17:03 11/11/2022

Ghi nhận thêm 3 ca mắc 'vi khuẩn ăn thịt người', Bộ Y tế ra công văn khẩn

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam My Linh

Ngày 10/11, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho hay, theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh Whitmore (vi khuẩn ăn thịt người) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra.

Trong 3 ca mắc mới đây, ghi nhận 2 ca trẻ em tại thị xã Nghi Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa và một ca người lớn tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Tại Đắk Lắk, bệnh nhân là chị là B.T.H (1982), cư trú tại Vụ Bổn, H. Krông Pắc. Ngày 10/10, bệnh nhân có biểu hiện đau bụng dữ dội phải đi khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Đến đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc áp xe lá lách nên được tiến hành phẫu thuật điều trị.

Sau khi xuất viện về nhà, bệnh nhân vẫn tiếp tục đau bụng. Sau khi khám lại, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh Whitmore trên nền đái tháo đường type 2 và được đưa vào điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Hiện nay, bệnh nhân đang được Khoa Truyền nhiễm phối hợp với Khoa Ngoại tích cực điều trị.

01668160408.png
Sau thời gian điều trị kéo dài vùng má phải bị tổn thương, viêm và rỉ dịch mủ (Ảnh: Internet).

Tại Thanh Hóa, ca bệnh thứ nhất là bé nam (2007), có địa chỉ tại xã Mai Lâm, thị xã Nghi Sơn. Trước đó, bệnh nhân được chuyển đến từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa với chẩn đoán viêm cơ tim cấp, suy đa tạng, shock nhiễm khuẩn. Bệnh khởi phát 4 ngày với biểu hiện sốt cao, ho, nổi ban mẩn từng mảng, kèm theo đau tức ngực bên phải, đau bụng.

Khi bệnh tình chuyển nặng hơn, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Bé được cấp cứu đặt nội khí quản, dùng thuốc vận mạch và kháng sinh, thở máy. Qua ngày thứ 2, tình trạng bệnh vẫn không cải thiện nên được chuyển đến bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị.

Bệnh nhân đã mắc Covid-19 cách đây 5 tháng, không có biểu hiện bệnh gì khác ngoài dị ứng hải sản. Khu vực sống xung quanh nhà có nhiều đất ở sát chân đồi. Trước ngày phát bệnh, em đi học về có bị dính nước mưa. Gia đình và mọi người xung quanh chưa có ai biểu hiện bệnh giống như bé.

Mẫu máu được phát hiện ra trực khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei. Bé được chẩn đoán: Shock nhiễm khuẩn, suy đa tạng, Whitmore.

11668160408.png
Ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh Whitmore (vi khuẩn ăn thịt người) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra (Ảnh: Internet).

Ca bệnh thứ hai là một bé nam (2012), địa chỉ tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống. Bệnh có biểu hiện đầu tiên là sốt, vùng mang tai bị sưng đỏ.

Bé được chẩn đoán viêm tuyến nước bọt bên tai phải và được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống 20 ngày nhưng không tiến triển nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa điều trị. Sau thời gian điều trị kéo dài vùng má phải của bé bị tổn thương, viêm và rỉ dịch mủ.

Khi xuất hiện thêm cục sưng tấy sau tai nên bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại bệnh viện Nhi, bé được chích rạch khối áp xe, cấy dịch mủ từ khối áp xe.

Kết quả cấy dịch mủ đã phát hiện ra trực khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei. Được chẩn đoán áp xe phần mềm vùng trước tai phải/Whitmore.

Trước tình hình trên, Cục Y tế dự phòng đã có Công văn khẩn gửi đến Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa và Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, yêu cầu Sở Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ hơn tình hình bệnh Whitmore (bệnh Melioidosis). Phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, các trường hợp mắc và điều trị trên địa bàn, chú trọng tại các vùng nguy cơ mắc cao, đã có bệnh nhân mắc bệnh Whitmore.

Tổ chức cấp cứu bệnh nhân, điều trị hiệu quả để hạn chế các trường hợp tử vong do bệnh Whitmore. Chỉ đạo các đơn vị y tế tổ chức điều tra, phân tích về các trường hợp mắc bệnh Whitmore, phân tích nguy cơ và lập tức triển khai các biện pháp phòng chống bệnh Whitmore.

Đồng thời, phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng chống Whitmore để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống căn bệnh này. Đưa các trường hợp nghi ngờ bị mắc bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị, đặc biệt chú ý đối với các đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh Whitmore....

Hiện nay, chưa có bằng chứng cụ thể về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người. Bệnh Whitmore là bệnh hiếm, không lây lan thành dịch. Bệnh thường ghi nhận số mắc cao chủ yếu tập trung tại Úc và khu vực Đông Nam Á.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận