Dạy trẻ thời đại số: Đừng chỉ cảnh báo, hãy trao bản lĩnh, yêu thương và kháng thể tinh thần
Trong bối cảnh trẻ em ngày càng tiếp xúc sớm với môi trường số, nhiều cha mẹ bày tỏ lo lắng về những rủi ro tiềm ẩn từ Internet. Tuy nhiên, theo TS. Giang Thiên Vũ, việc “cách ly” hoàn toàn trẻ khỏi môi trường mạng không phải là giải pháp, mà thay vào đó, phụ huynh nên giúp con xây dựng “kháng thể tinh thần”, phát triển trí tuệ cảm xúc và năng lực tự bảo vệ bản thân.
Nhiều cạm bẫy từ mạng xã hội
Theo khảo sát "Tiếng nói trẻ em Việt Nam" năm 2024 do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) phối hợp cùng Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế thực hiện, có tới 83,9% trẻ em tham gia khảo sát sử dụng điện thoại, và 86,1% có tài khoản mạng xã hội. Những con số này cho thấy mức độ phổ cập đáng kể của thiết bị thông minh và môi trường trực tuyến trong đời sống trẻ em hiện nay.
Tuy nhiên, trẻ em – đối tượng còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm xã hội – lại là nhóm dễ tổn thương nhất khi tham gia môi trường mạng. Nếu thiếu sự định hướng và giám sát chặt chẽ từ phụ huynh, các em có thể vô tình tiếp cận hoặc bị tác động bởi những nội dung độc hại, như hình ảnh khiêu dâm, video bạo lực, thông tin sai lệch...
Ở một mức độ ít đáng lo ngại hơn, trẻ có thể sử dụng quá mức và rơi vào tình trạng nghiện Internet, hoặc để lộ những thông tin riêng tư, thông tin cá nhân, gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của trẻ, cũng như của gia đình.
Đặc biệt trong giai đoạn dậy thì, trẻ dễ bị lôi kéo bởi mong muốn khẳng định bản thân, thể hiện trước cha mẹ, thầy cô, bạn bè – từ đó dễ dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc, thậm chí là hành động sai trái khi bị kích động bởi các luồng nội dung tiêu cực trên mạng xã hội.
Thực tế cho thấy, không ít trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái ở vùng sâu, vùng khó khăn, đã trở thành nạn nhân của các chiêu trò dụ dỗ qua mạng. Lợi dụng sự nhẹ dạ, thiếu cảnh giác của các em, các đối tượng xấu đã giả danh tuyển dụng, đưa ra lời mời "việc nhẹ, lương cao" để dụ dỗ rồi lừa bán hoặc bóc lột sức lao động.

Một trường hợp cụ thể xảy ra gần đây vào tháng 03/2025, tỉnh Nghệ An đã phối hợp và bàn giao hai em nhỏ trú tại Đắk Lắk bị một đối tượng lạ quen qua mạng xã hội dụ dỗ ra Bắc làm việc. Sau khi trốn nhà bắt xe khách di chuyển được quãng đường hơn 1.000km ra Hà Nội,, hai em nhận thông tin gia đình đang tổ chức tìm kiếm, lo sợ bị lừa bán ra nước ngoài nên đã liên hệ với người thân. Nhờ được hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời, hai em đã an toàn quay trở về.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn như vậy. Trên thực tế, đã có những trẻ bị lừa bán ra nước ngoài, chịu nhiều tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần, trước khi được lực lượng chức năng giải cứu hoặc tìm cách thoát thân để tố cáo những kẻ đã lừa gạt mình.
Cha mẹ nên đồng hành cùng con
Thực trạng này là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh, trong việc trang bị cho trẻ kỹ năng số an toàn, sự tỉnh táo trước cám dỗ ảo và khả năng tự bảo vệ mình trong thế giới thực lẫn thế giới mạng.
Điều đáng lo ngại là nhiều phụ huynh hiện nay vẫn tiếp cận việc giáo dục công nghệ bằng phương pháp cũ: cấm đoán, giới hạn thời gian sử dụng thiết bị, theo dõi tài khoản mạng xã hội… Tuy nhiên theo chuyên gia tâm lý TS. Giang Thiên Vũ, Giảng viên Khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, những biện pháp này nếu không gắn với sự lắng nghe và thấu hiểu, có thể vô tình tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái.
“Cha mẹ nên hiểu rằng, trẻ không cần bị kiểm soát mà cần được đồng hành. Khi con gặp một nội dung độc hại hoặc bị tổn thương tâm lý trên mạng, điều con mong nhất không phải là bị trách mắng, mà là cảm giác được lắng nghe, được bảo vệ”, vị chuyên gia nói.
Hành động này không giải quyết được vấn đề, mà trên thực tế càng làm trẻ thêm tò mò, giấu diếm, cũng như có tâm lý né tránh khi nói về các chủ đề nhạy cảm. Từ đó khiến trẻ dễ trở thành nạn nhân của những "cạm bẫy", đang chực chờ sẵn trên không gian mạng.

TS. Giang Thiên Vũ đưa ra lời khuyên, thay vì ngăn cấm cực đoan, nuôi dạy con thông minh đòi hỏi người lớn phải chuyển vai trò từ “người giám sát” sang “người đồng hành”, cùng con đi qua quá trình trưởng thành số bằng sự thấu hiểu và hỗ trợ tích cực.
Đầu tiên, cha mẹ cần biết lắng nghe chủ động và không phán xét, nhất là khi trẻ kể về những trải nghiệm tiêu cực trên mạng. Sự đồng cảm sẽ là chỗ dựa tâm lý vững chắc, giúp con cảm thấy được chia sẻ thay vì bị trách mắng.
Thứ hai, thay vì áp đặt quy tắc, hãy để trẻ cùng tham gia xây dựng nguyên tắc sử dụng mạng xã hội - từ thời gian truy cập, nội dung phù hợp đến cách cư xử văn minh. Điều này giúp con rèn luyện khả năng tự điều chỉnh và cảm thấy được tôn trọng.
Cuối cùng, cha mẹ cần chú trọng phát triển trí tuệ cảm xúc và kỹ năng ứng phó tình huống cho trẻ, bằng cách cùng con thực hành các tình huống giả định như: phản ứng thế nào khi bị bắt nạt mạng, cách nhận diện lời dụ dỗ, hay tìm ai để nhờ giúp đỡ khi gặp nguy hiểm.
Quan trọng hơn cả, sự hiện diện cảm xúc của cha mẹ chính là “lá chắn mềm” nhưng mạnh mẽ nhất – giúp con hồi phục khi tổn thương và đủ vững vàng để tự bảo vệ mình trong thế giới số đầy cạm bẫy.
Cần sự chung tay vào cuộc của cả xã hội
Theo TS. Giang Thiên Vũ, để xây dựng một hệ sinh thái số an toàn, lành mạnh và thông minh – nơi trẻ em có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình – cần có sự hợp tác hiệu quả giữa bốn trụ cột: gia đình, nhà trường, doanh nghiệp công nghệ và chính bản thân trẻ em.
Gia đình là nơi đặt nền móng đầu tiên cho các giá trị sống, cảm xúc và hành vi của trẻ, vì vậy cần được trang bị kiến thức và kỹ năng thông qua các lớp học dành cho phụ huynh, giúp họ biết cách trở thành người bạn đồng hành cùng con trong thế giới số.
Nhà trường đóng vai trò là môi trường chính quy để giáo dục kỹ năng số, với đội ngũ giáo viên được tập huấn bài bản về an toàn mạng và tâm lý học số. Doanh nghiệp công nghệ cũng cần thể hiện trách nhiệm xã hội, không chỉ thông qua việc minh bạch thuật toán hay thiết kế sản phẩm phù hợp với trẻ em, mà còn bằng cách cung cấp các công cụ hỗ trợ kiểm soát lành mạnh cho phụ huynh và nhà trường. Đặc biệt, trẻ em cần được xem là một chủ thể có quyền, có tiếng nói và có khả năng tham gia vào quá trình xây dựng môi trường mạng an toàn – không phải chỉ là đối tượng được bảo vệ thụ động.
Để những định hướng này đi vào thực tiễn, rất cần có các cơ chế đối thoại liên ngành thường xuyên, kết nối giữa nghiên cứu học thuật, chính sách công và hành động thực tế – để mọi nỗ lực bảo vệ trẻ em trên không gian mạng không chỉ dừng ở khẩu hiệu, mà trở thành cam kết và hành động bền vững.
(Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện)
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất