Liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước tập thể thương tâm
Thời gian qua, các cấp, ngành đã đưa ra nhiều giải nhằm ngăn ngừa đuối nước, nhưng số trẻ tử vong do đuối nước vẫn còn cao, nhất là vào các dịp hè.
Sáng 13/7, thông tin từ UBND huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 3 cháu nhỏ tử vong.
Vào lúc 20h ngày 11/7, UBND xã Dìn Chin (huyện Mường Khương) nhận được thông tin về việc 3 trẻ em đi câu cá tại thôn Ngải Thầu bị đuối nước.
Các nạn nhân là cháu T.C.C. (9 tuổi), T.C.H. (5 tuổi) và T.M.H. (8 tuổi), đều trú tại thôn Dìn Chin, xã Dìn Chin, huyện Mường Khương. Trong đó, có 2 nạn nhân là anh em ruột.
Trước đó, tại Ninh Bình cũng xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 3 trẻ tử vong. Cụ thể, vào khoảng hơn 17 giờ ngày 9/7, ba cháu là N.X.B; N.H.B (đều sinh năm 2020) và cháu P.T.K (sinh năm 2021) cùng trú tại Phố 4, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh, sau khi được ông bà đón từ trường mầm non về đã ra ngoài chạy chơi và ngã xuống ao gần nhà. Hai cháu N.X.B và N.H.B là anh em sinh đôi và cháu P.T.K là anh em họ.
Sau khi không thấy các cháu, gia đình tổ chức tìm kiếm và nhìn thấy có quả bóng nổi trên ao. Gia đình xuống ao thì phát hiện 3 cháu đã tử vong.
Ngày 27/5, một vụ đuối nước thương tâm xảy ra trên địa bàn xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa khiến 2 học sinh nữ thiệt mạng. Theo thông tin ban đầu, chiều 27/5, nhóm 3 học sinh cùng lớp ở Trường tiểu học Ninh Thượng (xã Ninh Thượng) rủ nhau ra đập Cùng trên địa bàn xã chơi đã gặp nạn, 2 học sinh nữ đã chết đuối, một em may mắn thoát chết nhưng vẫn trong tình trạng hoảng loạn.
Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, tình trạng đuối nước trẻ em có xu hướng gia tăng, đã xảy ra nhiều vụ đuối nước trẻ em trên toàn quốc, trong đó tập trung xảy ra nhiều vào dịp chuẩn bị kỳ nghỉ Hè và những tháng Hè trẻ nghỉ học.
Theo thống kê một năm ở Việt Nam có gần 6.000 người trong đó có gần 2.000 trẻ em, bị chết do đuối nước. Tức là cứ 100.000 người dân có 5,9 người bị chết do đuối nước. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình của các nước ASEAN (5,2) và thế giới (4,3). Dù có rất nhiều biện pháp đã triển khai nhưng số người tử vong do đuối nước ở Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt đau xót là gần 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ra nhiều vụ đuối nước ở Việt Nam là do môi trường tự nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, thương tích nhất là tai nạn đuối nước trẻ em. Việt Nam có đường bờ biển dài, địa hình phức tạp, hệ thống sông, suối, ao, hồ dày đặc; một số khu vực có hệ thống sông ngòi và kênh, rạch chằng chịt, nhiều ao, hồ, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, môi trường gia đình, cộng đồng còn nhiều yếu tố chưa bảo đảm an toàn, có thể gây đuối nước trẻ em. Nhiều nơi còn tình trạng bể nước không có nắp đậy, nhiều công trình xây dựng không có rào chắn, thiếu biển báo tại các hố nước hoặc không lấp bỏ các hố nước sau khi kết thúc xây dựng; nhiều ao, hồ tưới tiêu trong các khu vực nương rẫy, khu dân cư không bảo đảm an toàn.
Các khúc sông, hồ nước sâu, nước xoáy gần khu dân cư không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm; hệ thống kè sông, hồ còn được thiết kế có dốc trượt nguy hiểm.
Ngoài ra, có những trường hợp cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ chưa nhận thức được tầm quan trọng, sự cần thiết của công tác phòng, chống đuối nước, chưa quan tâm tạo môi trường an toàn cho trẻ em; nhiều cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em thiếu kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em, còn chủ quan, thiếu trách nhiệm, chưa thường xuyên nhắc nhở, giám sát trẻ.
Nhiều trẻ em thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu đuối, chưa biết bơi an toàn. Chính do thiếu kỹ năng nên các em không nhận biết được môi trường nước nguy hiểm vẫn xuống bơi, không biết cách cứu đuối gián tiếp mà nhảy xuống cứu đuối trực tiếp khi thấy bạn bị đuối nước và dẫn đến tử vong nhiều em cùng một lúc.
Chủ động phòng chống hoặc xử lý tình huống đuối nước
1. Trang bị các kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi như: khởi động kỹ trước khi xuống nước, cách xử lý khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước,…
2. Đặt biển cảnh báo về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu, nước xoáy.
3. Đối với các bể bơi, chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ đồng thời tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Khi cho trẻ đi bơi cần phải luôn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ.
4. Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, chỉ nên bơi trong khu vực an toàn được chỉ định.
5. Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao.
6. Khi phát hiện người đuối nước cần bình tĩnh xử lý, hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân đồng thời gọi điện báo ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ - Công an thành phố Hà Nội theo số máy 114.
7. Khi đưa nạn nhân bị đuối nước lên bờ cần bình tĩnh đánh giá tình trạng của nạn nhân.
Trường hợp nạn nhân bất tỉnh, có ngừng tim, ngừng thở, cần áp dụng ngay các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn, kiên trì đến khi nạn nhân có nhịp tim trở lại thì nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong trường hợp nạn nhân khi được đưa lên bờ vẫn tỉnh táo, tự thở được, cần lau khô, ủ ấm, đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất