06:48 28/02/2023

Phát hiện hành vi xâm hại trẻ em nhưng không tố giác có bị phạt không?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Mới đây, vụ việc mẹ cho con gái uống thuốc ngủ rồi gọi người tình đến xâm hại ở Tuyên Quang khiến dư luận bức xúc. Đây là hành vi tiếp tay cho tội phạm vi phạm pháp luật nghiêm trọng, lệch chuẩn và đi ngược với các chuẩn mực đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Bạn đọc Hoàng Văn (Đắk Lắk) hỏi: Thời gian gần đây vụ mẹ ruột tiếp tay cho người tình xâm hại con gái khiến dư luận vô cùng bức xúc, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Tôi muốn hỏi, trong trường hợp phát hiện hành vi xâm hại trẻ em thì nên xử lý như thế nào? Hậu quả pháp lý ra sao nếu không tố giác? Tôi mong nhận được tư vấn cụ thể. Xin chân thành cảm ơn Tạp chí Trẻ em Việt Nam.

TỘI PHẠM
Nghĩa vụ tố giác tội phạm khi phát hiện hành vi xâm hại trẻ em (Ảnh: Hoài Linh).

Nội dung bài viết:

  • 1. Cơ quan, tổ chức cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em cần có trách nhiệm gì?
  • 2. Không tố giác tội phạm xâm hại trẻ em trong môi trường học đường có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
  • 3. Không tố giác tội phạm sẽ chịu hình phạt như thế nào?

Cơ quan, tổ chức cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em cần có trách nhiệm gì?

Căn cứ Điều 51 Luật Trẻ em 2016 quy định trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em:

"Điều 51. Trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em

1. Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền.

2. Cơ quan lao động - thương binh và xã hội, cơ quan công an các cấp và Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác; phối hợp xác minh, đánh giá, Điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em.

3. Chính phủ thiết lập tổng đài điện thoại quốc gia thường trực để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em; quy định quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em".

Theo đó, cá nhân, tổ chức phải có trách nhiệm thông tin tố giác hành vi xâm hại trẻ em đến cơ quan có thẩm quyền. Cá nhân biết nhưng không tố giác tội phạm có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định sau:

Không tố giác tội phạm xâm hại trẻ em trong môi trường học đường có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Căn cứ tại Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định không tố giác tội phạm như sau:

"1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.

2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa".

Không tố giác tội phạm sẽ chịu hình phạt như thế nào?

Căn cứ theo Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 138 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội không tố giác tội phạm:

"1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”.

2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt".

Do đó, theo Điều 19 của Bộ luật hình sự, người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 389 của Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên, Điều luật cũng quy định người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm theo quy định như trên, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật hình sự.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận