Những dấu hiệu cho thấy con bạn đang bị bắt nạt
Khi bị bắt nạt, nhiều đứa trẻ thường giữ thái độ im lặng và không bao giờ nói một lời với bạn bè, thậm chí là cả những người lớn thân cận vốn có khả năng giải quyết như cha mẹ.
Ciandra St. Kitts, LCSW, một nhân viên xã hội lâm sàng chuyên về lo âu xã hội, gia đình và thách thức trong việc nuôi dạy con cái cho biết: “Cha mẹ cần phải sử dụng tốt “kỹ năng thăm dò”, đặt nhiều câu hỏi và quan sát phản ứng phi ngôn ngữ để đánh giá xem liệu con mình có đang kìm hãm sự việc gì hay không”.
Khi bị bắt nạt, có nhiều lý do khiến trẻ im lặng, một trong số đó là do trẻ cảm thấy xấu hổ và đau đớn. Có thể trẻ cảm thấy phải trải qua cảnh bị bắt nạt khi nói ra, lo lắng rằng những người khác sẽ đồng tình với kẻ bắt nạt hoặc tin rằng trẻ đáng bị đối xử như thế.
Đôi khi trẻ cũng lo lắng rằng, việc nói với ai đó chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn; và trong một số trường hợp thì điều này không hề sai. Trả đũa là một rủi ro rất thực tế khi nói về bắt nạt. Trẻ em cũng có thể lo sợ rằng cha mẹ hoặc những người lớn khác sẽ đổ lỗi cho hành vi đã gây ra sự bắt nạt mình.
Nếu con không chủ động chia sẻ hoàn toàn những gì chúng đang trải qua, cha mẹ phải có khả năng nhận ra các dấu hiệu cho thấy con bạn đang là nạn nhân hay không. Mặc dù, có thể bạn không hoàn toàn tin tưởng vào các thông tin con bạn chia sẻ.
Dưới đây là 9 dấu hiệu cho thấy con bạn có thể đang bị bắt nạt:
1. Sự biến mất của bạn bè
Là cha mẹ, bạn rất có thể quen thuộc với bạn bè của con cái. Hãy để ý xem con mình có còn liên lạc hoặc đi chơi với những người bạn bình thường của chúng nữa không. Việc cắt đứt liên lạc với bạn bè quá nhiều có thể là một dấu hiệu cho thấy hành vi bắt nạt đang diễn ra.
Hãy hỏi con bạn về bạn bè của chúng. Nếu con bạn trả lời: "Con không có bạn", đó là dấu hiệu nghiêm trọng và cha mẹ cần phải nghiêm túc tìm hiểu thêm.
Lena Suarez-Angelino, một nhân viên xã hội lâm sàng và tư vấn bắt nạt cho biết: “Trẻ em thường gặp phải nhiều sự thay đổi trong các nhóm bạn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là khi con bạn nói rằng chúng 'không có bạn bè' hoặc nói rằng 'mọi người đều ghét con’.
“Nếu con từng vừa đi học về và chia sẻ với cha mẹ về bạn bè của chúng — đặc biệt là họ tên - nhưng giờ lại không còn nhắc đến nữa, thì cha mẹ nên hỏi con về mối quan hệ của chúng và quan sát phản ứng của con”, Suarez-Angelino nói.
"Hãy quan sát không chỉ những gì con nói mà còn những phản ứng và ngôn ngữ cơ thể", cô nói.
2. Những thay đổi trong tâm trạng
Hãy để ý sự thay đổi đáng kể trong hành vi và tính cách điển hình của trẻ. Những đứa trẻ bị bắt nạt đôi khi sẽ tỏ ra lo lắng, ủ rũ hoặc thu mình lại. Chúng dễ rơi nước mắt hoặc chán nản, đặc biệt là sau giờ học hoặc sau khi sử dụng mạng Internet.
Suarez-Angelino cho biết: “Cha mẹ có thể nhận thấy con mình bắt đầu cáu kỉnh hơn trước, chẳng hạn như phản ứng thái quá đối với những lời bình luận hoặc trò đùa khiếm nhã. Thậm chí, khi thấy con có vẻ lo lắng hơn hoặc do dự khi ra ngoài nơi công cộng, đặc biệt là ở những nơi có thể có bạn bè cùng trang lứa thì đây cũng có thể là những dấu hiệu cho thấy chúng đang bị bắt nạt."
Cha mẹ nên tìm hiểu sâu hơn nếu lòng tự trọng của con mình ngày càng thấp, đổ lỗi cho bản thân về mọi thứ hoặc nói rằng chúng không đủ tốt. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, một đứa trẻ bị bắt nạt sẽ dính líu vào các hành vi tự hủy hoại bản thân như tự tổn thương hoặc suy nghĩ tới tự tử.
Cha mẹ vẫn cần giải quyết những thay đổi trong tâm trạng của con kể cả khi con không bị bắt nạt, vì chúng có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe tâm thần. Nói chuyện với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc chuyên gia sức khỏe tâm lý về những thay đổi của con mà cha mẹ đang chứng kiến.
3. Xuất hiện các triệu chứng hoặc phàn nàn về sức khoẻ
Khi trẻ bị bắt nạt, chúng có thể thường xuyên kêu đau đầu, đau bụng hoặc có các bệnh khác. Các dấu hiệu bắt nạt khác bao gồm những vết cắt, vết bầm tím và trầy xước không rõ nguyên nhân.
“Hãy lắng nghe những lời phàn nàn của con về cơn đau bụng, đau đầu hoặc tiêu chảy. Những triệu chứng này có thể do sự lo lắng hoặc gia tăng căng thẳng. Có khả năng con bạn đang thực sự gặp phải những dấu hiệu này mà không có nguyên nhân cơ bản nào, nhưng hãy bắt đầu lưu ý về tần suất và thời điểm những lời kêu ca này phát sinh."
Trẻ em cũng thể hiện những thay đổi của mình trong thói quen ăn uống như bỏ bữa hoặc ăn uống vô độ. Chúng thậm chí có thể đi học về trong tình trạng đói lả vì bỏ bữa để tránh bị bắt nạt.
4. Chất lượng giấc ngủ
Những thay đổi về chất lượng giấc ngủ của trẻ thường cho thấy sự bất thường trong cuộc sống của chúng. Những đứa trẻ vốn là mục tiêu của những kẻ bắt nạt khó có thể ngủ một cách dễ dàng, giống như việc gặp ác mộng khi ngủ.
Những đứa trẻ thức suốt đêm, ngủ với những giấc mơ không đẹp, ngủ nhiều hơn bình thường hoặc luôn trong trạng thái mệt mỏi có thể là nạn nhân của những vụ bắt nạt. Các dấu hiệu khác bao gồm: khóc khi ngủ và nhiều khi là đái dầm.
Vì chất lượng giấc ngủ là một phần quan trọng của lối sống lành mạnh nên cha mẹ hãy để ý kỹ tất cả những thay đổi trong cách ngủ của con. Ngay cả khi những vấn đề về giấc ngủ này không liên quan đến bắt nạt thì nó cũng là vấn đề đáng được các bậc phụ huynh quan tâm.
5. Học hành sa sút
Những đứa trẻ bị bắt nạt thường khó tập trung vào bài tập ở trường. Do đó, các em có thể đối mặt với hội chứng khó tập trung hoặc mất hứng thú ở trường (bỏ học, học hành sa sút đột ngột, v.v...).
Suarez-Angelino cho biết: “Sự thay đổi thành tích học tập có thể là dấu hiệu của việc bắt nạt do mức độ căng thẳng và mất tập trung ngày càng tăng của hành vi này gây ra. Nếu con bạn đang dành thời gian để đối phó, phớt lờ hoặc tự vệ trước kẻ bắt nạt thì chúng khó có thể dành thời gian cho những việc khác, bao gồm cả việc học."
Hãy thường xuyên hỏi trẻ nhỏ xem chúng có thích đi học hay không. Nếu con bạn nói rằng chúng “ghét” trường học, hãy tìm hiểu lý do. Đôi khi bắt nạt chính là gốc rễ của vấn đề.
“Nếu trường học là nơi xảy ra các vấn đề bắt nạt, con bạn rất có thể sẽ lớn lên với ác cảm về một hình ảnh trường học không hề an toàn” - Suarez-Angelino nói.
6. Mất hứng thú với các hoạt động yêu thích
Nếu đứa trẻ của bạn bỏ qua các hoạt động ở trường hoặc thường xuyên khẳng định các hoạt động đó đã bị hủy bỏ cũng được xem như một dấu hiệu của việc bị bắt nạt.
Ngoài ra, hãy chú ý nếu con bạn mất hứng thú với một môn thể thao, sở thích hoặc 1 hoạt động yêu thích của chúng. Sự đi lệch quỹ đạo thường ngày của chúng chưa bao giờ là một việc bình thường và hãy cố gắng tìm ra lý do tại sao.
7. Đồ dùng của trẻ bị mất, hư hỏng hoặc thất lạc
Đi học về cùng với dụng cụ và đồ dùng cá nhân không còn nguyên vẹn là một hành vi bất thường. Nhiều khi những đứa trẻ bắt nạt người khác sẽ phá hủy hoặc lấy cắp tài sản từ mục tiêu của chúng.
Nếu các món đồ của con bị hư hỏng không rõ nguyên nhân và lý do chúng đưa ra không trùng khớp với nhau thì rất có thể con bạn đang trong tình trạng bị bắt nạt.
Khi thấy con trở về nhà với những mảnh quần áo, sách vở, đồ chơi, đồ điện tử và các đồ đạc khác bị rách, hỏng hoặc bị thiếu, hãy tìm hiểu kỹ hơn về việc này.
8. Liên hệ với nhà trường
Nhiều đứa trẻ sẽ không thực sự sử dụng từ “bắt nạt” để mô tả những gì chúng đang trải qua. Hãy lưu ý nếu con bạn nói rằng đã có rất nhiều “chuyện” xảy ra ở trường hoặc bị người khác đang “gây rối” với chúng, cha mẹ phải ngay lập tức liên hệ với nhà trường, yêu cầu họ mô tả những gì đã xảy ra và trách nhiệm của họ trong vấn đề này.
Hãy dạy con bạn cách nhận được sự trợ giúp từ những người lớn xung quanh để can thiệp ngay lập tức, khi ai đó không đối xử với chúng bằng sự tôn trọng và lòng chân thành.
Cha mẹ cần phải củng cố đạo đức và cải thiện sự tự tin của con để con được mọi người công nhận và yêu quý.
9. Tỏ ra khó chịu khi sử dụng mạng xã hội
Hiện nay trẻ em có tài khoản email, điện thoại di động và tham gia các trang mạng xã hội ở một độ tuổi sớm hơn bao giờ hết, chính vì vậy các mối đe dọa từ mạng xã hội đang ngày càng trở thành một vấn đề tiềm ẩn đối với trẻ em ở độ tuổi tiểu học.
Nếu cha mẹ nhận thấy sự thay đổi trong thái độ của con mình khi chúng đang sử dụng các trang mạng xã hội hoặc nếu tỏ ra đặc biệt khó chịu khi lướt qua các tài khoản mạng nào đó, thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy chúng đang bị đe dọa - phiên bản “công nghệ” của hành vi bắt nạt.
Trẻ em bị bạo lực thể hiện cảm giác sợ hãi, lo lắng, trầm cảm và tự ti khi sử dụng mạng xã hội. Nghiên cứu chỉ ra rằng, hơn 30% trẻ em sử dụng mạng cảm thấy căng thẳng hơn so với những trẻ không dùng.
Theo Verywell Family
Ảnh: PLO, Báo Giáo dục và Thời đại Online
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất