Không nên để các trường tiểu học tự tổ chức thi đánh giá năng lực tư duy vào lớp 1
Thầy Đặng Tự Ân - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học nói thẳng, không nên để các trường tiểu học tự tổ chức kỳ thi này bởi sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và nhận thức của trẻ.
Các trường “hot” tại Hà Nội bắt đầu tuyển sinh lớp 1
Theo thông tin tuyển sinh của trường Tiểu học công lập chất lượng cao Chu Văn An (Hà Đông, Hà Nội), đối với các học sinh đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe và hoàn thành Chương trình học theo quy định của Bộ GD&ĐT, đáp ứng đủ điều kiện nhập học sẽ tham gia 5 quy trình tuyển sinh.
Trong đó, các em cần đăng ký tham gia thi tuyển với mức lệ phí 500.000đ/học sinh và làm bài thi đánh giá năng lực với 3 phần: Toán tư duy, Tư duy ngôn ngữ và Tiếng Anh. Đặc biệt, đối với học sinh lớp 1 sẽ được kiểm tra năng lực nhận biết, ghi nhớ, diễn đạt, phát âm và khả năng vận động của trẻ.
Mới đây, Trường Marie Curie Hà Nội cũng vừa có thông báo tuyển sinh năm học 2024-2025. Trong đó, nhà trường dự kiến tuyển sinh lớp 1 ở các cơ sở Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), Kiến Hưng (quận Hà Đông) và Việt Hưng (quận Long Biên).
Tại cơ sở Mỹ Đình và Kiến Hưng, phương thức tuyển sinh lớp 1 sẽ thông qua một ngày học sinh trải nghiệm ở trường gồm ăn, ngủ, tham gia các hoạt động. Nhà trường sẽ chọn ra những em có khả năng tập trung trong giờ học, tự tin, hợp tác với giáo viên và ăn tốt, ngủ tốt vào lớp 1.
Đặc biệt ở cơ sở Việt Hưng, học sinh vào lớp 1 sẽ được lựa chọn qua phương thức phỏng vấn. Sau khi phụ huynh đăng ký trực tuyến cho con, học sinh dự phỏng vấn (10 phút/học sinh) tại cơ sở này. Số lượng học sinh được dự phỏng vấn là 600.
Năm nay, nhằm giảm áp lực tổ chức cho cả nhà trường và học sinh dự tuyển, phụ huynh sẽ nộp hồ sơ trực tuyến, nhà trường cũng hạn chế số lượng hồ sơ nộp vào bằng cách khi số lượng hồ sơ gấp đôi chỉ tiêu tuyển sinh, cổng sẽ tự động đóng lại.
Trường Liên cấp Tiểu học & THCS Ngôi sao Hà Nội tuyển sinh lớp 1 năm học 2024-2025 với tổng số 9 lớp, 32 học sinh/lớp. Theo đó, ở vòng sơ tuyển, sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký tuyển sinh, phụ huynh học sinh sẽ phải gửi video sơ tuyển theo hướng dẫn của nhà trường.
Nhà trường sẽ đánh giá học sinh qua bài kiểm tra WISC-IV (Wechsler Intelligence scale for Children) và Ban giám hiệu phỏng vấn trực tiếp. Đối với học sinh tham gia CLB The Little Hansers, học sinh được đánh giá và phỏng vấn trực tiếp với Ban giám hiệu nhà trường trong quá trình trải nghiệm tại CLB. Kết quả đánh giá dùng để xét tuyển vào lớp 1 năm học 2024-2025.
Đối với học sinh không tham gia CLB The Little Hansers, học sinh đã được đánh giá và phỏng vấn trực tiếp với Ban giám hiệu nhà trường vào ngày 21.1 Đối với những học sinh có nguyện vọng học lớp Tiếng Anh nâng cao 1B0: sau khi nhập học, phụ huynh đăng ký tham gia đánh giá trình độ Tiếng Anh cho học sinh theo kế hoạch của nhà trường. Kết quả tuyển sinh sẽ được nhà trường gửi tới phụ huynh học sinh bằng email.
Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm) năm nay sẽ tuyển khoảng 500 học sinh lớp 1 bằng hình thức xét tuyển, phỏng vấn trực tiếp. Song song với việc mở cổng trực tuyến cho phụ huynh nộp hồ sơ, trường này mở câu lạc bộ để dạy kiến thức, kỹ năng cho trẻ trước khi bước vào vòng phỏng vấn.
Phụ huynh vội vàng chạy theo các lớp tiền tiểu học
Trên mạng xã hội, các nhóm giáo dục mầm non, tiểu học, giáo viên, trung tâm đua nhau thông báo tuyển sinh, chào mời học sinh tham gia đăng ký các lớp tiền tiểu học. Phụ huynh cũng hỏi nhau lò luyện, lớp học uy tín hằng năm có tỉ lệ cao trẻ đỗ vào các trường “hot”.
Có con sinh năm 2018 và vừa thi đỗ vào trường Tiểu học Ngôi Sao (Hà Nội), chị Lê Thuỳ Trang (ở quận Thanh Xuân) chia sẻ, với mong muốn con có thể đỗ vào trường tiểu học mong muốn, chị đã cho con học Toán tư duy, tiếng Anh từ sớm. Ngoài ra, chị cũng vô cùng chú trọng về phần giao tiếp ngôn ngữ vì khi thi vào trường này sẽ phải trải qua cuộc phỏng vấn với Ban giám hiệu.
Theo chị Trang, bộ câu hỏi sẽ thiên về những câu hỏi mở và cần tư duy cao, có cả làm phiếu bài tập. Bên cạnh đó, mỗi em phải làm thêm một video giới thiệu về bản thân sở thích và khả năng của con.
Sắp tới, chị Trang dự định cũng sẽ cho con thứ hai sinh năm 2019 thi vào ngôi trường này. Chị cho biết, tỷ lệ chọi cao nên chị sẽ mạnh dạn đầu tư và ôn cho con. Theo chị, nếu có mục tiêu vào các trường tư dạy tăng cường tiếng Anh hay chương trình Cambridge mà không cho con học trước sẽ khó trúng tuyển.
Chị Nguyễn Phương Anh (ở quận Hoàng Mai) mong muốn con có thể vào học trường Tiểu học Nguyễn Siêu. Từ đầu năm, chị đã tập trung cho con học giao tiếp tiếng Anh mỗi tuần 2 buổi bởi theo chị, con nghe nói tốt thì sẽ dễ đỗ. Tuy nhiên, khó nhất là các bài thi tư duy GAT (bài thi thiên về kiến thức tổng quát) phải đạt A trở lên. Do đó, ở nhà mỗi ngày chị thường cho con luyện các bộ sách tư duy khoảng 30 phút. Ngoài ra, chị cũng cho con theo học một cô giáo lớp 1 dạy tiền tiểu học, một tuần con học 3 buổi sau giờ học mẫu giáo ở trường. Cô giáo cho con luyện chữ, tập đọc, làm toán.
Chị Hoàng Diệu Anh (ở quận Hà Đông) cho rằng, giờ hầu như các con phải học trước khi vào tiền tiểu học, nếu bước vào lớp 1 mới học cách cầm bút là muộn và phải đuổi theo các bạn. Mỗi giáo viên không thể sát sao hết được toàn bộ học sinh và khả năng tiếp thu nhanh hay chậm ở mỗi học sinh đều không giống nhau. Vì vậy nên, hiện nay phụ huynh đều mặc định ngầm rằng, trước khi nhập học trẻ phải biết đọc biết viết trước, các em có thể chưa thông thạo, những phải có nền tảng cơ bản.
Tuy nhiên, một phụ huynh khác cho rằng, nếu năng lực của con chỉ ở mức trung bình/khá thì hãy lựa chọn các trường phù hợp để giảm bớt gánh nặng cho con. Kể cả các bố các mẹ có ép được con vào trường “hot” mà năng lực của con chỉ đến một ngưỡng cho phép thì vẫn khó để phát triển năng lực và không theo được chương trình học.
Có hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy lớp 1, cô Nguyễn Thị Anh (ở Thái Nguyên) cho rằng, các bé 5 tuổi chỉ nên làm quen dần với các khái niệm âm, chữ ghi âm, chữ số, chữ ghi số, tập phát âm to rõ ràng, tròn vành rõ tiếng, tập viết, nghe, nói thành câu ngắn gọn,..
Mỗi ngày trẻ chỉ cần đọc một âm chuẩn, tập viết khoảng 4-5 dòng chữ ghi âm, không cần phải cố gắng viết thật nhiều mà quan trọng là phải chú ý cách cầm bút, tư thế ngồi viết đúng quy định để viết thật đúng chữ và sau đó là tiến tới viết đẹp. Nếu phụ huynh ép buộc con học quá nhiều kỹ năng sẽ gây áp lực khổ con mà phản tác dụng.
Nếu gây áp lực hoặc sai phương pháp sẽ là lợi bất cập hại
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, thầy Đặng Tự Ân, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc cho trẻ học trước kiến thức là không nên bởi nó sẽ gây bất lợi cho quá trình phát triển của trẻ.
“Trước khi con vào lớp 1, tâm lý chung của các phụ huynh đều lo lắng con sẽ không bắt kịp các bạn. Tuy nhiên, ở lứa tuổi cần đến sự phát triển tự nhiên này, việc học chữ, nhồi nhét và dạy trước kiến thức, rèn luyện tư duy là không tốt cho các em. Cha mẹ chỉ nên can thiệp bằng cách định hướng về nhân cách, phát triển hài hoà về cảm xúc và trí tuệ logic cho con. Đặc biệt, tuổi thơ của trẻ nên tham gia những hoạt động vui chơi đúng với lứa tuổi của mình để thúc đẩy trí tò mò và sự sáng tạo”, thầy Ân nêu quan điểm.
Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, những trường đặt ra những bài thi đánh giá năng lực đầu vào như vòng phỏng vấn và các bài thi Toán tư duy, Tư duy ngôn ngữ và Tiếng Anh thực chất chỉ là lấy “cớ” để loại bớt thí sinh.
Do đó, ông cho rằng, không nên để các trường tự tổ chức kỳ thi này bởi sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và nhận thức của trẻ. Các trường nên tập trung vào sự phát triển của trẻ, lấy trẻ làm trọng tâm của hoạt động giáo dục.
Hơn nữa, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên có ý kiến và giải pháp hợp lý, quan trọng là phải để trẻ phát triển đúng với khả năng, tiềm năng của chúng.
Nhiều em nhỏ mới chuẩn bị lên lớp 1 mà trẻ đã học thêm kín tuần, thầy Ân cho rằng, cha mẹ của các em đang bị mắc “bệnh thành tích” và vẫn giữ quan điểm giáo dục xưa cũ, chưa cập nhật phương pháp giáo dục đổi mới của chương trình năm 2018. Tức là vẫn còn quá coi trọng kiến thức, vô tình đẩy nền giáo dục Việt Nam vẫn tồn đọng nạn thi, nạn học thêm, nạn điểm số, nạn thành tích, dần dần ảnh hưởng đến các thế hệ về sau này.
Thầy Ân đưa ra lời khuyên phụ huynh không nên vì xu hướng đám đông mà lo lắng: “Trẻ cần có sự trải nghiệm để phát triển cảm xúc - yếu tố giúp hình thành nhân cách toàn diện cho các em”. Trải nghiệm không nhất thiết phải theo tổ chức, trường lớp mà có thể đi cắm trại cùng với gia đình, mở mang tâm trí qua thực tế cuộc sống.
Bên cạnh đó, ở lứa tuổi còn nhỏ này, việc các gia đình quá chú trọng về những kiến thức sách vở vô tình khiến trẻ đánh mất tuổi thơ, thiếu kỹ năng mềm, cách ứng xử, kỹ năng sống và hoạt động thể chất.
Thay vì cho bé học những lớp tiền tiểu học, học trước kiến thức, cha mẹ nên trang bị những kỹ năng cần thiết và chuẩn bị tâm lý vững vàng cho con trước khi bước vào lớp 1.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất