15:55 10/09/2022

Hà Nội tìm cách phát triển không gian xanh

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Minh Đức (t/h)

Tại Hà Nội, quá trình đô thị hóa diễn ra quá gấp gáp khiến hệ thống phúc lợi chung là công viên, vườn hoa đã không được đầu tư đúng mức, dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Việc tìm chỗ vui chơi cho con trẻ có không gian xanh, thoáng đãng, có trò chơi để các con tự do chạy nhảy, tương tác vào mỗi dịp cuối tuần là vấn đề nan giải của các bậc cha mẹ.

Chị Thùy Dương ở Cầu Giấy, Hà Nội có con nhỏ 5 tuổi đau đầu mỗi khi nghĩ đến chỗ chơi cho con vào dịp cuối tuần, nghỉ lễ.

Gần nhà chị có công viên Cầu Giấy, mỗi lần đi học về chị hay đưa con qua đó chơi, nhưng ở đó ít trò chơi, các trò chơi như thú nhún, bập bênh,… đều xuống cấp nên bé nhanh chán.

Chị Thùy Dương cho biết, để con được gần gũi với thiên nhiên thay vì ở trong phòng điều hòa cả ngày, cuối tuần thỉnh thoảng chị đưa con vào công viên Thủ Lệ vui chơi, nhưng lúc nào khách tham quan ở đây cũng đông nghịt. Bên cạnh đó, cơ sở cũng xuống cấp, nhiều chuồng thú trống không, các trò chơi cũ kỹ và gỉ sét, không phù hợp cho trẻ nhỏ vui chơi. Nhưng lựa chọn mãi, chị chỉ thấy có công viên Thủ Lệ, công viên Thống Nhất là phù hợp nên chị hay đưa con đến đây. 

Trong nhiều thập kỷ trước, các công viên nằm giữa lòng thành phố như Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo... đã thật sự là những “lá phổi” xanh, khoảng thở đô thị, điểm đến vui chơi, giải trí thân thuộc với nhiều thế hệ người Hà Nội. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với tốc độ đô thị hóa nhanh, sự gia tăng dân số chóng mặt đã khiến những không gian xanh này không còn cân đối với những khu đô thị mọc lên san sát. Bên cạnh đó, do ít được đầu tư nên những công viên này cũng không đáp ứng đủ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. 

thu-le
Chuồng thú xuống cấp, trò chơi nghèo nàn nhưng công viên Thủ Lệ vẫn đón lượng khách lớn vào dịp lễ và cuối tuần. Ảnh: Zing

Hàng loạt công viên, vườn hoa cần cải tạo

Mới đây (ngày 29/8), UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3102/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo đầu tư xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Hiện nay thành phố có 63 công viên, vườn hoa tập trung chủ yếu trên địa bàn 4 quận nội thành. Sau thời gian dài đưa vào sử dụng, nhiều công viên, vườn hoa, đã xuống cấp, nhiều hạng mục đã hư hỏng, không còn đảm bảo an toàn cho du khách đến vui chơi. Tại một số khu vực, hệ thống cửa sắt, tường rào bị bong tróc. Một số đoạn đường đi bộ bị lõm, nứt. Có công viên trong khu vui chơi dành cho trẻ em với thảm cỏ nhân tạo thì cũng rách nát, bong tróc, lồi lõm...

Theo quyết định, Hà Nội sẽ cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa trên địa bàn. 3 công viên (Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất) sẽ ưu tiên thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các khu vực chính và khu vực xuống cấp, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan theo quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 được duyệt.

Trao đổi với Zing, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, với riêng công viên Thống Nhất, nhiều hạng mục đã hư hỏng và xuống cấp, trong đó có hệ thống cổng vào, hàng rào bong tróc. Do đó, kế hoạch của thành phố là hạ hàng rào, đưa công viên Thống Nhất thành công viên mở, không thu vé vào cửa và cải tạo đồng bộ các cảnh quan xung quanh.

anh-bai-cong-vien-hanoi-1
Nhiều hạng mục trong công viên Thống Nhất xuống cấp. Ảnh: daidoanket

Trong khi đó, Công viên Thủ Lệ sau thời gian tạm dừng hoạt động vì dịch Covid-19 đã có một số cải tạo mới như thảm đường dạo quanh công viên, bổ sung ghế mặt gỗ lim làm chỗ ngồi... Tuy nhiên, theo quy hoạch, vườn thú không có khu dịch vụ ăn uống nên bên trong khuôn viên chỉ có thể bố trí các ki-ốt nhỏ để bán đồ ăn nhanh, nước uống... Ngoài ra, với tổng diện tích là 18 ha nhưng có 9 ha là mặt hồ, phần đất dùng để làm khu chuồng trại, cây xanh và khu vui chơi khá hạn chế.

Cùng với việc cải tạo 3 công viên do thành phố quản lý, trong kế hoạch vừa ban hành, Hà Nội đưa ra danh mục 10 công viên và 22 vườn hoa cần sửa chữa ở mức độ 2, tức là tập trung cải tạo các khu vực chính và khu vực xuống cấp.

Đồng thời, thành phố yêu cầu đơn vị liên quan đôn đốc chủ đầu tư đẩy tiến độ, hoàn thành 6 công viên mới trong giai đoạn 2021-2026 bao gồm các công viên: Chu Văn An, CV1, công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, Kim Quy, công viên hồ Phùng Khoang, công viên Văn hóa - Vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông.

Liên quan đến vấn đề quy hoạch công viên, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh chia sẻ trên Pháp luật và Xã hội, nhiều quận của thành phố có quỹ đất nhưng do số lượng công viên được xây dựng phải tuân thủ theo quy hoạch nên khả năng phục vụ cộng đồng còn hạn chế.

Ngoài ra, một số khu vực nội thành thiếu quỹ đất để bố trí thêm trong khi ngoại thành chủ yếu vẫn sử dụng đất nông nghiệp và sông hồ tự nhiên nên khó để tiếp cận sử dụng. Đây là những thách thức cho giải pháp quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên của Hà Nội.

Trong khi đó, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, với nhiều dự án công viên, doanh nghiệp được tham gia vào quá trình thực hiện. Nhưng thực tế triển khai, các chủ đầu tư lại cơi nới, tăng diện tích để làm các công trình thương mại dịch vụ khác như nhà hàng, bãi đỗ xe.

KTS Đào Ngọc Nghiêm khuyến cáo, cơ chế giám sát đầu tư các dự án công viên của Hà Nội cần chặt chẽ hơn, đảm bảo doanh nghiệp không vi phạm việc cắt xén không gian xanh để đầu tư hạng mục kinh doanh khác.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận