Không phải bị nhét vào tủ khoá, đánh đập trên sân chơi mới là bạo lực học đường
Giáo sư John Rovers, Đại học Drake (Mỹ) nhấn mạnh, nhiều người lớn cho rằng, bạo lực học đường chỉ bao gồm việc bị nhét vào tủ khóa và bị đánh đập trên sân chơi. Tuy nhiên, trên thực tế, việc bắt nạt giới tính, bao gồm bắt nạt dựa trên xu hướng tính dục hoặc bắt nạt trên mạng xã hội gây ra các loại cảm giác đau khổ hoặc ý định tự tử.
Việc bắt nạt giới tính vô cùng nguy hiểm
Mỗi thế hệ đều có những câu chuyện về bạo lực học đường. Theo CNN, một nghiên cứu mới đây mà tác giả chính là Giáo sư John Rovers, trực thuộc Đại học Drake đã chỉ ra, việc bắt nạt về mặt thể chất - như các cuộc ẩu đả hoặc đánh nhau có rất ít mối liên quan với sự suy sụp về mặt tinh thần.
Giáo sư John Rovers cho biết: “Đối với những người lớn thực hiện cuộc khảo sát này, họ hầu hết cho rằng, sự bắt nạt chỉ bao gồm việc bị nhét vào tủ khóa và bị đánh đập trên sân chơi. Nhưng chúng tôi phát hiện ra, điều đó thực sự chẳng có ảnh hưởng gì mấy cả”.
Theo nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí PLOS ONE (một tạp chí khoa học truy cập mở được xuất bản bởi Thư viện Khoa học Công cộng (PLOS) từ năm 2006), các nhà nghiên cứu đã lấy dữ liệu từ cuộc khảo sát Thanh niên Iowa năm 2018 đối với học sinh lớp 6, 8 và 11 để xem liệu có mối liên hệ nào giữa việc bắt nạt với sức khỏe tâm thần và ý định tự tử hay không.
Kết quả cho thấy, các hình thức bắt nạt khác nhau sẽ có ảnh hưởng khác nhau, gây ra cảm giác buồn bã, tuyệt vọng hoặc ý định tự tử.
Việc bắt nạt giới tính, bao gồm bắt nạt dựa trên xu hướng tính dục hoặc bắt nạt trên mạng xã hội - cô lập một ai đó hoặc khiến bạn bè của họ quay lưng lại với chính họ có ảnh hưởng đáng kể và gây ra các loại cảm giác đau khổ hoặc ý định tự tử.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu này, các giáo viên và giám thị lại lo lắng nhất về vấn đề bắt nạt thể xác.
Ai bị bắt nạt nhiều nhất?
Bắt nạt về giới tính là một hình thức bắt nạt cực kỳ nguy hiểm.
“Giới tính của bản thân vô cùng quan trọng đối với trẻ em và các thanh thiếu niên khi chúng lớn lên. Việc không thể là chính mình và sợ bị người khác phán xét hoặc bắt nạt không chỉ khiến chúng bị cô lập mà còn có thể làm ảnh hưởng đến sự tự tin, yên tâm và khả năng nhìn nhận của chúng”, TS. Neha Chaudhary, bác sĩ tâm thần, Giám đốc Y tế tại BeMe Health, đồng thời giảng dạy tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và trường Y Harvard đã chia sẻ trong một email.
“Mọi người chỉ muốn được là chính bản thân mình và được mọi người yêu quý vì điều đó”, TS. Neha Chaudhary nhấn mạnh.
Các dữ liệu khảo sát được xem xét bởi nhóm nghiên cứu đã tiết lộ một thống kê rất đáng lo ngại khi nói đến tình trạng sức khỏe tâm thần của các thanh thiếu niên.
Khoảng 70.000 sinh viên đã trả lời khảo sát này. Giáo sư John Rovers cho biết, 5% trong số họ từng có ý định tự tử vào năm ngoái. “Đó là 3.500 trẻ em”, ông Rovers nhấn mạnh.
Và trong tuần này, kết quả của cuộc Khảo sát về hành vi rủi ro ở thanh thiếu niên của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho thấy, tình trạng suy sụp về tinh thần ở trẻ vị thành niên đang ngày càng trở nên trầm trọng.
Theo CDC, với tỷ lệ “tăng đột biến” trong thập kỷ qua, trong năm 2021 hầu hết các nữ sinh trung học (57%) luôn cảm thấy buồn bã hoặc tuyệt vọng, tỷ lệ này cao gấp đôi đối so các nam sinh là (29%). Đồng nghĩa với việc cứ 3 nữ sinh thì có một người thực sự cân nhắc về ý định tự tử.
Cuộc khảo sát của CDC cho thấy, hầu hết các học sinh LGBTQ (52%) gần đây cũng có sức khỏe tâm thần suy kiệt và khoảng hơn 1/5 trong số đó đã cố gắng tự tử trong năm qua.
Ông Rovers cho biết, giải pháp cho vấn đề sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên có thể đến từ việc gia đình và nhà trường hợp tác với nhau, chứ không phải tập trung vào việc bản thân trẻ có thể thay đổi những gì.
“Đổ lỗi vấn đề này cho một đứa trẻ 9 tuổi là sai lầm”, ông nói thêm.
Xử lý ra sao đối với những kẻ bắt nạt?
Ông Rovers phân tích, khi việc bắt nạt diễn ra, có 3 kiểu người tham gia: Kẻ bắt nạt, nạn nhân và người vừa bị bắt nạt, vừa bắt nạt người khác.
Tiến sĩ Hina Talib, chuyên gia y học vị thành niên tại Viện Atria ở New York và Phó Giáo sư nhi khoa lâm sàng tại Đại học Y khoa Albert Einstein ở thành phố New York cho biết, cả 3 đều cần được hỗ trợ.
Bà Talib, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: “Bắt nạt là một kiểu hành vi không chỉ gây hại cho nạn nhân, mà hành vi đó còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cả những người chứng kiến hoặc thậm chí đối với chính bản thân kẻ bắt nạt”.
Bà nói: “Mặc dù phản ứng đầu tiên của những người giám hộ là trừng phạt con mình khi biết được chúng đi bắt nạt người khác, nhưng điều quan trọng hơn là phụ huynh cần phải tìm hiểu sâu hơn một chút về những gì đang diễn ra với chính bản thân những đứa trẻ đó”.
“Có thể có những lý do nào đó đã khiến chúng thực hiện những hành vi này”, bà Talib giải thích. Cũng theo bà: "Tôi nghĩ điều quan trọng là họ cũng phải thấy được chính con họ cũng đang phải chịu tổn thương”.
Bà khuyên các bậc cha mẹ nên ngồi xuống cùng với con mình với tâm thế “đây là một hành vi sai trái, và bố mẹ ở đây để giúp con hiểu được lý do tại sao”.
Bà nói thêm: “Những kẻ bắt nạt cũng có thể và nên có sự giúp đỡ. Hầu như luôn có cách để giải quyết vấn đề”.
Theo Giáo sư Rovers, có nhiều ý kiến xoay quanh động cơ chính thúc đẩy hành vi bắt nạt, nhưng một ý kiến đã chỉ ra rằng, có thể những đứa trẻ đang bắt chước cách chúng nhìn thấy người lớn giải quyết vấn đề của họ trong cuộc sống.
Những đứa trẻ này có thể đã học được rằng, bạo lực chính là một cách để tự bảo vệ bản thân.
Giúp đỡ nạn nhân của việc bắt nạt như thế nào?
Bà Talib chỉ ra, đối với những đứa trẻ đang bị bắt nạt, không phải lúc nào chúng cũng có thể tâm sự với người lớn những gì không tốt đẹp đang xảy ra với bản thân.
Thay vì nói với chúng những lời nói tàn ác hoặc hành động cô lập, trước tiên các gia đình cần phải nhận thấy sự căng thẳng, lo âu, trầm cảm và nổi loạn của trẻ.
Bà khuyên, các bậc cha mẹ nên chú ý đến các hành vi của con mình và can thiệp ngay khi nhận thấy sự thay đổi của chúng.
Một cách giải quyết hữu ích mà các bậc cha mẹ có thể tham khảo là hãy hỏi những người bạn của mình về kinh nghiệm thực tế.
"Hãy nói vu vơ với con, có một báo cáo nghiên cứu rất thú vị đề cập về vấn đề bắt nạt và nó khiến bố mẹ suy nghĩ rất nhiều. Bố/mẹ tò mò rằng, liệu bạn của con có bị bắt nạt không hay con đã từng chứng kiến một tình huống mà ai đó bị bắt nạt hay chưa", bà Talib đưa ra gợi ý.
Nếu các bậc cha mẹ nhận thấy con mình đang là đối tượng bị bắt nạt, hãy liên hệ với nhà trường và các gia đình khác để cùng đưa ra giải pháp.
Theo CNN
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất