Đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục cụ thể hóa các điều luật khi trẻ em tham gia giao thông
Đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ liên quan trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật, tiếp tục cụ thể hoá các nguyên tắc này để bảo vệ trẻ em tốt nhất.
Thiết bị an toàn trên xe phải phù hợp lứa tuổi
Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết: So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 89 điều, số chương giữ nguyên và tăng 8 điều do bổ sung 5 điều mới.
Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đạt được sự đồng thuận cao giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
Về quy tắc giao thông đường bộ (Chương II), nhiều ĐBQH góp ý về các quy định liên quan đến bảo vệ trẻ em, về chấp hành tín hiệu đèn giao thông, về xe ưu tiên và các ý kiến góp ý về kỹ thuật văn bản đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, giải trình phù hợp.
Đối với các ý kiến góp ý liên quan đến bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu theo hướng: ưu tiên tốt nhất cho việc bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em khi ngồi trên xe ô tô (ghế trẻ em sơ sinh, ghế trẻ em nhỏ, đệm nâng) phải phù hợp với độ tuổi và thể trạng thực tế của trẻ em Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa thống nhất cơ bản với Điều 7 của dự thảo Luật liên quan đến nội dung và trách nhiệm giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Tại khoản 3 quy định trường THPT và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì, phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh tại cơ sở giáo dục đó.
Đại biểu Mai Thoa cũng cho biết, về bảo đảm an toàn cho trẻ em tham gia giao thông đường bộ, dự thảo Luật lần này có nhiều quy định đảm bảo an toàn cho trẻ em cả khi ngồi trên xe ô tô, xe máy và xe đạp. Đề nghị Chính phủ và các bộ liên quan trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật, tiếp tục cụ thể hoá các nguyên tắc này để bảo vệ tốt nhất cho trẻ em.
Về giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Điều 7), quy định "Giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non, học sinh, sinh viên, người học trong các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân".
Trong đó, tại khoản 3 Điều 7, quy định "Trường trung học phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì, phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh tại cơ sở giáo dục đó".
Đại biểu Mai Thoa đề nghị cân nhắc "vai trò chủ trì" của cơ sở giáo dục, bởi việc xây dựng nội dung chương trình dạy học, bố trí giáo viên, đào tạo nghiệp vụ kỹ năng lái xe gắn máy để truyền đạt cho học sinh, phương tiện để hướng dẫn… đều thích hợp giao cho lực lượng cảnh sát giao thông chủ trì.
Các cơ sở giáo dục chỉ "phối hợp" để bố trí thời gian và địa điểm cho học sinh tham gia học tập.
Bên cạnh đó, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa nhận thấy tại Điều 11 về quy tắc chung trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp 6 có nội dung trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m được chở trên xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi thì không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ.
Nhưng nội dung này không còn trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng đây là nội dung quan trong và cần thiết, và đề nghị cân nhắc giữ lại nội dung này trong dự thảo Luật.
Cần hướng dẫn lái xe an toàn cho học sinh Tiểu học, THCS
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng cần thiết phải bổ sung hướng dẫn kỹ năng lái xe đạp an toàn cho học sinh Tiểu học, kỹ năng lái xe đạp điện an toàn cho học sinh THCS
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho biết, tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao sự cần thiết phải ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để thể chế hóa quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, nhất là Chỉ thị số 23 ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.
Để góp phần hoàn thiện quy định của dự thảo luật, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh góp ý vào Khoản 11, Điều 3 giải thích cụm từ thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy điều khiển giao thông.
Theo đó, việc giải thích là cần thiết. Tuy nhiên, ngoài thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy điều khiển giải quyết các tình huống giao thông thì dự thảo Luật cần thiết bổ sung việc sử dụng thiết bị thông minh để xử lý các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Vì thực tế hiện nay, chúng ta đang tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, camera trong xử lý vi phạm giao thông đường bộ.
Về giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tại Điều 7 dự thảo Luật, các khoản 1, 2, 4 đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng, kết hợp lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong nhà trường từ bậc Mầm non trở lên.
Do đó, để đồng bộ giữa kiến thức pháp luật và kỹ năng thực hành, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị Ban soạn thảo bổ sung việc hướng dẫn kỹ năng lái xe đạp an toàn cho học sinh Tiểu học, kỹ năng lái xe đạp điện an toàn cho học sinh THCS vào quy định tại Khoản 3, Điều 7.
Về các hành vi bị nghiêm cấm quy định ở Điều 10 tại khoản 19, đề nghị cân nhắc thay cụm từ phá hoại, hủy hoại làm hư hỏng bằng cụm từ hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng để thống nhất với quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Do đó, khoản 19, Điều 10 sửa lại thành hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng thiết bị điều khiển, giám sát giao thông đường bộ, thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy điều khiển giao thông.
Tai nạn giao thông cùng với đuối nước được xác định là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em ở Việt Nam. Ở các nước có thu nhập trung bình và cao, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông ở trẻ em cao hơn gấp 58% so với các nước thu nhập cao.
Trong vòng 10 năm qua, khoảng gần 2.000 trẻ em đã tử vong mỗi năm do tai nạn giao thông tại Việt Nam, chiếm 25% tổng số trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích. Đây là một trong những vấn đề nghiêm trọng đang được Quốc hội tập trung xem xét và đưa ra các biện pháp cụ thể để giảm thiểu các ca tử vong.
(Số liệu được công bố tại hội thảo "Phát triển giao thông bền vững tại Việt Nam trong bối cảnh mới" năm 2024)
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất