07:26 04/11/2022

Chuyện một trẻ em Việt Nam bị ép học thêm 14 ca mỗi tuần gây tranh cãi

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Bài viết kể câu chuyện về một em bé "bị ép phải học thêm 14 ca mỗi tuần" hiện đang thu hút sự quan tâm của bạn đọc Tạp chí điện tử Trẻ em Việt Nam. Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình với việc học thêm của trẻ thì cũng có không ít độc giả phản đối. Để rộng đường dư luận, xin trích đăng một số ý kiến.

Bài viết này thuộc chuyên đề Học thêm

14 ca học thêm mỗi tuần, từ tiếng Anh, Toán, Tiếng Việt cho đến các lớp học ngoại khoá như catwalk, mỹ thuật, đàn... khiến trẻ ám ảnh, muốn được đi chơi nhưng không dám xin mẹ vì "sợ mẹ buồn".

Xem thêm

Như Tạp chí điện tử Trẻ em Việt Nam đã thông tin, một vị phụ huynh khi được hỏi đã nhẩm tính, con chị có 14 ca học thêm mỗi tuần: Từ tiếng Anh, Toán, Tiếng Việt cho đến các lớp học ngoại khoá như catwalk, mỹ thuật, đàn...

Chị Mai Linh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, thực ra bố mẹ cũng không muốn con học nhiều nhưng vì hoàn cảnh bắt buộc phải làm như vậy: "Như con trai tôi, cháu theo học lớp chuyên của trường nên nếu không học thêm thì không thể theo kịp các bạn trong lớp. Biết con mệt, gia đình chỉ biết động viên con cố gắng chứ cũng không thể làm khác. Cháu hướng đến mục tiêu thi đỗ vào những trường cấp 3 có tên tuổi trong thành phố nên việc học thêm nhiều cũng để cháu có tương lai tươi sáng hơn".

học thêm
Việc học thêm nên xuất phát từ sự tự nguyện của trẻ em chứ không phải thầy cô, cha mẹ ép buộc (Ảnh: Internet).

Chị Phương Anh (Long Biên, Hà Nội) có quan điểm như sau: "Học thêm gì mà nhiều thế. Có gì mà dạy liên miên? Tôi thấy trẻ em Việt Nam học như đi làm quần quật từ sáng đến tối. Trẻ em đâu phải chỉ nhồi nhét kiến thức trong sách giáo khoa mà còn học văn thể mỹ, còn sức khỏe, nuôi dưỡng thế giới tâm hồn... 

Tôi cho rằng, có những kiến thức phải cần thầy cô dạy mới biết nhưng cũng có những thứ ở trường đời chưa chắc cô thầy hướng dẫn hết được. Chỉ có va chạm, lăn lộn, bản thân mỗi người mới ngộ ra được. Có như vậy mới thấy được nhiều mặt của cuộc sống. Suốt ngày cứ cắm đầu vào học thì không phải là phương pháp hay".

"Tôi cũng đã thử không cho con đi học thêm nhưng khi vào lớp, được cô giáo giới thiệu là lớp dành cho các cháu không biết gì. Vậy mà trong chương trình dạy (nhất là môn Toán) thì gần như dành cho các cháu đã biết hoặc đã học qua rồi nên tôi cũng không hiểu nổi.

Còn việc tự kèm cho cháu ở nhà thì thú thật là tôi không thể. Không phải vì tôi không biết mà là không thể diễn đạt cho cháu hiểu như cách giảng dạy hiện nay, có khi còn khiến cháu thêm rối. Cuối cùng, tôi vẫn phải cho con đi học thêm để bổ sung kiến thức, không thì sẽ quá đuối so với các bạn", anh Việt Thắng (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Một phụ huynh (xin được giấu tên) bày tỏ: "Trời ơi, không cho con đi học thêm thì có yên được với các giáo viên của các cháu đâu? Hiện nay, không thể phủ nhận thực tế đó là có những thầy cô cố tình giảng dạy qua loa, sơ sài trong giờ học chính quy, để rồi sau đó lại dạy rất kỹ lưỡng, tận tình trong những giờ dạy thêm. Mục đích là để kéo học sinh đến các lớp dạy thêm của mình nhằm kiếm thêm thu nhập cá nhân…

Ngoài ra, đâu đó có trường hợp học sinh bị "trù dập" nếu không học thêm, chưa kể đến một số vấn đề tiêu cực khác như thầy cô ưu ái hơn những học sinh học thêm với mình".

Anh Tùng Sơn (Mai Dịch, Hà Nội) lại quyết liệt phản đối ý kiến của các vị phụ huynh nói trên. Anh cho rằng: "Mặc dù việc bắt con học thêm quá nhiều là không đúng nhưng nguồn gốc của nó đâu phải chỉ vì một lý do là đâu đó còn tình trạng thầy cô gợi ý cho con đi học thêm mà có thể do chương trình giảng dạy quá nặng. Thầy cô phải hoàn thành bài giảng đúng chỉ tiêu, nên nhiều thầy cô buộc phải buộc phải chọn cách dạy cho nhanh để hoàn thành nhiệm vụ.

Trong khi bản thân công việc dạy thêm, học thêm không có gì là xấu nếu không nói là quá tốt. Bởi vì nếu không xét đến những trường hợp đặc biệt là những em học sinh rất giỏi, đã tự học thành công, mà xét trên góc độ đa số thì việc dạy thêm, học thêm là sự tự nguyện, là nhu cầu chính đáng của học sinh, đó là khoảng thời gian học sinh được thầy cô hướng dẫn làm nhiều bài tập hơn, kiến thức vững vàng hơn, nâng cao, nhuần nhuyễn hơn.

Bên cạnh đó, giờ học thêm, học sinh được học với những thầy cô mình yêu thích, vì họ giảng bài hay, nhiệt tình, tâm lý,... Có rất nhiều lý do để trẻ em Việt Nam thích học thêm với thầy cô nào đó, và cũng từ đó việc học hành của các cháu có kết quả tốt hơn".

Đồng tình với anh Tùng Sơn, chị Bích Thuỷ (TPHCM) bày tỏ: "Con trai tôi chủ động xin mẹ đi học thêm các môn Lý, Hoá vì thích cách dạy của thầy giáo. Trên lớp đông quá, thầy cũng không thể hướng dẫn chi tiết cho từng bạn. Vì chủ động nên cháu tiếp cận vấn đề rất tích cực. Tôi cho rằng, quan trọng là tâm thế của con trẻ. Nếu trẻ được cha mẹ tôn trọng, trao đổi ý kiến, và đó là việc con thích, không hà cớ gì phải cấm đoán nhu cầu được học thêm chính đáng của con".

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận