09:54 29/07/2022

Giao tiếp là con đường thực hiện giáo dục

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Tất thảy giáo viên đều nghĩ rằng, công việc giáo dục của mình thông qua môn học. Nhưng khi được phân tích, cùng nhau suy ngẫm một cách sâu sắc, các thầy, các cô đều đồng ý rằng: Giao tiếp cũng là một con đường thực hiện giáo dục.

Cầu nối

Tôi nhớ một năm trước. Một trường học đã phải chấm dứt hợp đồng với một giáo viên có tiếng, chỉ vì người đó đã có những lời nói sỗ sàng với học sinh (vì nhiều lần trước đó đã xảy ra chuyện tương tự). Đôi khi chúng ta nghĩ rằng, giáo viên cũng có quyền bức xúc, và việc nói “một vài câu khó nghe” hay “bỗ bã” thì không hề ảnh hưởng đến bản chất “yêu thương học sinh” và “chuyên môn” của mình. Điều này còn phụ thuộc vào ngưỡng chịu đựng của người trong cuộc. Thỉnh thoảng, tôi nhớ lại, cô bé ngày xưa học tôi đã kể rằng “con buồn nôn, và sợ hãi” khi nghe “thầy cô nói tục”.

a-10-11-4921
Giao tiếp là sợi dây gắn nhất để kết nối giáo viên và học sinh. Ảnh minh họa

Đấy chỉ là một phần rất nhỏ, trong những gì thuộc về giao tiếp của giáo viên. Những nghiên cứu chỉ ra rằng, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở rất chịu ảnh hưởng của người giáo viên mà các em yêu thích hoặc kính nể. Các em thường làm theo, có lời nói, cử chỉ na ná người thầy của mình. Sự khéo léo, công tâm, trau chuốt trong lời nói, cử chỉ của giáo viên là mẫu mực cho các em học theo.

Một đồng nghiệp của tôi cũng cho tôi biết, anh đã theo dõi những giáo viên không thành đạt (bao gồm cả những người hay gặp mâu thuẫn ở nhà trường, gia đình) thì phần đa mắc lỗi giao tiếp: Quá nóng nảy, quá kiệm lời, cư xử không cởi mở, kể cả giao tiếp qua văn hóa ăn, văn hóa mặc…

Còn tôi, trong quá trình làm việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho các nhà trường thì nhận thấy rằng, giao tiếp của giáo viên rất quan trọng trong định hình năng lực bản thân và phối hợp công tác giữa nhà trường – phụ huynh – xã hội. Chúng tôi quan tâm đến cả việc nhắn tin trả lời phụ huynh của giáo viên khi biết rằng, khá nhiều giáo viên mắc lỗi. Thời đại này, có quá nhiều kênh giao tiếp. Giáo viên chưa chuẩn bị đầy đủ thì có thể trở thành nạn nhân trong chính lời ăn, tiếng nói, cư xử… của mình.

Ngay hôm trước, một phụ huynh phàn nàn trên nhóm của lớp về việc giáo viên chậm trễ trả lời điện thoại của họ. Thay vì suy ngẫm, để chọn một kênh phù hợp trao đổi lại với phụ huynh, cô giáo lập tức đáp trả, và tôi nhớ không nhầm, thì sự việc đã bị đẩy đi rất xa khi hai bên đều gán cho nhau những lỗi lầm thuộc về nhân cách.

Còn có câu chuyện ở đường, ở chợ. Khi người khác đánh giá lời nói của giáo viên. Họ luôn nhắc chúng ta rằng “giáo viên mà thế à”. Những “cơn ngứa cổ, ngứa tai” có thể xảy ra trong những trường hợp đó. Như thế có phải ĐỜI rất khắt khe với nghề giáo hay không?

Tôi nghĩ là không đâu. Bởi quy chuẩn của xã hội, của mối quan hệ đòi hỏi bất kì ai cũng cần được tôn trọng và tôn trọng người khác. Hơn nữa, xây dựng hình ảnh bản thân thông qua giao tiếp là việc chúng ta cần hiểu là cần thiết, cũng như coi đó là cơ hội để định nghĩa bản thân mình. Nghề giáo có kênh giao tiếp để thực thi nhiệm vụ, ấy là một thuận lợi. Những thầy, cô giáo là “cây đa, cây đề” đều truyền lại bí quyết giỏi nghề, trở thành đức cao vọng trọng là rèn phong thái từ lời ăn, tiếng nói, trang phục, đến ánh nhìn, nết ở. Chừng ấy thôi đã thấy hoàn toàn phù hợp với những gì giáo dục hiện đại chỉ ra: Năng lực giao tiếp của giáo viên quyết định thành công trong công việc và thành quả giáo dục của họ.

Hãy làm bạn của lũ trẻ

Chúng ta biết rằng, những người cùng trang lứa, cùng lớp học, cùng nhóm chơi trong xóm, trong khu dân cư thường là bạn của trẻ. Nhưng thực tế, bạn của trẻ còn rộng hơn nữa. Tình bạn được hiểu theo nghĩa rộng, trong một mối quan hệ bình đẳng, công tâm, vô tư.

Thế nên, các nhà tâm lí giáo dục thường khuyên những người lớn hãy làm bạn với trẻ chứ không phải là dạy trẻ. Thông qua làm bạn với trẻ, tương tác như một người bạn, chúng ta có thể giúp trẻ học trong một tâm thế thoải mái, trẻ sẽ dễ tiếp thu, từ đó, việc học với trẻ sẽ trở thành một quá trình trải nghiệm với những cảm xúc trong sáng. Làm bạn với trẻ, sẽ giúp người lớn hiểu thêm về trẻ. Trên vai trò “người bạn”, chúng ta sẽ có thể điều chỉnh nhận thức, cách dạy, và tìm lại được phần cảm xúc, sẽ mang đến cho chúng ta niềm hạnh phúc.

Không ít người trong số chúng ta đang bối rối giữa những mục tiêu cá nhân trong cộng đồng. Chúng ta cũng có những lo ngại khi con, em chúng ta tiếp xúc với môi trường, với những người bạn mới. Chúng ta có thể kì vọng con chúng ta có những người bạn tốt, để học ở họ, để được họ giúp đỡ. Chúng ta nhắc con mình “phải chọn bạn tốt mà chơi”. Chúng ta cũng không tốn ít công để chọn “trường tốt, lớp tốt, nơi ở tốt, bạn tốt” cho con với hy vọng: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nhưng chúng ta quên mất sự chủ động “tự mình trở thành người bạn tốt”. Chỉ khi chúng ta là một người bạn tốt, chúng ta mới có những người bạn tốt.

Chính vì vậy, nếu đầu tư điều gì có ích nhất cho con trẻ, tôi vẫn cho rằng, hãy đầu tư cho việc “trở thành người bạn tốt”. Vì trong quá trình rèn luyện trở thành người bạn tốt đó, chúng ta sẽ thay đổi rất nhiều từ nhận thức và cách sống, cách học. Và khi đã là một người bạn tốt, chúng ta sẽ thấy thế giới thật rộng mở, đáng sống, đáng khám phá và trưởng thành.

Theo giaoducthoidai.vn

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận