17:25 27/03/2024

Hội nghị Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam lần 2, khóa IV: Kiện toàn Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An

Ngày 27/3, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần 2, khóa IV nhiệm kỳ 2023-2028.

Tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; các Phó Chủ tịch Hội: Ông Hà Đình Bốn, ông Lương Thế Khanh, ông Đặng Hoa Nam, bà Cao Thị Thanh Thủy; cùng sự tham dự của các Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

nguyenthithanhhoa
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã thông tin tới các đại biểu về những quyết sách quan trọng liên quan đến việc bảo vệ quyền trẻ em. Đồng thời đề nghị, tại Hội nghị này, các ủy viên BCH Hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến vào các văn bản: Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV và nhiệm vụ công tác năm 2024; Quy chế làm việc của BCH, BTV; Hướng dẫn thi hành Điều lệ; Quy chế của Ban Kiểm tra.

Tại Hội nghị, ông Hà Đình Bốn – Phó Chủ tịch Hội trình bày nội dung triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV và nhiệm vụ công tác năm 2024, với 8 mục tiêu cơ bản.

Mục tiêu 1, phát triển và nâng cao năng lực tổ chức Hội: Cụ thể, đến hết năm 2028, có ít nhất 10 tổ chức hội ở các tỉnh/thành phố mới được thành lập hoặc lồng ghép việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền trẻ em trong chức năng, nhiệm vụ; Thành lập ít nhất 5 Chi hội luật sư bảo vệ quyền trẻ em/ CLB/nhóm bảo vệ quyền trẻ em mới; Mạng bảo vệ quyền trẻ em (CRnet) do Hội điều phối trở thành mạng lưới các tổ chức xã hội có uy tín, năng lực trong bảo vệ trẻ em; Đến cuối nhiệm kỳ, 100% tổ chức Hội các cấp địa phương được nâng cao nhận thức và năng lực về lồng ghép thực hiện nhiệm vụ được giao quy định tại Điều 92 Luật Trẻ em trong kế hoạch hoạt động hàng năm; Hàng năm, tổ chức giám sát hoạt động tổ chức ít nhất 3 Hội cơ sở/Chi hội/đơn vị trực thuộc.

luatsuhadinhbon
Ông Hà Đình Bốn – Phó Chủ tịch Hội trình bày nội dung triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV và nhiệm vụ công tác năm 2024

Mục tiêu 2, tăng cường tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan tới trẻ em: Theo đó, đảm bảo 100% các văn bản do các cơ quan chức năng gửi đến hàng năm được Hội đóng góp ý kiến; Đến cuối nhiệm kỳ, có ít nhất 2 nghiên cứu, khảo sát, đánh giá được thực hiện để sử dụng hiệu quả cho nhiệm vụ tư vấn, góp ý chính sách về bảo vệ quyền trẻ em của Hội; Đến cuối nhiệm kỳ, đảm bảo 100% các văn bản do các cơ quan chức năng gửi đến Hội lấy ý kiến được Hội đóng góp ý kiến.

Mục tiêu 3, tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em: Cụ thể, hàng năm, tham gia tích cực, có trách nhiệm 100% các cuộc giám sát thực hiện quyền trẻ em theo đề nghị của các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền; Tham gia giám sát, đánh giá việc thực hiện khuyến nghị của Ủy ban Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, các cam kết quốc tế/trong nước về bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam.

Mục tiêu 4, phát biểu chính kiến và kiến nghị với các cơ quan Nhà nước: Đến cuối nhiệm kỳ, có ít nhất 90% các vụ việc vi phạm quyền trẻ em gửi đến Hội được tư vấn và phát biểu chính kiến có hiệu lực, hiệu quả.

Mục tiêu 5, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em: Đến cuối nhiệm kỳ, tăng ít nhất 20% số trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc được tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền trẻ em so với nhiệm kỳ trước; Hàng năm tổ chức ít nhất 01 sự kiện truyền thông về bảo vệ trẻ em gắn với hoạt động an sinh xã hội; Đến cuối nhiệm kỳ, ký kết thỏa thuận hợp tác với ít nhất 05 cơ quan, tổ chức về thúc đẩy thực hiện và bảo vệ các quyền của trẻ em; Đến cuối nhiệm kỳ, có ít nhất từ 5-10 hiệp hội, doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh có hợp tác với Hội được tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền trẻ em.

Mục tiêu 6, phát triển các hoạt động, dịch vụ tư vấn, hướng dẫn thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em: Đến năm 2025 thành lập cơ quan nghiên cứu và đào tạo về quyền trẻ em trực thuộc Hội BVQTEVN; Mở rộng, nâng cao chất lượng các mô hình, cơ sở tư vấn, cung cấp dịch vụ về giáo dục, phòng ngừa và ngăn chặn nguy cơ, bảo vệ trẻ em; Hướng dẫn, phát triển các CLB trẻ em thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em tại trường học và cơ sở giáo dục; Đến cuối nhiệm kỳ có 10% cha mẹ có con dưới 16 tuổi và người chăm sóc trẻ mới (ở các nhóm trẻ, cơ sở bảo trợ xã hội) được tập huấn về phương pháp kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ.

Mục tiêu 7, duy trì, phát triển quan hệ hợp tác quốc tế: Đến cuối nhiệm kỳ, tăng ít nhất 20% số đối tác quốc tế có hợp tác với Hội so với nhiệm kỳ III; Duy trì hiệu quả mối quan hệ hợp tác với các đối tác có sẵn của Hội.

Mục tiêu 8, nâng cao năng lực huy động nguồn lực phù hợp: Đến cuối năm 2024, đảm bảo 100% cơ sở Hội được tập huấn về kỹ năng vận động nguồn lực; Hàng năm tăng 10% số trẻ em được hưởng lợi từ các sự kiện, chương trình do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và các hội địa phương triển khai; Đến cuối nhiệm kỳ, vận động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tăng 20% so với nhiệm kỳ trước.

hội bảo vệ quyền trẻ em việt nam
Toàn cảnh Hội nghị Ban Chấp hành lần 2, khóa IV nhiệm kỳ 2023-2028 của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Tại Hội nghị, các ủy viên BCH Hội đã thảo luận, đưa ra ý kiến bổ sung kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2024 của BCH Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; Quy chế hoạt động của BCH, Ban Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khoá IV và phân công nhiệm vụ của các ủy viên Ban Thường vụ, BCH khóa IV; Quy chế làm việc của Ban Kiểm tra Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khoá IV; Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội (Khóa IV); Bầu bổ sung nhân sự BCH, Ban Thường vụ khoá IV, nhiệm kỳ 2023-2028.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai BCH khóa IV nhiệm kỳ 2023-2028. Theo đó, Nghị quyết Hội nghị giao: Ban Thường vụ tiếp thu, hoàn thiện để ban hành các văn bản, bao gồm: Quy chế hoạt động của BCH, Ban Thường vụ phân công nhiệm vụ của Ủy viên Ban Thường vụ, BCH; Quy chế làm việc của Ban Kiểm tra; Hướng dẫn thực hiện Điều lệ.

Thống nhất kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV (văn bản số 12/KH-HBVQTE ngày 23/01/2024) và nhiệm vụ năm 2024 của BCH. Đồng thời bổ sung một số hoạt động trọng tâm: Bám sát Chỉ thị 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc để triển khai các nhiệm vụ.

Các hội thành viên tích cực, chủ động triển khai Nghị quyết Đại hội theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của địa phương mình; Tiếp tục vận động các địa phương phát triển tổ chức Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam theo hướng bổ sung nhiệm vụ đối với các Hội cùng chung tôn chỉ, mục đích.

Chú trọng công tác phát triển hội viên cá nhân; tập trung phát triển ở những nơi chưa có tổ chức Hội và tại các địa phương. Nghiên cứu thành lập viện/trung tâm nghiên cứu về bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; Tăng cường phối hợp liên ngành để triển khai tốt nhiệm vụ của Hội. Cụ thể: Nghiên cứu để phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để triển khai chương trình: Kỷ luật tích cực; phòng chống bạo lực gia đình và Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam,…

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức Chương trình “Thắp sáng những ước mơ - Tri ân đồng bào, chiến sĩ Điện Biên” hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; triển khai các hoạt động nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2024; Phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và một số đơn vị để tổ chức Chương trình “Tết ấm cho em” năm 2024; Tiếp tục phối hợp với Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn tăng cường năng lực về bảo vệ trẻ em cho cán bộ Hội mạng lưới xã hội tham gia bảo vệ trẻ em năm 2024; Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế trong và ngoài nước về bảo vệ trẻ em.

Hội nghị đã tiến hành bầu bổ sung nhân sự tham gia BCH, Ban Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bắc Kạn được bầu vào BCH Hội nhiệm kỳ 2023-2028; Bà Nguyễn Thu Hà, Uỷ viên BCH - Chánh văn phòng Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam được bầu vào Ban Thường vụ Hội nhiệm kỳ 2023-2028.

hoibaovequyentreemvietnam
Hội nghị Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam lần 2, khóa IV nhiệm kỳ 2023-2028 đã thành công tốt đẹp.

Phát biểu bế bạc Hội nghị, Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thanh Hòa trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu tại Hội nghị. Đồng thời khẳng định, Ban Chấp hành Hội sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dần trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội. 

Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thanh Hòa yêu cầu, về tổ chức Hội, các Hội địa phương cần chú trọng công tác phát triển hội viên cá nhân; Về nguồn lực, phải cố gắng hết sức làm tốt nhiệm vụ được giao; Chú trọng công tác thi đua, khen thưởng; Đề nghị các báo cáo ở địa phương đều phải tiếp cận từ góc độ quyền trẻ em;....

Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thanh Hòa cũng đề nghị các ủy viên BCH Hội đoàn kết thực hiện tốt các nhiệm vụ Đại hội IV đã đề ra, với tinh thần “Đoàn kết, Sáng tạo, Hội nhập, Cống hiến vì sự phát triển toàn diện và đảm bảo quyền trẻ em”. 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận