Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam
Năm 2024 là năm mà Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tập trung vào các mục tiêu ưu tiên trong Chiến lược phát triển Hội tầm nhìn đến năm 2035 đã được thông qua tại Đại hội Đại biểu lần thứ IV Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức thành công vào tháng 12/2023 và kế hoạch thực hiện Chiến lược giai đoạn 2023-2028.
Chiến lược phát triển Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đến năm 2035 được hình thành trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch của các ngành, địa phương triển khai thực hiện nội dung về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em và đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền trẻ em như tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII Đảng cộng sản Việt Nam đề ra để thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn để bảo vệ trẻ em hay Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Chiến lược Hội trong giai đoạn này đã xác định phương châm hành động thân thiện, trách nhiệm, khoa học để phát triển Hội trở thành tổ chức xã hội chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả về bảo vệ quyền của trẻ em trên phạm vi toàn quốc.
Để thực hiện được tầm nhìn đó Hội có sứ mệnh phải tập hợp, đoàn kết công dân, tổ chức ở Việt Nam có tâm huyết, tự nguyện hoạt động vì mục đích làm cho mọi trẻ em được hưởng quyền cơ bản và tham gia ngăn chặn mọi hành vi xâm hại quyền trẻ em.
Tập hợp tiếng nói của trẻ em và các tổ chức xã hội tạo ra các giải pháp bền vững nhằm bảo vệ và nâng cao quyền, hạnh phúc của trẻ em; lấy sự phát triển toàn diện của trẻ em, bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em làm thước đo cho mọi hoạt động.
Mục tiêu tổng quát của Hội giai đoạn này là phát triển tổ chức Hội đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền trẻ em hiệu quả trên phạm vi toàn quốc; làm cầu nối giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức xã hội và trẻ em nhằm đóng góp xây dựng, hoàn thiện, thực hiện chính sách liên quan đến trẻ em và bảo vệ quyền trẻ em; khẳng định vai trò giám sát việc thực hiện quyền trẻ em và hỗ trợ thực hiện quyền trẻ em tại cộng đồng; nâng cao nhận thức và hành vi xã hội trong thực hiện quyền trẻ em; khẳng định vai trò phòng/chống vi phạm pháp luật về trẻ em và quyền trẻ em. Để thực hiện được mục tiêu tổng quát, Chiến lược cũng đã đề ra 08 mục tiêu các chỉ tiêu và giải pháp cụ thể, bao gồm:
Mục tiêu thứ nhất: Tiếp tục phát triển và nâng cao năng lực của tổ chức Hội xứng tầm để thực hiện nhiệm vụ của Hội trong tình hình mới. Phát triển tổ chức Hội theo hướng tổ chức hội hoạt động về lĩnh vực trẻ em nói chung hoặc lựa chọn những hội có mục đích hoạt động tương tự mở rộng thêm nhiệm vụ bảo vệ quyền trẻ em. Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội các cấp trực thuộc Hội thành viên tại các tỉnh/TP để nâng cao chất lượng và quy mô hoạt động về bảo vệ quyền trẻ em tại địa phương.
Mục tiêu thứ hai: Tích cực tham gia xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật liên quan tới trẻ em. Chủ động thu thập thông tin từ các nguồn sẵn có khác nhau về chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em; tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của các tổ chức xã hội và trẻ em đóng góp vào những văn bản chính sách, pháp luật.
Mục tiêu thứ ba: Tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức có thẩm quyền để tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em; tham gia giám sát, đánh giá việc thực hiện khuyến nghị của Ủy ban Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, các cam kết quốc tế/trong nước về bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam.
Mục tiêu thứ tư: Chủ động phát biểu chính kiến và kiến nghị những vấn đề liên quan tới quyền trẻ em. Tiếp nhận các đơn thư, tin báo những vụ/việc liên quan tới quyền trẻ em để có chính kiến phù hợp và tư vấn cho các bậc cha mẹ và trẻ em gặp trường hợp bị xâm hại. Hỗ trợ xử lý trường hợp bảo vệ quyền trẻ em kịp thời, hiệu quả.
Mục tiêu thứ năm: Đẩy mạnh truyền thông, tư vấn, hướng dẫn về thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em theo hướng thân thiện về nội dung, đa dạng về hình thức và phù hợp với từng nhóm đối tượng bao gồm cả truyền thông trực tiếp và trực tuyến. Truyền thông về hình ảnh, hoạt động và tổ chức Hội cũng được ưu tiên thông qua xây dựng các thông điệp truyền thông, chủ trì các hội nghị, hội thảo, trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạp chí của Hội.
Mục tiêu thứ sáu: Phát triển và đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ bảo vệ quyền trẻ em thông qua xây dựng, kiện toàn, mở rộng và nâng cao chất lượng các mô hình, cơ sở tư vấn, cung cấp dịch vụ về giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và bảo vệ trẻ em phù hợp với điều kiện cụ thể.
Mục tiêu thứ bảy: Duy trì, phát triển quan hệ hợp tác quốc tế thông qua xây dựng đề xuất, thực hiện kế hoạch hợp tác bảo vệ quyền trẻ em; chia sẻ bài học kinh nghiệm thúc đẩy quyền trẻ em ở Việt Nam; tổ chức diễn đàn, hội nghị quốc tế về trẻ em tại Việt Nam, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.
Mục tiêu thứ tám: Nâng cao năng lực huy động nguồn lực phù hợp. Đẩy mạnh vận động nguồn lực tổ chức các chương trình hỗ trợ trẻ em thực hiện các quyền của trẻ em (hỗ trợ chăm sóc, trao học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, can thiệp bảo vệ trẻ em bị xâm hại, bạo lực…); củng cố, phát triển mối quan hệ đối tác với các tổ chức, cá nhân lâu năm, tiềm năng hỗ trợ đáp ứng nhu cầu vận động nguồn lực của Hội; tranh thủ các cơ hội hỗ trợ kinh phí đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan Nhà nước giao nhằm bảo vệ quyền trẻ em.
Ngay sau khi ban hành Chiến lược, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực của Hội về xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu chiến lược về bảo vệ trẻ em trong giai đoạn 5 năm từ 2023-2028 và việc đánh giá, giám sát thực hiện chiến lược trong năm 2024. Mục tiêu về bảo vệ trẻ em tập trung vào tăng cường tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan tới trẻ em; phát biểu chính kiến và kiến nghị với các cơ quan Nhà nước; tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em; truyền thông, tư vấn, hướng dẫn về thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em. Đây chính là mục tiêu cốt lõi để Hội phát triển theo hướng chuyên nghiệp trong bảo vệ quyền trẻ em theo đúng vai trò, trách nhiệm của Hội đã được quy định tại Khoản 4, Điều 92 Luật Trẻ em năm 2016.
Phát biểu tại lớp tập huấn, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa chia sẻ: “Nhà nước vừa ban hành những chủ trương, nghị quyết, chính sách pháp luật mới cần biết để vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong các hoạt động và điều kiện thực tế của các tổ chức Hội như Nghị quyết 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng trong đó đặc biệt nhấn mạnh về trách nhiệm của gia đình, phát triển mạng lưới dịch vụ xã hội trợ giúp trẻ em. Các cơ sở Hội ở địa phương cần sử dụng được các thông tin, nguồn lực có sẵn, dựa vào tình hình trẻ em ở địa phương để có kế hoạch mang tính khả thi và có thể đánh giá, giám sát được. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam sẽ nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của các cơ sở Hội địa phương trong quá trình thực hiện các mục tiêu chiến lược đề ra”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà – đại biểu đến từ Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia lớp tập huấn, tôi thấy rất bổ ích dù đã qua công tác rồi nhưng thông qua lớp cũng học được kinh nghiệm từ các anh chị em khác để làm tốt công việc hơn. Tôi cũng rất mong Hội Bảo vệ quyền trẻ em có văn bản đề nghị tham mưu cho Nhà nước để Nhà nước giao trách nhiệm, và tổ chức thêm các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các địa phương thực hiện được kế hoạch, chương trình của mình”.
Với tinh thần “Đoàn kết, Sáng tạo, Hội nhập, Cống hiến vì sự phát triển toàn diện và bảo vệ quyền trẻ em” như Đại hội lần IV đề ra, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và các Hội thành viên sẽ tiếp tục nỗ lực tổ chức triển khai hiệu quả các mục tiêu Chiến lược vì mọi trẻ em Việt Nam đều có quyền được hưởng quyền, không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất