10:43 07/02/2024

Hợp tác quốc tế trong bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Cao Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo vệ quyền, lợi ích của trẻ em.

Thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ 13 “Độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”, với phương châm “Chủ động, linh hoạt, hiệu quả, sáng tạo”, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTEVN) cũng có nhiều đóng góp tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em.

1
Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa và Tiến sĩ Najat Maalla M’jid – đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về phòng chống bạo lực trẻ em đồng chủ trì phiên Đối thoại bàn tròn về phòng chống bạo lực trẻ em tại Văn phòng Unicef Hà Nội.

Thông qua các hợp tác song phương, đa phương và hợp tác với các tổ chức phi Chính phủ, Hội có điều kiện nâng cao năng lực, tiếp cận các nguồn lực tài chính, kỹ thuật để góp phần hiện thực hóa các quyền của trẻ em. Đồng thời, Hội cũng có cơ hội tham gia quá trình thiết lập và thực thi các tiêu chuẩn, cam kết quốc tế về bảo vệ trẻ em, tạo môi trường hỗ trợ để bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em trên phạm vi toàn cầu.

Hội đã và đang hợp tác với gần 30 tổ chức quốc tế, đặc biệt là các hợp tác với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ JIFF (EU JULE), Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SC), ChildFund, Quỹ Gia đình và Trẻ em Đài Loan (TFCF)… Thời gian qua cho thấy một số hình thức hợp tác đem lại hiệu quả đáng kể.

Với vai trò là tổ chức xã hội chuyên về bảo vệ quyền trẻ em, Hội chủ động tham gia đầy đủ và có trách nhiệm trong các cơ chế phối hợp về quyền trẻ em khi trở thành thành viên Liên minh Quyền trẻ em Châu Á (CRC Châu Á), Tổ chức Chấm dứt mại dâm, khiêu dâm và buôn bán trẻ em nhằm bóc lột tình dục (ECPAT), đồng Chủ tịch Nhóm công tác về quyền trẻ em tại Việt Nam (CRWG).

Thông qua đó, Hội học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, phản ánh các nỗ lực và ưu tiên của Việt Nam; đóng góp hiệu quả vào việc cùng các đối tác giải quyết các vấn đề liên quan tới bảo vệ trẻ em cũng như tham gia quá trình xây dựng các cam kết của khu vực và quốc tế về bảo vệ trẻ em, ví dụ các Tuyên bố ASEAN, các bình luận chung của Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc…

Diễn đàn các tổ chức xã hội về thực hiện quyền trẻ em theo Khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em Liên hợp quốc
Diễn đàn các tổ chức xã hội về thực hiện quyền trẻ em theo Khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em Liên hợp quốc

Hội cũng tích cực đóng góp xây dựng các báo cáo quốc gia và báo cáo của các tổ chức phi Chính phủ về thực hiện Công ước quyền trẻ em, Công ước quyền của người khuyết tật, Công ước CEDAW, Báo cáo theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát UPR…

Hội chủ trì tổ chức định kỳ Diễn đàn các tổ chức xã hội thực hiện Công ước quyền trẻ em và các khuyến nghị của Ủy ban Công ước Quyền trẻ em của Liên hợp quốc với sự tham gia của các tổ chức trong nước và quốc tế; tổ chức các hội thảo, tọa đàm chuyên đề để góp ý vào hàng chục dự thảo luật, nghị định liên quan; tham gia các đối thoại cấp cao với các đối tác quốc tế ví dụ Đối thoại với Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về bạo lực trẻ em vào tháng 11/2022.

Hội quan tâm, thúc đẩy hợp tác với các tổ chức quốc tế để nghiên cứu, đánh giá những vấn đề mới nảy sinh, đưa ra các đề xuất làm cơ sở bảo vệ trẻ em tốt hơn trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

2
Đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam trình bày tham luận tại Hội nghị đối tác châu Á - Thái Bình Dương của Liên minh quyền trẻ em Châu Á tổ chức từ ngày 20-23/8/2023 tại Manila - Philippines.

Hội hợp tác với tổ chức Childfund tiến hành đánh giá về việc cung ứng các dịch vụ bảo vệ trẻ em ngoài công lập; hợp tác với UNICEF để phát triển các khung khổ đánh giá tác động quyền trẻ em trong xây dựng và thực thi luật pháp chính sách, giám sát việc bảo vệ trẻ em và phòng chống lao động trẻ em trong các chuỗi cung ứng tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh hộ gia đình; góp phần thực thi hiệu quả các cam kết về phòng chống lao động trẻ em trong các Hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA và các cam kết song phương khác liên quan tới kinh tế xanh, phát triển bền vững, nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng…

Đặc biệt, Hội hợp tác với các tổ chức phi chính phủ như Nhóm công tác phi chính phủ về quyền trẻ em (CRWG), Save Children, Health Bridge thúc đẩy sự tham gia của trẻ em thông qua các khảo sát lấy ý kiến trẻ em, tọa đàm, thi tìm hiểu về quyền trẻ em, biến đổi khí hậu, đồ uống có đường, thuốc lá điện tử…

Bên cạnh đó, Hội cũng có những nỗ lực trong hỗ trợ Đoàn đại biểu đại diện cho trẻ em Việt Nam tham dự sự kiện “Gặp gỡ trẻ em khu vực” thường niên do Liên minh quyền trẻ em châu Á tổ chức.

4
Đại diện trẻ em của Câu lạc bộ Quyền trẻ em phường Hải Châu 1, TP Đà Nẵng được Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam hỗ trợ tham dự sự kiện “Gặp gỡ trẻ em khu vực” tháng 8/2023 tại Manila, Philippines.

Tuy nhiên, trong quá trình thúc đẩy hợp tác quốc tế, Hội cũng gặp một số khó khăn như thủ tục phê duyệt tiếp nhận viện trợ quốc tế theo Nghị định 80/2020/NĐ-CP, Nghị định số 114/2021/NĐ-CP của Chính phủ và việc tổ chức các hội nghị, hội thảo có yếu tố quốc tế theo Quyết định 06/2020/QĐ-TTg hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thời gian phản hồi kéo dài (2-4 tháng), qua nhiều cấp phê duyệt, và nhiều khi do chậm muộn ở khâu phê duyệt nên lỡ cơ hội hợp tác, lãng phí nguồn lực quốc tế, trong bối cảnh ngân sách dành cho trẻ em của chúng ta còn hạn chế. Điều này thực sự ảnh hưởng tới việc vận động nguồn lực quốc tế cho các hoạt động vì quyền trẻ em của Hội.

Với phương châm “Chung tâm - Chung trí - Chung sức bảo vệ quyền trẻ em”, Hội BVQTEVN sẽ tiếp tục củng cố, duy trì và phát triển quan hệ đối tác bền vững với các tổ chức quốc tế vì mục tiêu bảo vệ quyền trẻ em, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Hội BVQTEVN tổ chức tháng 12/2023 và Chiến lược phát triển Hội đến năm 2035, tập trung vào các nội dung: Tham gia đầy đủ và có trách nhiệm trong vai trò đầu mối các nhóm công tác quốc tế về bảo vệ quyền trẻ em; Mở rộng hợp tác quốc tế để vận động nguồn lực kỹ thuật và tài chính, cùng giải quyết các vấn đề về bảo vệ trẻ em; Nâng cao năng lực hợp tác quốc tế của cán bộ Hội ở Trung ương và địa phương.

 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận