15:17 10/01/2024

Vai trò của luật sư trong việc bảo vệ quyền trẻ em

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Luật sư Trần Thị Thu Hà

Hiện nay, vai trò của Luật sư tham gia vào các vụ việc bảo vệ trẻ em ngày càng thể hiện rõ nét hơn, nhất là trong việc bảo vệ trẻ em là người bị hại.

Một vụ án hình sự xảy ra liên quan tới trẻ em, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, quan tâm là của toàn xã hội, không của riêng ai. Bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em trong vụ án hình sự cũng đồng thời là trách nhiệm của luật sư đối với xã hội.

Thời gian gần đây, tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến trẻ em nói chung, tình hình xâm phạm tình dục, bạo lực với trẻ em nói riêng có diễn biến phức tạp, được Đảng, nhà nước và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Đặc biệt vai trò của Luật sư tham gia vào các vụ việc bảo vệ trẻ em ngày càng thể hiện rõ nét hơn nhất là trong việc bảo vệ trẻ em là người bị hại.

 Dù tham gia tố tụng với vai trò nào thì trẻ em cũng luôn là người còn hạn chế cả về thể chất và tinh thần, rất cần được sự giúp đỡ về mọi mặt và luôn phải có người đại diện hợp pháp và am hiểu pháp luật cùng tham gia. Do vậy Luật sư là người rất cần để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong các vụ án hình sự đối với trẻ em là người dưới 18 tuổi.

anh 3
Các thành viên Câu lạc bộ Luật sư, luật gia, hội thẩm nhân dân - Cơ quan thường trực phía Nam Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

Trong trường hợp vụ án mà trẻ em là bị hại hoặc người tham gia tố tụng khác đòi hỏi yêu cầu rất nặng nề khi luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, bởi trong những vụ án này, trẻ em là người còn chưa hoàn thiện về thể chất cũng như tinh thần, hiểu biết pháp luật và xã hội rất hạn chế nên luôn có tâm lý e ngại, giấu sự việc. Do vậy ngay từ ban đầu, việc đưa vụ án ra công khai đã là cả một quá trình khó khăn. Khi được giải thích hay hiểu ra vấn đề thì mọi chuyện đều đã muộn, tình tiết, chứng cứ, nhân chứng đã cũ, phai nhạt, thậm chí là đã mất dấu tích…

Điển hình như những vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. Đây là những vụ án thường bị phát hiện và giải quyết muộn, chậm do người bị hại không dám tố cáo bởi nhiều lý do, hơn nữa đa phần người thực hiện hành vi phạm tội là người thân thích hoặc hàng xóm láng giềng hoặc người hiểu biết, dễ che giấu hành vi phạm tội của mình, chưa nói đến vấn đề trẻ bị đe dọa phải giấu kín hoặc phải lệ thuộc vào việc nuôi dưỡng, bị dụ dỗ về vật chất, tiền bạc...

Như một vụ án tại XM-BRVT, “Giao cấu với người dưới 16 tuổi” lại có tình tiết loạn luân. Cậu ruột quan hệ với cháu đến có thai và sinh con, nhưng trong giai đoạn khởi tố, điều tra bị hại đều khai là tự nguyện, lại không chịu tiếp nhận luật sư trợ giúp vì sợ tội của mẹ và cậu bị nặng hơn. Nhưng đến khi ra tòa xét xử bị hại lại khai nguyên nhân phải quan hệ với người cậu là do cậu bắt buộc, không cho thì bị nhốt vào nhà và bị đánh đập. Hỏi tại sao không khai ngay từ đầu, bị hại nói rằng lúc đó do sợ quá nên không nhớ, mẹ bị hại khi được hỏi thì cũng xác định lời khai của bị hại là đúng, và bà mẹ cũng có can thiệp nhưng cũng bị người em trai của mình đánh. Như vậy từ chỗ tự nguyện lại trở thành bắt buộc và vụ án lại tiếp tục bị trả lại điều tra sau ba lần hoãn phiên tòa vì thủ tục tố tụng.

Trong vụ án này phải nói đến vai trò của người trợ giúp pháp lý, do bị hại là người dưới 16 tuổi nên được Trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh cử người bảo vệ. Nhưng do đường xa, việc đi lại để gặp bị hại cũng bị hạn chế nên không tìm hiểu cặn kẽ vụ án từ người bị hại để có ý kiến về tội danh. Trong trường hợp bị hại bị ép buộc thì tội này phải là tội hiếp dâm không phải giao cấu với người dưới 16 tuổi và có thêm tình tiết tăng nặng là loạn luân. Và nếu được tìm hiểu để tham gia cùng viện kiểm sát và tòa án về những tình tiết vụ án, thủ tục tố tụng thì vụ án không kéo dài đến 3 lần hoãn xử. Hiện phải chờ trả hồ sơ điều tra bổ sung, như vậy không biết đến lúc nào mới xử được, ảnh hưởng thời gian, công sức, tiền bạc của những người tham gia tố tụng.

Thực tế hiện nay việc chỉ định người trợ giúp pháp lý cho bị hại là có theo Luật trợ giúp pháp lý, tuy nhiên không phải vụ việc nào cũng được trợ giúp vì trong Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 chỉ bắt buộc phải có luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý trong vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi phạm tội. Ví dụ như trong vụ án tại CB Tiền Giang bị hại chỉ mới hơn 13 tuổi, gia đình bị hại sợ vụ án không được giải quyết vì người phạm tội có nhiều tiền, do không có tiền thuê luật sư đã tìm đến Hội nhờ giúp đỡ. Nhờ tham gia từ giai đoạn điều tra nên Luật sư đã tư vấn cho gia đình bị hại và tham gia vào các buổi lấy cung với bị hại nên cũng đã giúp vụ án được xét xử theo đúng quy định của pháp luật. Bị hại được bồi thường 300 triệu đồng, người phạm tội bị xử 4 năm tù về tội giao cấu với trẻ em. Đây là vụ án từ môi trường mạng bị hại bị phụ huynh của người bạn học cùng trường sau khi quen nhau trên mạng xã hội đã cùng nhau đi chơi. Bị hại được cho tiền và đã đồng ý đến nhà bị cáo để quan hệ, sau bị hại bị con bị cáo đón đánh bị hại vì lý do đi chơi cùng ba mình, vụ án được phát hiện và công an vào cuộc để điều tra . Kết quả vụ án đã được giải quyết đến nơi đến chốn.

chân dung luật sư
Các luật sự tham gia tư vấn pháp luật miễn phí chủ đề "Điểm tựa niềm tin" tại TP Hồ Chí Minh.

Đối với trường hợp trẻ em là người bị buộc tội, bị can, bị cáo trong vụ án hình sự, khi có yêu cầu luật sư tham gia bào chữa thì trong các giai đoạn tố tụng từ khởi tố điều tra đến truy tố và xét xử, luật sư luôn phải dành tâm huyết nhiều hơn so với những vụ án bình thường. Bởi ngoài việc tìm hiểu những vấn đề đặc thù của trẻ em phạm tội được pháp luật quy định, luật sư còn phải nắm bắt được tâm lý, tình cảm; nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội của trẻ em, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề nghị yêu cầu thỏa đáng và đúng pháp luật giúp cho việc giải quyết vụ án được tốt nhất và hiệu quả nhất cho quyền lợi của trẻ em.

Ví dụ, trường hợp trẻ em phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự. Khi tham gia bào chữa cho trẻ em trong vụ án này thì luật sư cần nghiên cứu thật kỹ các tình tiết, chứng cứ giúp bào chữa có hiệu quả và tốt nhất cho trẻ em. Bên cạnh đó cũng phải tìm hiểu rõ nguyên nhân, hoàn cảnh, điều kiện phạm tội cũng như nhân thân của người phạm tội như gia đình bị can, bị cáo ra sao, bố mẹ có hoàn cảnh gì đặc biệt, cha mẹ có ly hôn không, hoàn cảnh sống như thế nào và tác động ra sao tới việc phạm tội của trẻ em.

việc tham gia bảo vệ cho trẻ em trong giai đoạn hiện nay rất cần sự chung tay của những người làm công tác pháp luật trong đó có luật sư.
Việc tham gia bảo vệ cho trẻ em trong giai đoạn hiện nay rất cần sự chung tay của những người làm công tác pháp luật trong đó có luật sư.

Trong giai đoạn khởi tố điều tra, nhất là những buổi lấy cung, đòi hỏi sự có mặt của luật sư, ngoài việc tạo tâm lý ổn định cho người bị buộc tội thì cũng để cho trẻ em hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ của mình để khai báo một cách khách quan, đầy đủ nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng và hiệu quả.

Trong giai đoạn truy tố, sau khi nhận được cáo trạng của viện kiểm sát đề nghị truy tố về khung, khoản, điều; người bị buộc tội là trẻ em có thể rất hoang mang, lo sợ hoặc cũng có thể không hiểu rõ sự việc thì luật sư là người cần giải thích cũng như tư vấn cho khách hàng của mình nắm chắc thêm các quy định của pháp luật, từ đó chấp hành phù hợp. Ngoài ra có những vấn đề liên quan, cần thiết cho khách hàng của mình thì luật sư có đề xuất, kiến nghị phù hợp bảo đảm quyền lợi cho trẻ em phạm tội.

Tại phiên tòa xét xử là đỉnh cao của quá trình tranh tụng, luật sư cần có sự chuẩn bị thật tốt từ việc hỏi bị cáo đến việc đưa ra yêu cầu, kiến nghị tại phiên tòa cũng như có căn cứ, luận cứ chặt chẽ bào chữa cho khách hàng của mình, nhằm thuyết phục hội đồng xét xử để đưa ra những phán quyết thấu tình đạt lý và có lợi nhất cho khách hàng của mình.

Cụ thể là vụ án cố ý gây thương tích tại huyện BC có 15 bị cáo khi phạm tội chỉ mới 15 tuổi, có 01 bị cáo đã 19 tuổi, qua 4 lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm tại tòa án huyên BC, Tòa gia đình và người chưa thành niên TPHCM, từ sơ thẩm lần 01, có 1 bị cáo trực tiếp thực hiện gây án bị án tù từ 3-4 năm, 12 bị cáo án treo 02 năm, khi lên phúc thẩm Viện Kiểm sát kháng nghị vì còn để lọt người trả hồ sơ về cho Tòa sơ thẩm BC xét xử lại.  Xét xử sơ thẩm lần 02 thêm 02 bị cáo và tòa sơ thẩm lần 02 đã xử tất cả bị cáo đều bị án tù. Sau khi xảy ra vụ án cho đến thời gian xét xử kéo dài có bị cáo đã có con, đa số các bị cáo đều đã có việc làm ổn định và tu sửa bản thân, sống tốt ở địa phương không phạm tội gì khác bây giờ phải vào tù nên hoang mang và không cam tâm. Các bị cáo đều kháng cáo phúc thẩm, lúc đó có 01 gia đình bị cáo quá bức xúc vì vai trò của người này và một số bị cáo khác rất mờ nhạt, không trực tiếp tham gia, chỉ đứng ngoài giữ xe, nay tòa kéo dài việc xét xử thay đổi hình phạt làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, hoàn cảnh sống của các bị cáo, sau đó có người đã tìm đến Hội nhờ giúp đỡ.

Sau khi tìm hiểu vụ việc, Hội đã cử luật sư tham gia dù thời gian chỉ còn 10 ngày tòa sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm. Khi xem xét hồ sơ chứng cứ, thấy rằng việc VKS kháng nghị chỉ là tòa án để lọt người, không kháng nghị tội danh và hình phạt các bị cáo. Nay Tòa BC xét xử lại thay đổi hình phạt cách ly các bị cáo ra ngoài xã hội, trong khi thời điểm này các bị cáo đã làm ăn sinh sống lương thiện không ảnh hưởng gì đến trật tự xã hội thì việc cách ly này đâu mang ý nghĩa gì mà còn làm đảo lộn cuộc sống của các bị cáo khi đã sửa chữa lỗi lầm, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với việc khoan hồng của luật pháp.

Sau đó, Hội đã có công văn kiến nghị gửi cho Tòa án và có 01 luật sư tham gia bào chữa trước phiên tòa, hướng dẫn gia đình bị cáo xin giấy xác nhận của chính quyền địa phương về quá trình sinh sống ở địa phương của các bị cáo từ khi vụ án xảy ra đến khi xét xử. Kết quả, Tòa Gia đình và người chưa Thành niên cùng VKS đã nhất trí quan điểm của Hội và luật sư đã tuyên 12 bị cáo từ án giam chuyển qua án treo để tạo điều kiện cho các bị cáo được sinh sống và làm ăn tại gia đình, có điều kiện sửa đổi và ngày càng sống tốt hơn.

Qua các việc trên đã thấy rằng, trong thời gian qua các vụ việc liên quan đến bạo lực xâm hại trẻ em, thường do gia đình bị hại đến yêu cầu  hoặc do Hội Bảo vệ quyền trẻ em phát hiện và chủ động đề nghị hỗ trợ gia đình, ít thấy được chỉ định từ phía cơ quan chức năng có liên quan. Đây cũng là một khó khăn và thiếu sự công bằng đối với trẻ em, cần có sự thống nhất giữa các nội dung về pháp luật trong các vụ việc hình sự liên quan đến trẻ em, không phân biệt trẻ em là người phạm tội hay là người bị hại.

Đối với Luật sư, những vụ việc tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho trẻ em dù cho bị hại, hay bị cáo thường là phải tốn nhiều tâm sức, thời gian, tiền bạc đi lại để tìm hiểu tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh gia đình, những điều khúc mắc trong vụ án để có cơ sở bảo vệ tốt cho các em trong quá trình tố tụng. Tuy nhiên, những vụ việc hiện nay hầu như các luật sư làm miễn phí (Luật sư tham gia với Hội) hoặc nếu có phí (Luật sư thuộc đoàn Luật sư hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý được chỉ định) cũng là rất ít, đôi khi phải bỏ thêm tiền túi để giúp đỡ, nhất là đối với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp bị hại ở các tỉnh xa đi lại khó khăn tốn kém mà không có khoản chi phí nào bù đắp, đây cũng là việc khó khăn khi tham gia lâu dài của các luật sư.

Đối với Hội Bảo vệ quyền trẻ em, đây là chức năng nhiệm vụ phải làm, việc bảo vệ trẻ em là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội.  Điểm thuận lợi hiện nay là uy tín của Hội ngày càng mở rộng, người dân ở nhiều tỉnh thành đã liên hệ để nhờ giúp đỡ. Nhưng đó cũng là vấn đề đặt ra, làm sao để có nguồn quỹ lâu dài để hỗ trợ, thu hút các luật sư tham gia bảo vệ trẻ em cùng với Hội, không chỉ là bảo vệ trẻ em bị xâm hại mà còn phải bảo vệ cho trẻ em khi thực hiện các quyền khác của trẻ em. Luật sư tham gia không tính phí, không đòi hỏi quyền lợi gì, đây cũng là nghĩa vụ của luật sư tham gia đóng góp cho xã hội, tuy nhiên về lâu dài việc đi lại, ăn ở của luật sư cũng cần phải được hỗ trợ khi tham gia các vụ án ở tỉnh xa điều đó giúp cho sự gắn bó giữa Hội và các luật sư bền vững hơn.

Ngoài ra, việc chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình luật sư tham gia bảo vệ trẻ em cũng rất cần thiết để góp phần nâng cao hiệu quả cho quá trình luật sư hỗ trợ các vụ việc vi phạm quyền trẻ em tại cộng đồng.

Rõ ràng, việc tham gia bảo vệ cho trẻ em trong giai đoạn hiện nay rất cần sự chung tay của những người làm công tác pháp luật trong đó có luật sư. Việc có luật sư tham gia trong quá trình tố tụng giúp cho bị hại, cho người dưới 18 tuổi phạm tội kể cả các cơ quan tố tụng sẽ góp phần cho việc thực thi pháp luật đúng quy định, bảo đảm quyền và lợi ích tối đa cho trẻ em.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận