13:53 27/05/2024

ĐBQH Nguyễn Duy Thanh nêu ba ý kiến tâm huyết về bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi người lao động

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Vũ Thêu

Để hạn chế rút Bảo hiểm xã hội một lần, cần nghiên cứu phương án hỗ trợ cho vay tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với người lao động thực sự khó khăn mà có xác nhận của doanh nghiệp, với thủ tục đơn giản, thuận lợi.

Trong phiên thảo luận sáng 27/5 tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban TVQH về dự án Luật Bảo hiểm xã hội. Đây là dự án luật khó, với nhiều chính sách mới, phức tạp liên quan đến cải cách chính sách tiền lương, đang được đông đảo người lao động, người sử dụng lao động và dư luận xã hội quan tâm.

Đồng thời vị đại biểu đoàn Cà Mau đóng góp thêm một số ý kiến:

Về giảm trừ lương hưu do nghỉ hưu sớm: Qua thực tế tìm hiểu nguyện vọng của người lao động và ý kiến của nhiều hiệp hội ngành nghề trong quá trình tham gia góp ý kiến dự án Luật BHXH sửa đổi đề nghị cần nghiên cứu, kế thừa quy định của Luật BHXH 2006 : người lao động có thời gian đóng BHXH trên 20 năm, được nghỉ hưu sớm và mỗi năm nghỉ sớm sẽ bị trừ 1%.

Theo tôi, dự thảo Luật sửa đổi lần này cần bổ sung quy định cho phép người lao động nghỉ hưu sớm với thời gian sớm tối đa 5 năm so với tuổi nghỉ hưu (theo lộ trình quy định tại Bộ luật lao động, nam đạt 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đạt 60 tuổi vào năm 2035) và đã đóng đủ 30 năm BHXH đối với nữ và 32 năm đối với nam thì được nghỉ hưu và hưởng mức tối đa 75%  và bổ sung quy định hoán đổi thời gian đóng bảo hiểm xã hội để nghỉ hưu sớm, không bị trừ 2% lương hưu mỗi năm do nghỉ hưu sớm.

Theo đó, nếu từ năm đóng bảo hiểm xã hội thứ 31 trở đi đối với nữ và 33 trở đi đối với nam, thì cứ tăng thêm 1 năm đóng bảo hiểm xã hội được hoán đổi 1 năm nghỉ trước tuổi. Kiến nghị này xuất phát từ thực tiễn, hàng trăm nghìn công nhân trên 50-55 tuổi, sau nhiều năm trực tiếp đứng xưởng sản xuất, sức khỏe giảm sút, khó đáp ứng yêu cầu công việc.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyền dụng lực lượng lao động trẻ, đáp ứng yêu cầu sản xuất nên cũng cho một bộ phận lao động nghỉ việc ở tuổi 45-50. Việc điều chỉnh linh hoạt như vậy, thì mới khuyến khích được người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, hạn chế rút BHXH một lần ở những người đã có 20-25 năm đóng BHXH do thời gian chờ hưởng lương hưu quá dài như hiện nay, thì đa số công nhân lao động khó có thể tham gia BHXH cho đến khi đạt độ tuổi nghỉ hưu là 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ.

daibieuquochoinguyenduythanh
Đại biểu Nguyễn Duy Thanhy (đoàn Cà Mau) phát biểu tại Quốc hội sáng 27/5/2024. Ảnh: quochoi.vn

Về đánh giá mức độ hài lòng đối với dịch vụ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp: Dự thảo Luật trình QH tại kỳ 7 đã bổ sung vào khoản 1 Điều 17 quy định trách nhiệm của cơ quan BHXH về việc tổ chức đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và trách nhiệm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Ban hành chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Đây là 02 quy định rất mới lần này, thể hiện sự kịp thời thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023.

Tuy nhiên, để thế chế hóa đầy đủ tinh thần này của Nghị quyết số 42 cần xây dựng thành 01 điều riêng với các nguyên tắc, tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng của người lao động, doanh nghiệp trong việc tổ chức thực hiện BHXH, BHTN, BHYT, cụ thể có 03 khía cạnh cần đánh giá:

Thứ nhất, nhận định, đánh giá của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm giải quyết BH thất nghiệp;

Thứ hai, Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan, tổ chức;

Thứ ba, nhu cầu, mong đợi của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan, tổ chức. Bên cạnh đó, cần có quy định ưu tiên áp dụng các hình thức đánh giá trực tuyến qua các phần mềm, tại bộ phận giao dịch với người dân, doanh nghiệp; hạn chế các hình thức đánh giá bằng bảng hỏi, phát phiếu điều tra sẽ gây tốn kém kinh phí của quỹ BHXH và không kịp thời, nhanh chóng và đáp ứng yêu cầu của công tác chuyển đổi số mà Chính phủ đang triển khai.

Về mức hỗ trợ cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội: Theo quy định của  Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, mức hỗ trợ đối với nhóm lao động yếu thế được tính trên chuẩn nghèo khu vực nông thôn hiện nay là quá thấp. Giai đoạn 2021-2025, chuẩn nghèo theo tiêu chí thu nhập khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/tháng. Theo đó, hộ nghèo được hỗ trợ 30%; hộ cận nghèo được hỗ trợ bằng 25% và đối tượng khác được hỗ trợ 10%. Số tiền cụ thể, tương ứng là 99.000 đồng/tháng 82.500 đồng/tháng và 33.000 đồng/tháng.

Mức hỗ trợ thấp như vậy không đủ động lực khuyến khích người lao động tham gia BHXH tự nguyện nên trong nhiều năm qua, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện chiếm tỷ lệ đặc biệt thấp trong tổng lực lượng lao động. Mặc dù được triển khai từ năm 2008, nhưng sau 15 năm, hiện nay, số người tham gia BHXH tự nguyện mới đạt hơn 1,4 triệu người, bằng 3,17% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Bên cạnh đó, khi điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước đã có bước phát triển, dự thảo Luật bên cạnh việc đã bổ sung chính sách trợ cấp thai sản với mức là 02 triệu đồng thì cần bổ sung quy định về việc nâng mức hỗ trợ Nhà nước lên cao hơn và căn cứ tính hỗ trợ là mức chuẩn nghèo khu vực thành thị hoặc mức lương tối thiểu vùng thấp nhất để nông dân, lao động khu vực phi chính thức, người thu nhập thấp, nghèo, cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện nhiều hơn đúng như tinh thần Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và nghị quyết 42 về Chính sách xã hội đã đề ra và để không ai bị bỏ lại phía sau, lọt ra ngoài mạng lưới an sinh xã hội.

Để hạn chế rút BHXH một lần, cần nghiên cứu phương án hỗ trợ cho vay tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với người lao động thực sự khó khăn mà có xác nhận của doanh nghiệp, với thủ tục đơn giản, thuận lợi. Việc hỗ trợ cho vay này cũng cần dựa theo thời gian đóng BHXH, nếu thời gian đóng càng lâu càng được vay nhiều hơn. Ví dụ, nếu lãi suất cho vay bình quân là 7 – 8% thì người lao động sẽ được vay với lãi suất chỉ 2 – 3%; người lao động có 5 năm đóng BHXH sẽ được hỗ trợ vay một lần tối đa 30 triệu đồng, có 10 năm đóng BHXH sẽ được hỗ trợ vay tối đa lên 50 triệu đồng, 15 năm được vay tối đa 100 triệu đồng... Khi đó, người lao động sẽ ít tính đến phương án rút BHXH một lần.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận