06:39 27/05/2024

Nhiều video nhảm nhí trên mạng xã hội gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ em

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Vũ Hương Giang

Lợi dụng tính chất mở của mạng xã hội, nhiều tài khoản đã đăng tải những đoạn video ngắn cài cắm nội dung rao giảng đạo lý sống phiến diện, dễ làm lệch lạc tư duy của trẻ nhỏ.

Các chuyên gia đã cảnh báo và dành lời khuyên cho cha mẹ để bảo vệ con trẻ khỏi nguy cơ bị tác động tiêu cực bởi các nội dung sai trái trên mạng xã hội.

Mạng xã hội ngập tràn triết lý “rởm”

Dạo một vòng mạng xã hội, không khó để bắt gặp những video có nội dung rao giảng “đạo đức làm người”. Thoạt nhìn, đây chỉ là nội dung chia sẻ về quan điểm, triết lý sống bình thường. Tuy nhiên, người tỉnh táo hoàn toàn có thể nhận ra những tư tưởng lệch lạc đã được khéo léo cài cắm vào trong đó. Chẳng hạn: khi hoạn nạn không nhờ cậy được người thân mà chỉ có bạn bè; không nên sống thành thật vì chỉ nhận lại cuộc sống tồi tệ; người giàu tim thường có dao…

Hàng loạt video có nội dung “triết lý” nhảm nhí, lệch lạc xuất hiện đầy rẫy trên mạng xã hội, không những vậy còn nhận được lượt tương tác rất lớn từ cộng đồng.

Thông thường, những video này đưa ra quan điểm thông qua những câu chuyện chạm đến “nỗi đau” của một số người từng trải qua biến cố trong cuộc sống, khơi gợi sự đồng cảm hoặc tạo ra tranh luận giữa cộng đồng mạng để “câu” tương tác. Khi tương tác mạnh mẽ với các video này, thuật toán của nền tảng sẽ nhận diện và phân phối đến người dùng nhiều nội dung tương tự hơn. Thế là chỉ sau vài lần vô tình tiếp xúc, mạng xã hội của chúng ta đã dễ dàng biến thành một không gian ngập tràn “triết lý nhân sinh”.

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, PGS.TS Trịnh Hoà Bình - chuyên gia Xã hội học nêu cảnh báo: “Trong quá trình tiếp nhận, học hỏi, trẻ em, thậm chí là cả trẻ vị thành niên sẽ va chạm với những câu chuyện phản giá trị, những thống kê, bài học đời người mang hàm ý xui khiến con người thụ hưởng, tiếp nhận những giá trị bất lợi, ngược với chuẩn mực đạo đức tốt đẹp mà chúng ta vẫn luôn theo đuổi. Chúng hoàn toàn có thể du nhập vào trong suy nghĩ, thái độ, tình cảm của các em và gây ra ảnh hưởng xấu xí”.

Cùng chung quan điểm, Ths.Nguyễn Hương Giang - chuyên gia Tâm lý học cho rằng những nội dung lệch lạc về đạo đức, văn hoá rất nguy hiểm vì khiến cho trẻ nhỏ suy nghĩ sai, hành xử sai: "Người lớn chúng ta sẽ có góc nhìn đa chiều hơn do đã có nhận thức đầy đủ. Tuy nhiên phần lớn trẻ em, nhất là trẻ ở độ tuổi dưới 15-16, thường “hấp thụ” thông tin một chiều do chưa có đủ nhận thức, kỹ năng và trải nghiệm sống. Những đối tượng này rất dễ bị dụ dỗ, tin vào các nội dung thiếu kiểm chứng”.

Nhìn lượt tương tác và bình luận dưới các video này, có vẻ số lượng người “thiếu tỉnh táo” lại đang thắng thế. Trẻ nhỏ sẽ ra sao nếu người lớn còn phớt lờ những video như thế này?

Bảo vệ trẻ trước nội dung xấu độc trên mạng xã hội

Theo Ths. Nguyễn Hương Giang, việc để trẻ tiếp xúc với các video lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội, cộng với hiệu ứng đám đông hưởng ứng ở phần bình luận có thể dẫn đến nhiều hậu quả trong tương lai.

Trẻ có thể hiểu sai về các vấn đề quan trọng, dẫn đến nhận thức lệch lạc về đạo đức, xã hội, khoa học… gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc hình thành nhân cách và định hướng giá trị.

Bên cạnh đó, ông tin sai lệch có thể gây ra sự hoang mang, lo lắng và bất an, đặc biệt là trước những vấn đề nhạy cảm như sức khỏe, giáo dục, nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, một số video có thể chứa nội dung kích động bạo lực, phân biệt đối xử, hoặc cổ xúy cho những hành vi nguy hiểm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi và lối sống của trẻ em. Đồng thời, khi tiếp xúc nhiều với thông tin sai lệch, trẻ em có thể mất niềm tin vào các nguồn tin chính thống như báo chí, sách giáo khoa,...

Ths. Nguyễn Hương Giang - chuyên gia Tâm lý học. Ảnh: NVCC.

Trước câu hỏi liệu các nền tảng mạng xã hội có đang lơi lỏng việc quản lý các nội dung rao giảng đạo lý sống sai lệch cho trẻ, bà Giang cho rằng các nền tảng đã có sự kiểm soát nhất định với một số nội dung bạo lực, phản cảm, lừa đảo… Tuy nhiên, các nội dung “trá hình” như vậy rất khó kiểm soát hoàn toàn, chỉ có thể làm được khi cộng đồng nhận thức đúng vấn đề, cùng chung tay báo cáo các nội dung không phù hợp để các nền tảng có biện pháp quản lý và xử lý thích đáng.

Trong một không gian nơi thông tin thật - giả, đúng - sai hỗn loạn, trẻ em không thể tự bảo vệ bản thân khỏi những nội dung “lệch chuẩn” nếu không được giáo dục, định hướng kịp thời. PGS.TS Trịnh Hoà Bình khẳng định: “Người lớn phải trang bị cho trẻ em vốn sống thực tiễn, mang tính chất giáo dục thường xuyên nhằm chống lại xu hướng những câu chuyện kể, bài học ở đời như châm ngôn, ứng xử phản giá trị đi vào tiềm thức của con trẻ. Đây là nhiệm vụ của người lớn ở thời điểm hiện tại, không thể đợi đến lúc những bài học này xâm nhập vào con trẻ mới bắt đầu hành động, khi ấy thì đã muộn rồi”.

PGS.TS Trịnh Hoà Bình - chuyên gia Xã hội học. Ảnh: NVCC.

Để bảo vệ con trước những rủi ro tiềm ẩn trên mạng, đồng thời đưa ra một số lời khuyên từ góc nhìn của một người mẹ, Ths. Nguyễn Hương Giang cho biết: “Cần tạo ra môi trường nơi con cái có thể thoải mái chia sẻ với với bố mẹ về những gì con nhìn thấy, nghe được trên mạng. Tuy nhiên, phụ huynh nên giữ thái độ tích cực, thể hiện sự quan tâm và thấu hiểu những lo lắng của con chứ không nên phán xét. Ngoài ra, cần giáo dục con cách sử dụng Internet an toàn và hiệu quả, cụ thể là giải thích cho con những thủ đoạn phổ biến để lan truyền thông tin sai lệch, hướng dẫn con cách kiểm tra độ tin cậy của nguồn tin, khuyến khích con kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau thay vì tin tưởng vào một nguồn duy nhất”.

Các chuyên gia khuyến khích phụ huynh làm gương cho con trong việc sử dụng mạng xã hội thông minh và có trách nhiệm. Cha mẹ nên hạn chế sử dụng thiết bị điện tử khi ở bên con và dành thời gian cho các hoạt động giao tiếp trực tiếp, thể hiện sự quan tâm đến các hoạt động và sở thích của con trên mạng. Đồng thời, có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ chuyên gia và các phụ huynh khác tại các khóa học, hội thảo về giáo dục trẻ sử dụng Internet an toàn. Quan trọng hơn, cha mẹ luôn phải đồng hành, quan tâm tới mọi hoạt động của con, qua mỗi tình huống hãy dạy cho điều hay lẽ phải, giúp những đứa trẻ hình thành nền tảng giá trị đạo đức chuẩn mực.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận