10:19 13/03/2025

Giáo dục kỹ năng số cho học sinh: Không chỉ là sử dụng công nghệ, mà là tư duy phản biện và an toàn số

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lại Cường

Giáo dục kỹ năng số cho học sinh góp phần định hình tương lai giáo dục kỹ năng số và an toàn số cho học sinh Việt Nam trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển.

Ngày 12/3/2025, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Meta và Trung tâm Công nghệ Thông tin – Truyền thông Vietnet tổ chức Hội thảo "Giáo dục kỹ năng số và an toàn số cho học sinh trong thời đại trí tuệ nhân tạo".

Sự kiện nhằm chia sẻ kết quả thực hiện dự án hợp tác ba bên trong việc triển khai tập huấn, tổ chức dạy học kỹ năng số, an toàn số cho học sinh; đồng thời tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh và học sinhthảo luận, đóng góp ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả triển khai giáo dục kỹ năng số, an toàn số trong nhà trường.

IMGL9835
Các đại biểu tham gia Hội thảo. Ảnh: Duy Mạnh

Theo thông tin từ Ban tổ chức, những năm gần đây, trong bối cảnh số hóa và Internet phát triển mạnh mẽ, việc nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên trở thành yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo sự tương tác tích cực, xây dựng môi trường số an toàn và văn minh. Giáo dục kỹ năng số và an toàn số cũng được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục.

Trong giai đoạn 2021 – 2024, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cùng với Tập đoàn Meta và Trung tâm Công nghệ Thông tin – Truyền thông Vietnet đã phối hợp triển khai nhiều chương trình hợp tác. Các hoạt động bao gồm nghiên cứu thực trạng giáo dục kỹ năng số tại các trường phổ thông Việt Nam, xây dựng tài liệu giảng dạy và tập huấn giáo viên về kỹ năng số cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tại các tỉnh Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Trà Vinh và Kon Tum. Chương trình đã giúp hàng nghìn giáo viên và học sinh nâng cao nhận thức về bảo mật thông tin, nhận diện rủi ro trực tuyến và sử dụng công nghệ an toàn, có trách nhiệm.

Tại hội thảo, phiên tọa đàm "Giáo dục An toàn số, Kỹ năng số trong thời đại trí tuệ nhân tạo" đã diễn ra với sự tham gia của đại diện các đơn vị nghiên cứu, lãnh đạo Vụ/Cục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các đại biểu.

Nội dung thảo luận tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục an toàn số trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức như lan truyền tin giả, xâm phạm dữ liệu cá nhân, thao túng thông tin và gia tăng tình trạng phụ thuộc vào công nghệ.

IMGL9606
Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, ông Lê Anh Vinh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Duy Mạnh

Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, ông Lê Anh Vinh nhấn mạnh: "Trong hơn ba năm qua, sự hợp tác chặt chẽ giữa Meta, Vietnet ICT và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tạo nên nền tảng vững chắc cho việc nghiên cứu, triển khai các hoạt động giáo dục kỹ năng số và an toàn số hiệu quả. Hôm nay, hội thảo này đánh dấu một dấu ấn quan trọng trong quá trình đó, đồng thời là diễn đàn để chúng ta cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, và đề xuất các giải pháp sáng tạo, góp phần định hình tương lai giáo dục kỹ năng số và an toàn số cho học sinh Việt Nam trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển."

Ông Lê Anh Vinh cũng nhấn mạnh rằng: "Kỷ nguyên số mở ra một chân trời mới cho giáo dục, nơi công nghệ không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là đòn bẩy thay đổi căn bản cách chúng ta tiếp cận tri thức, kết nối và làm việc. An toàn thông tin, đạo đức số, quyền riêng tư và ảnh hưởng của thông tin sai lệch đang trở thành những mối quan ngại hàng đầu. Đặc biệt, đối với thế hệ tương lai – những chủ nhân của đất nước, việc trang bị cho các em những kỹ năng số toàn diện, bao gồm cả khả năng sử dụng công nghệ an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm, là nhiệm vụ cấp thiết, định hình một tương lai số văn minh và bền vững."

“Với vai trò là những người làm giáo dục, chúng ta cần nhìn nhận rằng, việc dạy học kỹ năng số không chỉ đơn thuần là hướng dẫn học sinh cách sử dụng công nghệ, mà quan trọng hơn là giúp học sinh phát triển tư duy phản biện, nhận biết các rủi ro, để hình thành, phát triển thói quen sử dụng công nghệ an toàn và có kĩ năng sử dụng công nghệ một cách tích cực” - GS.TS Lê Anh Vinh nhấn mạnh.

IMGL9752
Ông Đỗ Đức Lân – Phó Trưởng Phòng Quản lý khoa học, đào tạo và hợp tác quốc tế (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Duy Mạnh

Đề cập đến giáo dục an toàn số trong nhà trường, ông Đỗ Đức Lân – Phó Trưởng Phòng Quản lý khoa học, đào tạo và hợp tác quốc tế (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) gợi mở, có thể tích hợp nội dung an toàn số vào trong các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, có thể tổ chức hoạt động học tập theo dự án; tổ chức hoạt động trải nghiệm thông qua câu lạc bộ, tham quan, cuộc thi…

Ông Đỗ Đức Lân khuyến nghị, cần xây dựng văn bản, khung pháp lý quốc gia, trong ngành giáo dục về an toàn số; đồng thời xây dựng các sáng kiến quốc gia nâng cao năng lực an toàn Internet cho học sinh, thầy cô, cha mẹ, học sinh. Mặt khác cần huy động sự tham gia, chung tay của toàn xã hội.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Ruici – Giám đốc Chương trình Chính sách công, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Tập đoàn Meta cho hay, vợ ông là giáo viên và thường dùng AI để tương tác với học trò khi ở nhà.

Với tiềm năng to lớn, AI giúp giáo viên, học sinh trong dạy – học và hỗ trợ chúng ta trong nhiều công việc hàng ngày. Tuy nhiên, ông Ruici cho rằng, cần hiện thực hóa khung năng lực số cho giáo viên, học sinh.

“Tư duy thời đại số thể hiện cam kết của chúng tôi để có một chương trình toàn cầu, cung cấp tài nguyên và các chương trình đào tạo, nhằm xây dựng cộng đồng công dân số có trách nhiệm” - ông Ruici nhấn mạnh.

Giám đốc Chương trình Chính sách công, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho biết, trong giai đoạn 2018 – 2024, Tập đoàn Meta đã phối hợp tổ chức tập huấn về kỹ năng, an toàn và tư duy thời đại số cho 906 nghìn học sinh; trên 70 nghìn giáo viên được tham gia chương trình, hơn 600 trường tổ chức tập huấn, hơn 12 nghìn phụ huynh được tập huấn.

IMGL9928
Các đại biểu đã tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Duy Mạnh

Cũng trong khuôn khổ của hội thảo đã diễn ra Toạ đàm “Giáo dục An toàn số, Kĩ năng số trong thời đại trí tuệ nhân tạo. Đại diện các đơn vị nghiên cứu cùng với lãnh đạo Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT và các chuyên gia, diễn giả đã cùng thảo luận, trao đổi về các giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục an toàn số trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Các chuyên gia cho rằng, sự phổ biến của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục thời gian qua đã mở ra nhiều cơ hội mới, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức như: nguy cơ lan truyền tin giả, xâm phạm dữ liệu cá nhân, thao túng thông tin và gia tăng tình trạng phụ thuộc vào công nghệ.

Hội thảo thu hút gần 80 đại biểu tham dự, bao gồm đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thành, nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách, nhà quản lý giáo dục, giảng viên và giáo viên.

Sự kiện khẳng định tầm quan trọng của việc trang bị kỹ năng số và an toàn số cho học sinh, giúp các em tham gia môi trường số một cách an toàn, có trách nhiệm trong kỷ nguyên công nghệ số phát triển nhanh chóng.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận