Hàng nghìn trẻ em đang rất cần sách giáo khoa sau bão lũ
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp từ các địa phương đến ngày 16/9 cho thấy, bão lũ đã gây ra những thiệt hại rất nặng nề với hàng nghìn học sinh và các cơ sở giáo dục.
Bão lũ gây thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng cho ngành giáo dục
Do mưa to và gió lớn nên nhiều cơ sở giáo dục ở các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và Đông Bắc Bộ bị ngập nước sâu, phòng học bị tốc mái, nhiều công trình bị sập, đổ, vỡ kính; thiết bị dạy học, máy tính, thiết bị phòng học bộ môn, bàn ghế học sinh bị hư hỏng nặng, khó khắc phục, sửa chữa. Ở nhiều tỉnh/thành phố, sách giáo khoa của học sinh bị cuốn trôi hoặc ướt hỏng, không thể sử dụng được.
Theo số liệu báo cáo của 18/26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi về Bộ Giáo dục Đào tạo, tính đến thời điểm ngày 16/9/2024, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học do bão lũ ước tính là 1.260 tỷ đồng, hư hỏng 41.564 bộ sách giáo khoa.
Theo thống kê mới nhất, thiệt hại về cơ sở vật chất là 514.730 triệu đồng. Trong đó, tỉnh Lào Cai có thiệt hại nặng nề nhất về cơ sở vật chất (186 triệu đồng), thứ 2 là tỉnh Hải Dương (137 triệu đồng), thứ 3 là tỉnh Bắc Giang (61 triệu đồng),...
Thiệt hại về trang thiết bị dạy học là 745.801 triệu đồng. Trong đó, tỉnh Bắc Giang có thiệt hại nặng nề nhất về thiết bị dạy học (642 triệu đồng), thứ 2 là tỉnh Quảng Ninh (345 triệu đồng), thứ 3 là tỉnh Lào Cai (315 triệu đồng),..
Thiệt hại về SGK là 41.564 bộ sách. Trong đó, tỉnh Yên Bái thiệt hại nặng nề nhất về sách giáo khoa (28.681 bộ sách), thứ 2 là tỉnh Cao Bằng (7.407 bộ sách), thứ 3 là tỉnh Phú Thọ (3.389 bộ sách),..
Tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục, hỗ trợ
Theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 14/9, có 52 học sinh, trẻ em bị tử vong, 3 học sinh bị mất tích, 8 học sinh bị thương; 3 giáo viên tử vong, 1 giáo viên mất tích.
Do mưa to và gió lớn nên nhiều cơ sở giáo dục ở các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và Đông Bắc Bộ bị ngập nước sâu, phòng học bị tốc mái, nhiều công trình bị sập, đổ, vỡ kính; thiết bị dạy học, đồ dùng học tập của học sinh bị nước cuốn trôi, ướt hỏng.
Theo báo cáo từ 23/27 tỉnh, thành phố, nước đang rút dần và các cơ sở giáo dục huy động toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh học sinh, lực lượng quân đội, công an địa phương dọn dẹp, vệ sinh, khử trùng trường lớp để tổ chức dạy học lại vào 16/9/2024.
Tuy nhiên, còn 99 trường/điểm trường ở 6 tỉnh vẫn chưa thể dạy học do nước chưa rút hết, gồm có: Lào Cai (83 trường/điểm trường), Cao Bằng (1 trường), Bắc Kạn (3 trường), Tuyên Quang (1 trường), Yên Bái (3 trường), Bắc Giang (8 trường).
Ngành giáo dục đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp ứng phó và khắc phục nhằm ổn định lại hoạt động dạy và học tại các địa phương bị ảnh hưởng do bão, chỉ cho học sinh đến trường khi bảo đảm an toàn.
Bộ GDĐT chỉ đạo các nhà xuất bản sẵn sàng nguồn cung ứng sách giáo khoa tới các địa phương bị ảnh hưởng do bão, đảm bảo việc học tập không bị gián đoạn. Đồng thời, kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà xuất bản, tổ chức và cá nhân để tài trợ sách giáo khoa cho học sinh.
Các địa phương tiếp tục khẩn trương tập trung rà soát, đánh giá thiệt hại thiệt hại về cơ sở vật chất, trường, lớp học tổng hợp báo cáo để đề xuất các cơ quan thẩm quyền hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh Kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên phù hợp với thực tiễn của địa phương bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trong trường hợp ảnh hưởng thiên tai.
Bộ GDĐT cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi phân bổ quyên góp ủng hộ, ưu tiên kinh phí cho ngành Giáo dục để kịp thời sửa chữa, khắc phục các công trình bị hư hại, mua sắm thiết bị đồ dùng cho học sinh, sinh viên, góp phần đảm bảo các điều kiện học tập để các em sớm trở lại trường học. Đồng thời, tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục ở các địa phương bị thiệt hại do bão gây ra.
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến 17 giờ 30 phút ngày 15/9, bão số 3 và hoàn lưu bão đã khiến 330 người chết, mất tích (292 người chết, 38 người mất tích).
Ba địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất từ bão Yagi là Quảng Ninh thiệt hại khoảng 23/770 tỷ đồng, Hải Phòng khoảng 11.000 nghìn tỷ đồng và Hải Dương khoảng 1.500 tỷ đồng.
Bão số 3 và hoàn lưu bão dẫn tới mưa lũ đã gây ra 300 sự cố đê điều, uy hiếp đến an toàn đê, nhiều tỉnh phía Bắc đã chịu ảnh hưởng là Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang... lũ trên các sông tại Hà Nội Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định cũng đã có thời điểm vượt mức báo động 3.
Những ảnh hưởng từ bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại cho hầu hết các tỉnh phía Bắc, nhiều trẻ em thiệt mạng, hàng nghìn trẻ em phải tạm dừng tới trường vì mưa lũ. Ngành giáo dục cùng với các địa phương đang tiếp tục kêu gọi các tổ chức cùng chung tay hỗ trợ học sinh và thầy cô các địa phương bị ảnh hưởng sớm vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, tiếp tục duy trì dạy và học đạt kết quả tốt nhất.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất