Cho học tiền tiểu học trước cả năm, cha mẹ tự gây áp lực khiến con sa sút trí tuệ cảm xúc
Phụ huynh mang tâm lý sợ con kém bạn nên đua nhau cho học tiền tiểu học rất sớm. Tuy nhiên, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cảnh báo, cho học trước chương trình so với lứa tuổi khiến nhiều trẻ bị áp lực, thậm chí sa sút trí tuệ cảm xúc và chán ghét học.
Phụ huynh sốt sắng cho con theo học các lớp tiền tiểu học
Chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, chị Tuệ Linh (quận Ba Đình, Hà Nội) - phụ huynh có con đang học lớp 1 tại một trường công lập tại Hà Nội cho rằng, chương trình giáo dục nặng hơn trước, việc cho con học tiền lớp 1 là cần thiết để con có thể thành thạo các kỹ năng cơ bản.
“Đồng ý là việc dạy dỗ, rèn tính kỷ luật là trách nhiệm của giáo viên lớp 1, nhưng gia đình cũng phải có sự chủ động bởi các lớp tiểu học tại các trường công lập vô cùng đông, trình độ của các em cũng có sự chênh lệch, do vậy không thể phụ thuộc quá nhiều vào giáo viên vì họ không thể hướng dẫn cho từng em. Tôi đã từng chứng kiến có ngày con học tới 2-3 chữ, chưa kịp nhớ thì hôm sau lại chữ mới tiếp. Đó là nguyên nhân nhiều em học sinh lên lớp 3, lớp 4, mà đọc, viết vẫn kém”, chị Linh nói.
Cũng theo chị Linh, học tiền tiểu học sẽ giúp các bạn quen dần với chữ, số, cầm bút khi con đi học con cũng tự tin hơn. Nếu không cho con đi học trong khi con nhà người khác vẫn đi học, vào lớp 1 mặt bằng chung các bạn đã biết chữ hết rồi con mình chưa biết thì lại thành tụt lùi so với các bạn, vô tình con lại sợ học, nhút nhát, con sẽ nản khi đi học.
Một năm nữa con mới vào tiểu học, tuy nhiên chị Đoàn Thị Dung (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã cho con theo học tiền tiểu học tại một trường mẫu giáo gần nhà vì nghe bạn bè nói chương trình học cấp 1 tại trường công có môn tiếng Việt và viết rất nặng, nếu không được học trước thì sợ con sẽ rất vất vả vì khi vào học chính thức.
Bên cạnh đó, nhiều trường tư hiện nay đặt ra yêu cầu thi đầu vào chứ không chỉ nộp hồ sơ. Thậm chí là các trường có yêu cầu cao, tỷ lệ chọi cao thì con không học tiền tiểu học thi vào sẽ khó hơn các bạn đã có sự chuẩn bị.
Chị Dung chia sẻ thêm: “Con tôi được tham gia nhiều hoạt động tiếng Việt sáng tạo lồng ghép vào hoạt động hàng ngày. Con vui lắm, cứ về đến nhà là chơi trò tìm từ, ghép vần, con số, các phép toán con nhớ trong phạm vi 100, ra đường thì con nhận biết được các loại biển hiệu, đèn đường dành cho người đi bộ,...”.
Theo chị Dung, cứ đà này khi vào lớp 1, cả mẹ và con đều nhàn được một nửa bởi: “Con biết trước kiến thức thì tự tin, độc lập, quan trọng là chương trình ở lớp tạo được hứng thú học tập”.
Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng phụ huynh đang mắc căn bệnh thành tích, đổ tiền nuôi các dịch vụ vì sợ con bị tụt lùi so với bạn bè đồng trang lứa. Họ cho rằng, hầu hết phụ huynh từ nhỏ đều không cần học trước vẫn tiến bộ và phát triển tốt, do vậy nên để trẻ tự học khi vào lớp 1, các giáo viên tiểu học sẽ có phương pháp sư phạm giúp con tự phát triển được và bố mẹ chỉ kèm thêm, nếu con tiếp thu không được mới thuê giáo viên dạy kèm.
Các lớp tiền tiểu học liên tục tuyển sinh
Trong khi ở các trường công lập, phụ huynh tự tìm nhóm, tìm cô để học bên ngoài thì nhiều trường tư thục, quốc tế ở Hà Nội hiện nay đều thấy đăng tin về các lớp tiền tiểu học. Dù các khóa học có mức giá không nhỏ, từ vài triệu đồng cho đến chục triệu đồng, nhưng nhiều phụ huynh vẫn "nghiến răng" để cho con theo học, đổi lấy sự yên tâm.
Để chuẩn bị cho khóa tuyển sinh mới, đầu năm 2024, trường Phenikkaa School thông báo mở lớp tiền tiểu học với chủ đề “Khám phá thế giới tươi đẹp của chúng ta” với mức học phí 3.750.000 đồng/tháng cho 10 buổi học từ 8h30 đến 15h30 (miễn phí khảo sát đầu vào), chi phí ăn uống gồm bữa sáng, bữa xế là 80.000 đồng/ngày.
Học sinh sẽ được làm quen với số tự nhiên, làm quen với các chữ cái, đánh vần, luyện nói theo chủ đề, rèn luyện kỹ năng tự lập và thích nghi với môi trường mới, nhận biết được từ vựng tiếng Anh cơ bản, các kỹ năng tư duy sáng tạo, rèn luyện thể chất,...
Theo thông tin ngôi trường này đưa ra, khóa học sẽ giúp trẻ được rèn luyện kỹ năng tự lập, chủ động học tập, thích nghi nhanh và có nền tảng vững chắc khi bước vào lớp 1. Đặc biệt, trẻ sẽ tự tin hơn với kỹ năng ngôn ngữ, tư duy cần thiết thông qua việc lồng ghép tiếng Anh và tiếng Việt phù hợp với lứa tuổi.
Như thông tin PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam tìm hiểu, chương trình Tiền Tiểu học UNIGO của Trường Tiểu học & THCS UNIGO có mức học phí cho 2 kỳ là 43 triệu đồng bao gồm đồ dùng sách vở cá nhân và các câu lạc bộ ngoài chính khóa.
Chương trình quảng cáo là giúp trẻ nhận biết, phát âm và sử dụng thành thạo các từ và cấu trúc trong các chủ điểm quen thuộc, mở rộng nhận thức về tự nhiên, và xã hội, tạo cơ hội khám phá, trải nghiệm việc tự tay trồng, chăm sóc cây cối... giúp phát triển lòng đồng cảm, tình yêu thiên nhiên, tăng cường phản xạ hỏi – đáp, nghe hiểu và giao tiếp bằng Tiếng Anh đơn giản... làm quen với nếp sống trong trường tiểu học, rèn luyện tính tự lập, tập trung, giúp trẻ ý thức tự học, tự giải quyết vấn đề và chịu trách nhiệm, phát triển thể chất lành mạnh.
Phụ huynh phải được học về giáo dục trẻ một cách đúng đắn
Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, PGS.TS. Đặng Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Phát triển Quản lý giáo dục (ELRD), thành viên Ban điều hành Mạng lưới Quản lý giáo dục EdulightenUp cho rằng, không nhất thiết phải cho con học tiền tiểu học. Đặc biệt, học trước kiến thức như nhiều gia đình hiện nay là đi ngược với phương pháp giáo dục đổi mới - để trẻ phát triển tự nhiên.
Bà phân tích, nhiều cha mẹ mắc bệnh “thành tích”, họ nghĩ rằng nếu biết đọc biết viết trước khi vào lớp 1 thì con sẽ ưu tú hơn các bạn, nhưng không hay biết rằng điều này sẽ đem đến hệ luỵ là con sẽ đánh mất khả năng sáng tạo, mất sự hào hứng với học tập, khi đến lớp con sẽ chỉ ngồi chơi.
“Trẻ có đặc điểm thích cái mới nên những gì đã học, chúng sẽ có xu hướng bỏ qua. Quá trình này kéo dài sẽ làm trẻ đánh mất khả năng tập trung, giảm hứng thú học tập, trẻ sẽ không còn thấy thú vị khi đi học nữa. Quan trọng là trẻ cần có tâm thế sẵn sàng đi học, có kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng giao tiếp, năng lực phát hiện những điều mới..”, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, các lớp tiền tiểu học (nếu có) chỉ nên chuẩn bị tâm thế vào lớp 1, ôn lại những nội dung được dạy ở mầm non, học tư thế ngồi, cách cầm bút... chứ không nên học trước kiến thức lớp 1. Nhiều phụ huynh mang tâm lý sốt sắng sợ con tụt hậu với bạn bè, tuy nhiên chương trình giáo dục của Việt Nam rất tốt, với lịch học hai buổi một ngày và kế hoạch của các nhà trường, hầu như 100% học sinh lớp 1 đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình mới.
Ngoài ra, việc cho trẻ học tiền tiểu học sẽ tạo ra tiền lệ học trước kiến thức, lớp 1 sẽ học trước kiến thức lớp 2, và cứ thế cứ mỗi dịp hè, các em phải “chạy show” để học trước kiến thức của lớp học kế tiếp. Trong khi đáng lẽ đây là thời gian để các em có thể thư giãn, giải trí, nghỉ ngơi để nạp năng lượng sau một năm học vất vả.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền nhận định: “Các em còn nhỏ tuổi, nên sức khoẻ thể chất và tinh thần của các em rất quan trọng, nhiều trường hợp học sinh quá tải, áp lực học hành nhiều dẫn đến việc các em không tiếp thu được bài trong lớp, sa sút trí tuệ, dẫn đến chán ghét việc học. Còn phụ huynh lại đặt rất nhiều kỳ vọng, tìm các lớp tiền tiểu học dạy tiếng Việt, tiếng Anh, trong khi các kỹ năng sống cơ bản như phòng chống xâm hại, rèn luyện tính tự chủ thì lại không được chú trọng”.
Mỗi buổi sáng tới trường không phải là gánh nặng, sự ám ảnh, lo sợ nào đó mà phải luôn mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho trẻ em. Theo bà, để làm được điều này, phụ huynh phải được học về giáo dục trẻ một cách đúng đắn, quản lý, rèn luyện thói quen tự giác, tự chủ của con em mình, hướng dẫn để trẻ quen với nề nếp, phương pháp học tập mới và sự kiên trì.
“Các bậc cha mẹ không nên chạy theo số đông mà tiền mất, tật mang, nhiều nơi học phí đắt đỏ mà học sinh không được giáo dục đúng. Đây là căn bệnh tâm lý của phụ huynh, mong muốn cho con những gì tốt đẹp nhất nhưng kiến thức cần thiết lại không có nhiều, dẫn đến gánh nặng trẻ con đang bị nhồi nhét, quá tải và không còn tuổi thơ”, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền nhắn nhủ.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất