đủ 15 tuổi trở lên sống chung với cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình nếu có thu nhập”…
Do vậy theo quy định của pháp luật Việt Nam thì tiền lì xì mà trẻ em nhận được vào dịp Tết hoặc những dịp kỷ niệm cá nhân khác như sinh nhật... là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của trẻ. Trẻ em có quyền sử dụng số tiền này để thực hiện các giao dịch dân sự, phục vụ các nhu cầu thiết yếu của mình hoặc cho các sở thích cá nhân.
Như vậy, phụ huynh có quyền giữ hoặc sử dụng số tiền này vào mục đích riêng không?
Luật sư Đào Thị Bích Hường: Cha mẹ có hay không có quyền giữ hoặc sử dụng số tiền này vào mục đích riêng còn phụ thuộc vào độ tuổi của con.
Theo Điều 76 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì việc quản lý tài sản riêng của con như thế nào sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của con, cụ thể như sau:
(i) Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý;
(ii) Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác;
(iii) Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật;
(iv) Trong trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Điều 77 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng quy định về định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự như sau:
(i) Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con;
(ii) Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ;
(iii) Trong trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con do người giám hộ thực hiện".
Căn cứ các quy định nêu trên, trẻ từ đủ 15 tuổi trở lên được quyền quản lý tài sản riêng (bao gồm tiền lì xì). Trường hợp dưới 15 tuổi thì tài sản riêng do cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý nhưng chỉ được định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con.
Như vậy, cha mẹ không thể tự ý lấy tiền lì xì của con phục vụ cho mục đích khác (không vì lợi ích của con). Việc cha mẹ giữ tiền lì xì của con cũng được hiểu là việc quản lý, trông coi tài sản riêng của con và phải hoàn trả cho con khi con đủ điều kiện quản lý tài sản. Về việc sử dụng số tiền trên, nếu không có thỏa thuận giữa con cái và cha mẹ thì cha mẹ không được tự ý sử dụng số tiền này vào mục đích riêng.
Con bao nhiêu tuổi được tự giữ tiền lì xì?
Nếu cha mẹ giữ tiền lì xì của trẻ để tiết kiệm hoặc quản lý giúp, điều này có phù hợp với quy định về quyền sở hữu tài sản của trẻ em theo Bộ luật Dân sự và Luật Trẻ em không, thưa Luật sư?
Luật sư Đào Thị Bích Hường: Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “trẻ em (người chưa thành niên) có quyền sở hữu tài sản do mình tạo ra, được tặng cho, thừa kế, hoặc các nguồn thu nhập hợp pháp khác”. Điều 21 Luật Trẻ em 2016 cũng khẳng định quyền tài sản là một trong các quyền cơ bản của trẻ em, bao gồm việc quản lý và sử dụng tài sản phù hợp với độ tuổi. Như vậy, tiền lì xì là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của trẻ em.
Việc cha mẹ giữ tiền lì xì của con được hiểu là cha mẹ quản lý tiền lì xì của con nhưng không đem số tiền này vào sử dụng trái mục đích của người cho. Do đó, mặc dù con được quyền có tài sản riêng nhưng để xem xét, cha mẹ có được giữ tiền lì xì của con để “tiết kiệm” hoặc quản lý giúp thì cần căn cứ yếu tố về tuổi và năng lực hành vi dân sự.
Cha mẹ được giữ tiền của con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên nhờ cha mẹ quản lý hộ. Nếu tiền lì xì của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự thì cha mẹ được giữ, quản lý. Khi con đủ 15 tuổi hoặc khi con khôi phục lại năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì cha mẹ phải giao lại tiền lì xì cho con, trừ trường hợp có thoả thuận khác giữa cha mẹ và con.
Nếu cha mẹ giữ tiền mà không có sự đồng ý hoặc không minh bạch về mục đích sử dụng, hành vi này có thể bị xem là vi phạm quyền sở hữu tài sản của trẻ. Nếu sử dụng tiền của trẻ vì mục đích cá nhân, đây là hành vi không đúng với pháp luật và có thể bị khiếu nại bởi chính trẻ hoặc người giám hộ hợp pháp khác.
Tiền lì xì và câu chuyện bảo vệ quyền lợi cho trẻ dưới góc nhìn pháp lý
Trong trường hợp cha mẹ không trả lại tiền lì xì khi trẻ yêu cầu, hành động này có thể bị coi là xâm phạm quyền lợi của trẻ em theo pháp luật không?
Luật sư Đào Thị Bích Hường: Trong trường hợp cha mẹ không trả lại tiền lì xì khi trẻ yêu cầu, hành động này có thể bị coi là xâm phạm quyền lợi của trẻ em theo pháp luật.
Theo Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì hành vi bạo lực về kinh tế được quy định như sau: "Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: (i) Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình”…
Như vậy, cha mẹ tự ý lấy tiền lì xì của con (không được con đồng ý) phục vụ cho mục đích khác (không vì lợi ích của con) có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng về lỗi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.
Trẻ em có thể nhờ cơ quan nào can thiệp để bảo vệ quyền của mình, thưa Luật sư?
Luật sư Đào Thị Bích Hường: Có rất nhiều cơ quan, tổ chức mà trẻ em có thể liên hệ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
- Công an địa phương: Tiếp nhận và xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em.
- Uỷ ban Nhân dân các cấp: Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em trên địa bàn.
- Trung tâm Công tác xã hội: Cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ trẻ em trong các tình huống khó khăn.
- Đường dây nóng bảo vệ trẻ em - Số 111: Đây là kênh tư vấn và hỗ trợ miễn phí, hoạt động 24/7, nơi trẻ em và người lớn có thể báo cáo các trường hợp vi phạm quyền trẻ em.
- Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR): Là tổ chức xã hội chuyên nghiệp về bảo vệ quyền trẻ em, VACR hoạt động trên phạm vi toàn quốc, góp phần thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em khỏi các vi phạm.
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của trẻ em.
Luật pháp khuyến khích nhưng không có quy định cụ thể nào về việc cha mẹ giảng dạy tài chính cho trẻ từ sớm. Việc dạy trẻ cách quản lý tiền lì xì có ý nghĩa như thế nào đối với việc giáo dục tài chính cá nhân?
Luật sư Đào Thị Bích Hường: Việc dạy trẻ cách quản lý tiền lì xì có ý nghĩa rất lớn đối với việc giáo dục tài chính cá nhân, bởi giáo dục tài chính cá nhân là một yếu tố quan trọng trong việc chuẩn bị cho trẻ đối mặt với những thách thức tài chính trong tương lai.
Dạy trẻ quản lý tiền lì xì cũng là một cách dạy trẻ quản lý tài chính là cách giáo dục rất thông minh mà mỗi bậc cha mẹ nên thực hiện sớm. Điều này giúp trẻ hiểu được giá trị đồng tiền cũng như có ý thức tiết kiệm, tránh chi tiêu hoang phí về sau.
Trong quá trình hình thành kỹ năng quản lý tiền lì xì, trẻ sẽ học cách lập kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm tiền, và đưa ra những quyết định độc lập khi đứng trước các sự lựa chọn hấp dẫn. Đây là những kỹ năng quan trọng giúp trẻ tự lập và thành công trong tương lai.
Do vậy, gia đình nên đề cao và có cách giáo dục sớm về quản lý tiền lì xì giúp trẻ định hình đúng vai trò, hiểu được giá trị mà đồng tiền lì xì mang lại và nhất là biết quản lý tài chính ngay từ khi được dùng tiền lì xì để chi tiêu.
Nếu cha mẹ muốn thay mặt trẻ quản lý tiền lì xì nhưng không làm mất quyền tự chủ của trẻ, họ cần làm gì để việc này phù hợp với quy định pháp luật và đồng thời giúp trẻ học cách sử dụng tiền hợp lý?
Nếu cha mẹ muốn thay mặt trẻ quản lý tiền lì xì nhưng không làm mất quyền tự chủ của trẻ thì cách phù hợp nhất mà vẫn tạo sự thoải mái đó là hãy đề xuất cho trẻ cách sử dụng tiền lì xì, đưa ra kế hoạch chi tiêu hợp lý. Ví dụ như cha mẹ nên nói với trẻ là: “Bố mẹ sẽ giữ hộ con số tiền lì xì này và khi nào con muốn dùng số tiền lì xì này thì con nói với bố mẹ, bố mẹ sẽ cùng con đi mua món đồ mà con thích hoặc con nên dùng số tiền này mua sách, tiết kiệm để con đi du lịch cùng bạn bè…”
Quan trọng là cha mẹ nên hướng cho trẻ dưới 6 tuổi biết cách mà dòng tiền được sử dụng như thế nào. Trẻ từ 6 tuổi trở lên thì nên được hướng dẫn cách giữ tiền lì xì và sử dụng tiền lì xì này khi trẻ thấy cần thiết. Hoặc có thể thì mua cho trẻ 1 con lợn đất to, và nói với trẻ là: “Con hãy để tiền vào đây và bố mẹ sẽ giữ chú lợn này cho con... và thỉnh thoảng cha mẹ cũng nên hỏi trẻ như: “Con có muốn dùng một phần tiền này để mua quần áo, truyện… hay không? Và con có muốn mẹ dùng một phần tiền này để đóng góp cho chương trình từ thiện hay không?”.
Và, để giúp trẻ học cách sử dụng tiền hợp lý hơn thì cha mẹ cũng nên:
(i) Hướng dẫn và hỗ trợ làm mẫu cho trẻ trong quá trình tự quản lý và chi tiêu tiền;
(ii) Cần tạo cơ hội cho trẻ kiếm tiền và học cách sử dụng tiền một cách hợp lý từ những việc đơn giản nhất;
(iii) Cần kiên nhẫn và tôn trọng những quyết định tài chính của trẻ.
Trân trọng cảm ơn Luật sư!
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất