Hiểu đồng tiền để trưởng thành hơn, trân trọng công sức của cha mẹ
Trong một xã hội mà mỗi đồng tiền đều chất chứa sự lam lũ, tảo tần, cần kiệm của cha mẹ, việc giáo dục tài chính cho học sinh, sinh viên càng trở nên quý giá.
Thay đổi từ nhận thức đến hành động của học sinh
Tham gia cuộc thi “Hiểu biết về tài chính,” học sinh Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) được tiếp cận với một khái niệm vừa quen, vừa lạ: kiến thức về tài chính, hiểu biết về đồng tiền. Các em hứng thú khi được tiếp cận với những thông tin về tài chính thông qua hình thức gameshow và đặc biệt là qua cuốn truyện tranh “Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền.” Không chỉ hiểu về tiền, sau khi học về tài chính, các em còn biết trân trọng hơn giá trị sức lao động của cha mẹ.
Em Nguyễn Huy Vũ, học sinh lớp 6H3, Trường THCS Trưng Vương, chia sẻ: “Trước đây, em thường mua những món đồ không cần thiết, nhưng khi hiểu được sự vất vả của bố mẹ, em đã lập kế hoạch chi tiêu cẩn thận hơn. Hiện tại, em đã tiết kiệm đủ để tự mua một chiếc máy tính phục vụ việc học”.
Với Đinh Ngọc Phương Linh, học sinh lớp 6, Trường TH School (Hà Nội), em không chỉ học được bài học về sự tiết kiệm mà còn có sẵn cho mình dự định tương lai: “Đọc cuốn truyện tranh ‘Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền’, em hiểu được bài học về tiết kiệm và cảm nhận sâu sắc sự vất vả của bố mẹ. Em sẽ tìm hiểu về kiến thức tài chính nhiều hơn. Trước đây, em hay mua những món đồ chơi hoặc quần áo mới mà không suy nghĩ nhiều. Giờ đây, em biết cách lên kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm để không lãng phí những đồng tiền mà bố mẹ vất vả làm ra và nếu sau này kiếm được nhiều tiền thì em sẽ chia sẻ thành quả ấy với những người ít may mắn”.
Dấu ấn tuyệt vời từ cuốn truyện tranh “Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền” đã tác động tới cả những sinh viên đại học. Trần Minh Hải, sinh viên năm thứ nhất Học viện Ngân hàng (Hà Nội) tâm sự: “Trước đây, em định xin bố mẹ mua cho chiếc xe máy mới, nhưng sau khi tham gia chương trình giáo dục tài chính, em nhận ra mình nên tự chịu trách nhiệm về những nhu cầu cá nhân. Em đã quyết định đi làm thêm để tiết kiệm và tự mua xe, vì mình cần phải chứng minh sự trưởng thành, cũng là cách chia sẻ mang đến niềm vui cho bố mẹ”.
Không chỉ biết tiết kiệm chi tiêu đúng mục đích, nhiều bạn sinh viên sau khi được tham gia chương trình hiểu biết về tài chính đã tư duy tới một hành trình dài hơn cho tương lai. Lê Hồng Anh, sinh viên năm thứ hai Đại học Ngoại Thương (Hà Nội) nói về sự thay đổi nhận thức của bản thân: “Trước đây, em thường tiêu tiền không kiểm soát, nhưng từ khi hiểu rõ giá trị của đồng tiền và sự vất vả của bố mẹ, em đã thay đổi. Em lập kế hoạch chi tiêu chi tiết hàng tháng, dành một phần tiền đi làm thêm để tiết kiệm cho tương lai. Em cũng học cách đầu tư nhỏ, như mua sách về quản lý tài chính để nâng cao kiến thức. Với 4 năm đại học và lộ trình làm thêm ngoài giờ học, em đặt mục tiêu tiết kiệm được một khoản tài chính để cùng bạn bè khởi nghiệp sau này. Em nhận ra rằng, nếu mình cứ tiêu xài hoang phí và không có kế hoạch dài hạn cho tương lai thì khi ra trường mình không có xu nào trong túi, vẫn sống phụ thuộc vào sức lao động của bố mẹ, như vậy là thiếu trách nhiệm với chính bản thân và với cả gia đình”.
Không chỉ học sinh tại các thành phố lớn, mà nhiều bạn trẻ ở các địa phương khác cũng rất hào hứng khi được đọc cuốn truyện tranh và cảm nhận được sự thay đổi tích cực trong suy nghĩ và hành động. Em Phạm Quang Hưng, học sinh lớp 11, Trường THPT Cẩm Thủy (Thanh Hoá) cho biết, đã bắt đầu lên kế hoạch tài chính cho tương lai: “Trước đây, chúng em chưa có nhiều cơ hội được tiếp xúc với những kiến thức về tài chính. Khi tìm hiểu trên internet, em thấy đa phần là những kiến thức khá khó hiểu, trừu tượng và thật may mắn khi được tiếp cận những kiến thức tài chính dễ hiểu qua các hoạt động thú vị như gameshow hay truyện tranh ‘Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền’. Em tin rằng, việc hiểu biết về tài chính từ sớm sẽ giúp em có một tương lai ổn định, tự chủ hơn, vì giờ đây em nhận ra rằng, mình phải biết trân trọng những đồng tiền dù là nhỏ nhất, bởi đó đều là công sức lao động rất vất vả của bố mẹ”.
Giáo viên, phụ huynh đánh giá cao
Chương trình giáo dục tài chính của Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao từ giáo viên và phụ huynh. Nhiều phụ huynh nhận thấy con em mình đã có những thay đổi tích cực sau khi tham gia chương trình.
Chị Hà Thanh, phụ huynh Trường THCS Trưng Vương, bày tỏ: “Những kiến thức này không chỉ giúp con tôi và các bạn cùng trang lứa hiểu rõ hơn về vai trò của đồng tiền mà còn có trách nhiệm hơn trong chi tiêu, ít đòi hỏi bố mẹ hơn. Khi muốn xin tiền bố mẹ để mua sắm gì, con đều có lý do rõ ràng”.
Thấy được sự phấn khởi của học sinh và phụ huynh khi tham gia, nhà giáo Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương cho biết: “Trường học không chỉ là nơi dạy kiến thức mà cần có nhiều hoạt động để các em học sinh được trang bị thêm kỹ năng, năng lực cần thiết tự chủ trong cuộc sống và quản lý tài chính là một trong những kỹ năng mà nhà trường rất quan tâm.
Ví dụ như trong các giờ học Công nghệ, thầy cô giáo hướng dẫn cho các con cách đi chợ, cách tiêu tiền sao cho có một bữa ăn vừa đủ dinh dưỡng mà còn tiết kiệm, đó cũng là một trong những cách quản lý tài chính và rất nhiều hoạt động khác. Khi hướng dẫn cho học sinh thông qua những trò chơi và kỹ năng như hùng biện, thuyết trình, chắc chắn học sinh sẽ nhớ lâu, hào hứng hơn”.
Nhà giáo Vũ Hạnh Nguyên - Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, nhà trường luôn mong muốn tạo ra các sân chơi và chương trình rèn luyện kỹ năng để học sinh có cơ hội tiếp cận những kiến thức mới mẻ, hữu ích.
“Khi có đủ những thông tin và học liệu liên quan đến lịch sử tiền tệ Việt Nam, kiến thức về tài chính, ngân hàng, nhà trường đã tổ chức cuộc thi và thực hiện mong muốn truyền tải những kiến thức này đến học sinh. Việc hiểu biết về quá trình hình thành và phát triển của đồng tiền Việt Nam giúp học sinh thấy được sự phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước, từ đó khơi dậy lòng yêu nước và niềm tự hào về di sản dân tộc,” cô Hạnh Nguyên chia sẻ.
Thầy Nguyễn Thọ Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Thủy 1 (Thanh Hoá) đánh giá cao những chương trình giáo dục tài chính của Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước dành cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn: “Các em học sinh trường chúng tôi rất hứng thú khi được tiếp cận với những thông tin về tài chính thông qua cuộc thi tìm hiểu về tài chính và đọc cuốn truyện tranh ‘Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền’. Đây là một cuốn truyện tranh rất hữu ích, không chỉ mang đến những kiến thức về tài chính mà còn truyền cảm hứng về tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, thầy cô, bạn bè, giúp cho các em học sinh hiểu hơn về giá trị đồng tiền mà cha mẹ tần tảo sớm hôm làm ra để nỗ lực học tập tốt hơn”.
Điều thú vị là cuốn truyện tranh “Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền” và cuộc thi tìm hiểu về tài chính cũng đã gây ấn tượng mạnh với các giáo viên người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Thầy Daniel Moore, giáo viên lớp 4, Trường TH School chia sẻ: “Ở nước chúng tôi (nước Anh) cũng đã đưa những nội dung về giáo dục tài chính từ sớm cho học sinh và đẩy mạnh trong những năm gần đây do sự phát triển mạnh về công nghệ. Cuộc thi ‘Hiểu biết về tài chính’ đã đem lại cho các em những kiến thức mới mẻ, bổ ích, vô cùng giá trị về tài chính. Đây cũng là những kiến thức, kỹ năng mà nhà trường rất quan tâm bồi dưỡng cho các em học sinh. Việc giảng dạy về tài chính từ sớm giúp học sinh có được kiến thức cơ bản về quản lý tiền bạc, tiết kiệm, đầu tư. Điều này giúp học sinh hình thành thói quen tài chính lành mạnh và có trách nhiệm từ khi còn nhỏ”.
Lan tỏa kiến thức “Hiểu biết về tài chính” đến hàng triệu học sinh, sinh viên
Với mong muốn đồng hành và thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình truyền thông ý nghĩa của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã phát triển chuyên đề “Nâng cao hiểu biết về tài chính cho học sinh, sinh viên” với mục tiêu cung cấp những kiến thức hiểu biết về tiền và lịch sử đồng tiền Việt Nam, cách ứng xử với đồng tiền; giúp các em học sinh, sinh viên biết quý trọng giá trị sức lao động, cảm nhận được những thông điệp về lòng yêu lao động, giá trị sống.
Tạp chí Trẻ em Việt Nam trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đồng hành với vai trò cố vấn nội dung, hỗ trợ chúng tôi thực hiện thành công chuyên đề, lan tỏa thông điệp nhân văn - nhân ái đến hàng triệu học sinh, sinh viên trên cả nước.
Đồng thời, Tạp chí Trẻ em Việt Nam trân trọng cảm ơn sự hưởng ứng của các ngân hàng, đồng hành thực hiện chuyên đề này. Khi chúng ta thay đổi hành vi và kiến thức về tài chính của giới trẻ thì chúng ta sẽ thay đổi được thói quen tài chính của cộng đồng trong tương lai, cùng chung tay mang đến những giá trị sống tốt đẹp hơn mỗi ngày.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất