Hiệu trưởng các trường nói gì về kỳ thi Toán quốc tế Kangaroo?
Trước việc phụ huynh đặt ra nhiều dấu hỏi xung quanh kỳ thi Toán quốc tế Kangaroo, PV đã liên hệ Hiệu trưởng một số trường trên địa bàn thành phố Hà Nội có học sinh tham gia kỳ thi.
Theo tìm hiểu của PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, vào tháng 3/2016, lần đầu tiên Kỳ thi Toán Kangaroo - IKMC được tổ chức tại Việt Nam bởi Trung tâm Phát triển tư duy và Kỹ năng IEG phối hợp với Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Ông Nguyễn Trung - Giám đốc IEG Foundation, thành viên Ban Tổ chức kỳ thi cho hay, Hiệp hội Kangourou sans Frontières (AKSF) là đơn vị chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng kỳ thi.
Đề thi tại Việt Nam được biên soạn bởi PGS.TS Lê Anh Vinh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học Giáo dục (CERA), trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Kỳ thi Toán Quốc tế Kangaroo được tổ chức với mục tiêu thúc đẩy phong trào dạy và học Toán theo định hướng quốc tế với phương pháp phát triển tư duy thông qua các bài toán ứng dụng thực tế. Từ đó, Ban Tổ chức kỳ vọng sẽ góp phần giúp thế hệ trẻ Việt Nam trang bị đầy đủ tư duy và kỹ năng.
"Kỳ thi này là hoàn toàn tự nguyện, không được các Sở Giáo dục và Đào tạo khen thưởng, không được cộng điểm ưu tiên, không được ưu tiên xét tuyển. Các trường có sử dụng kết quả cuộc thi hay không là do các trường hoàn toàn tự đánh giá chất lượng của kỳ thi", ông Trung nhấn mạnh.
"Trường không phải đơn vị đứng ra tổ chức"
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, bà Tô Thị Hải Yến - Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) cho hay, kỳ thi Toán quốc tế Kangaroo và các kỳ thi quốc tế khác đã được trường tổ chức từ nhiều năm trước, đây là kỳ thi được triển khai rộng rãi và có nhiều học sinh tại Hà Nội tham gia.
Thông tin thêm về cuộc thi, ông Vi Mạnh Tường - Phó Hiệu trưởng nhà trường - người phụ trách về các kỳ thi tại trường THCS Giảng Võ cho biết, kỳ thi này được Trung tâm Phát triển tư duy và Kỹ năng IEG gửi thư mời xuống trường và trường không phải đơn vị đứng ra tổ chức, trường chỉ gửi thông tin cho học sinh. Sau đó học sinh có thể đăng ký với trường qua Mẫu đăng ký hoặc đăng ký trực tiếp trên website của cuộc thi để tham gia thi.
Sau khi hoàn thành kỳ thi, nhà trường sẽ tổng hợp lại thông tin và gửi cho học sinh kết quả được Ban Tổ chức cung cấp hoặc nếu phụ huynh đăng ký riêng sẽ nhận được kết quả gửi về hòm thư cá nhân. Ông Vi Mạnh Tường cho hay, từ trước tới nay, chưa từng có phụ huynh nào có ý kiến về cuộc thi này.
Là giáo viên dạy bộ môn Toán, phụ trách bồi dưỡng học sinh giỏi của trường, thầy Tường đánh giá về chất lượng cuộc thi như sau: "Bài thi đánh giá năng lực học sinh rất tốt, các em được tiếp xúc với Toán quốc tế và tiếp xúc với Tiếng Anh, mở ra tầm nhìn mới cho các em học sinh. Mọi năm có rất nhiều học sinh tham gia nhưng năm nay tương đối ít, chưa đến 100 em".
Ông Vi Mạnh Tường thông tin thêm, cuộc thi này không bắt buộc, không yêu cầu toàn bộ học sinh phải tham gia. Kết quả kỳ thi không có giá trị sử dụng khi thi chuyển cấp, mục đích chỉ để đánh giá năng lực. Học sinh khi đạt giải cao của cuộc thi sẽ được tuyên dương vào giờ chào cờ, chứ không nhận được quyền lợi nào khác. Theo quan điểm của ông, kỳ thi không hề gây ra áp lực thi cử cho các em học sinh.
Cũng theo ông Vi Mạnh Tường, học sinh của trường được khuyến khích tham gia rất nhiều cuộc thi quốc tế khác nhau như: Kỳ thi Toán học Hoa Kỳ AMC (American Mathematics Competitions), Kỳ thi đánh giá năng lực tư duy Toán học quốc tế - IMAS (International Mathematics Assessments for schools),...
PV đặt câu hỏi: "Tại sao trường không tự tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực để giảm chi phí từ các cuộc thi bên ngoài?", ông Tường trả lời: "Trường đã tổ chức các kỳ thi như vậy tại trường và không thu lệ phí của các em học sinh. Tuy nhiên, việc tổ chức một kỳ thi cần phải có người ra đề, cán bộ trông thi,... nên việc tổ chức tốn rất nhiều thời gian, nhân lực và không thể được chuyên nghiệp như các kỳ thi quốc tế. Bên cạnh đó, các con cần được tiếp cận với các dạng bài đa dạng và mới mẻ để tăng khả năng tư duy".
Học sinh có thể tự nguyện đăng ký theo nhu cầu cá nhân
Bà Khuất Thị Thanh Nhàn - Phó Hiệu trưởng trường Liên cấp Ngôi sao Hà Nội cho biết, trường chỉ là đơn vị phối kết hợp, Ban Tổ chức sẽ đặt điểm thi tại các trường khác nhau, nếu trường nào có đông học sinh đăng ký tham gia thì sẽ tổ chức luôn kỳ thi tại trường.
“Những năm đầu tiên kỳ thi tổ chức, học sinh tham gia theo hình thức tự phát. Sau khi tham gia, các em cũng nhận thấy kỳ thi này là một sân chơi bổ ích, ngoài việc thúc đẩy tư duy học Toán, các con còn được tiếp xúc với những dạng bài mới mẻ, các dạng Toán quốc tế. Ngoài ra, các con còn được rèn luyện ngôn ngữ”, bà Nhàn nói.
Theo bà, trong hệ thống trường Liên cấp Ngôi sao Hà Nội, tuỳ thuộc vào giải mà các em học sinh đạt được, có thể xem xét kết quả từ cuộc thi khi chuyển cấp từ tiểu học lên cấp trung học cơ sở vì trong nội bộ. Tuy nhiên, đối với hệ thống các trường ngoài, kết quả không có giá trị để xét tuyển.
Theo bà Khuất Thị Thanh Nhàn, nhà trường không muốn gây áp lực thi cử cho học sinh nên không hề truyền thông, giới thiệu về cuộc thi này nhưng phụ huynh vẫn tìm hiểu để đăng ký.
Bà Nhàn cho rằng, đối với các trường công, nếu Ban Giám hiệu phát động, phụ huynh có thể sẽ có ý kiến, nhưng đối với trường tư thì phụ huynh chỉ coi đây là một sân chơi để các con cọ xát.
Để rộng đường thông tin về kỳ thi Toán quốc tế Kangaroo, PV tiếp tục liên hệ với bà Trịnh Đan Ly - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa. Bà Ly cho biết, kỳ thi này phòng giáo dục không phối hợp tổ chức.
Theo bà Ly, nhiều học sinh tại quận này đăng ký tham gia các cuộc thi quốc tế hằng năm theo điều kiện cá nhân và khả năng đầu tư của từng phụ huynh học sinh.
Kỳ thi Toán quốc tế Kangaroo được tổ chức lần đầu tiên tại Pháp năm 1991, kỳ thi thu hút khoảng 6.000.000 thí sinh tham gia mỗi năm.
Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị được được Ủy ban Quốc tế Kangaroo chỉ định là điều phối quốc gia tại Việt Nam hiện phối hợp cùng Trung tâm Phát triển tư duy và kĩ năng IEG tổ chức kỳ thi Toán quốc tế Kangaroo tại Việt Nam năm học 2015 - 2016.
Ngày 20/03/2016, Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN phối hợp cùng Học viện Phát triển Tư duy và Kỹ năng IEG tổ chức Kỳ thi Toán quốc tế Kangaroo (International Kangaroo Math Contest 2016) tại Việt Nam. Tính tới nay, kỳ thi đã tổ chức được 7 năm.
Ông Nguyễn Trung - Giám đốc IEG Foundation, thành viên Ban Tổ chức kỳ thi cho biết, quy trình ra đề của cuộc thi như sau: Hàng năm, tất cả 78 nước thành viên phải gửi một bộ các câu hỏi đề xuất. Từ 78 bộ câu hỏi đề xuất cùng với bộ câu hỏi của hội đồng chuyên môn, uỷ ban quốc tế sẽ lựa chọn hoặc sửa đổi để có các bộ câu hỏi dự kiến.
Sau đó đại diện của toàn bộ 78 nước thành viên và các nước quan sát viên sẽ họp tập trung (vào tháng 10 hàng năm) để trao đổi và bỏ phiếu chấm điểm từ cao đến thấp cho từng câu hỏi. Sau đó uỷ ban quốc tế sẽ quyết định cuối cùng về đề thi chính thức của năm tới.
Ngôn ngữ chính thức của bộ câu hỏi là tiếng Anh và tiếng Pháp. Các nước thành viên sẽ dịch đề ra ngôn ngữ của nước mình theo nhu cầu.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất